(Dân trí) - Sau 3 năm "bỏ phố về rừng", anh Mãn đã biến hai quả đồi vốn chỉ trồng ngô, trồng lúa ở xóm Nám (Mai Châu) thành khu nghỉ hài hòa thiên nhiên, thu hút du khách.
Trên con đường từ trung tâm huyện Mai Châu (Hòa Bình) vào bản du lịch cộng đồng - Bản Bước (xã Xăm Khòe), khi đi qua khu vực xóm Nám, du khách có thể thấy thấp thoáng những căn nhà sàn mái cọ bố trí thành vòng tròn, quây quần như một bản làng nhỏ, nằm đan xen ruộng bậc thang, ruộng ngô, mướp, vườn rau, ao cá. Khuôn viên xung quanh ngập tràn cây xanh, các loại hoa khoe sắc.
Nơi đây vốn là hai quả đồi liền kề, cách trung tâm huyện khoảng 15km, rộng khoảng 16ha, một phần được chia cho bà con trong xóm Nám canh tác lúa, ngô theo vụ, còn lại phần lớn là bỏ hoang. Bốn năm trước, được người bạn giới thiệu, anh Trịnh Phúc Mãn (54 tuổi, người Hà Nội) lặn lội tìm tới đây xem đất.
Thấy hai quả đồi nằm cách biệt với bản làng qua con suối nước khoáng trong vắt, tựa một ốc đảo xanh, anh Mãn như "mở cờ trong bụng": "Tôi luôn ước mơ xây dựng một khu nghỉ trên đồi, hòa mình giữa thiên nhiên và mang bản sắc địa phương. Nơi đây có địa thế đẹp, nguồn nước khoáng nóng tự nhiên, những thửa ruộng bậc thang nối dài, người dân ôn hòa, thân thiện - rất lý tưởng để thực hiện ước mơ đó", anh Mãn kể.
Vợ chồng anh Mãn kinh doanh bất động sản và du lịch từ lâu. Những năm 1990-2000, họ đã có công ty du lịch với gần 40 chiếc xe chuyên chạy tour Hà Nội - Huế - Đà Nẵng và hệ thống khách sạn nổi tiếng khắp phố cổ Hà Nội. Sau này, anh Mãn nổi tiếng trong ngành du lịch khi lột xác một khu đảo hoang toàn rác thành điểm du lịch hút khách ở Hải Phòng.
Tuy nhiên, anh Mãn thừa nhận, giai đoạn bắt tay thực hiện khu nghỉ dưỡng tại xóm Nám, xã Xăm Khòe, anh đối mặt với muôn vàn khó khăn. Vừa trải qua dịch Covid-19, cộng thêm biến động trong kinh doanh ở Hải Phòng, nguồn vốn đầu tư của công ty hạn hẹp. Bản thân anh Mãn vừa trải qua phẫu thuật thay thận hồi năm 2020 nên vợ và các con rất lo lắng anh làm việc quá sức. "Mọi người hay gọi tôi là Mãn "khùng". Tôi khùng và dở thật, đã muốn làm sẽ làm bằng được", anh Mãn nói. Rời Hà Nội, anh lên huyện vùng cao trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương, tới xóm Nám, xã Xăm Khòe vận động bà con.
Xã Xăm Khòe là xã miền núi của tỉnh Hòa Bình, cách trung tâm huyện Mai Châu 19km, phía tây giáp với xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Xã có 7 xóm với ba dân tộc anh em sinh sống là Thái, Kinh và Mông. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. "Năm 2020, bà con người Thái ở xóm Nám vẫn trông cậy vào trồng hai vụ lúa ở quả đồi này, thu nhập khoảng hơn 1 triệu đồng/hộ/năm, đời sống khó khăn. Thanh niên trai tráng muốn kiếm thu nhập phải đi làm rất xa. Tôi đến nói chuyện với bà con về việc làm du lịch ở bản, hứa tạo công ăn việc làm trong suốt quá trình xây dựng khu nghỉ, cam kết nhận mỗi hộ một nhân viên làm việc chính thức, trực tiếp đào tạo và trả lương thấp nhất là 4 triệu đồng/tháng", anh Mãn kể lại.
Biết người dân ở bản chỉ tin những ai "nói được làm được", anh Mãn đưa thiết bị, nhân lực về đào mương, kéo điện lưới, mở đường, mời đại diện tới thăm mô hình du lịch anh xây dựng tại Hải Phòng. Anh mở lớp tiếng Anh tại bản, mời người về dạy các em nhỏ, thanh niên rồi lần lượt đưa các bạn trẻ ra khu du lịch ở đảo làm quen, hướng dẫn và đào tạo công việc lái xe, buồng phòng, nấu ăn…
"Anh Mãn là doanh nhân nhưng rất gần gũi với bà con, dám hứa dám làm nên bà con nhanh chóng ủng hộ", ông Lường Văn Nhiêu, Bí thư Đảng ủy xã Xăm Khòe cho hay. Cuối năm 2020, anh Mãn bắt tay vào quy hoạch khu nghỉ dưỡng trên đồi. Quả đồi như một ốc đảo nằm ngăn cách với khu vực dân cư bằng con suối Xia. Để vào đồi chỉ có thể di chuyển qua cây cầu treo rộng chừng 2m hoặc một con đường đất nhỏ ngoằn ngòeo. Chính vì thế, việc vận chuyển nguyên vật liệu hết sức khó khăn, nhiều công việc chỉ có thể dùng sức người thay vì máy móc. "Mục tiêu của tôi là giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, hạn chế tối đa tác động vào môi trường nên vật liệu xây dựng chủ yếu là tre, nứa, gỗ… Những vật liệu này làm kì công mà đắt hơn cả xây bê tông, gạch thông thường", anh Mãn cho hay.
"Suốt thời gian xây dựng, tôi gần như không về Hà Nội, ở đây làm việc cùng anh em kĩ sư, thợ xây, bà con từ 6h sáng tới 18-19h tối. Đêm tôi lại trằn trọc tính toán vật tư, kế hoạch triển khai, nguồn vốn… Mỗi ngày tôi ngủ chỉ 3-4 tiếng, da đen nhẻm, sụt vài kg", anh Mãn nhớ lại. Là giám đốc khu nghỉ dưỡng nhưng anh Mãn vẫn quen mặc quần đùi, đi dép lê, ăn uống bình dị ngay công trường xây dựng cùng bà con trong xóm. Anh sẵn sàng đi vác tre, nứa, cuốc đất, xúc cát… Bà con ở đây hay gọi đùa là "ông Mãn quần đùi dép lê" hay "giám đốc quần đùi dép lê".
"Chắc tại tôi bình dân như thế nên bà con thương. Khi biết tôi gặp khó khăn về tài chính, mấy chục bà con vẫn đồng lòng hỗ trợ, không đòi hỏi lương. Tôi xúc động và biết ơn vô cùng", anh Mãn nhớ lại. Anh Mãn và gia đình duy trì nhiều công việc kinh doanh lưu trú ở các điểm đến khác để có nguồn vốn đầu tư cho khu nghỉ trên đồi. Bạn bè khắp nơi cũng mỗi người một chút một ít hỗ trợ "ông bạn khùng đam mê du lịch". Sau 3 năm, khu nghỉ dần thành hình. Băng qua chiếc cầu treo bắc ngang suối, du khách sẽ tiến vào "ốc đảo" xanh tươi, thanh bình, như tách biệt với thế giới bên ngoài. Các phòng nghỉ được bố trí thành vòng tròn, quây quần như một bản làng nhỏ nằm đan xen ruộng bậc thang, vườn rau, ao cá.
Anh Mãn xây dựng 26 phòng nghỉ theo lối kiến trúc nhà sàn của dân tộc Thái, mái lợp lá cọ. Phần tường nhà, ngoài khung tre, nứa sẽ được trát đất như nhà trình tường, vừa để tăng tính bền vững, cách âm vừa mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Mỗi gian phòng được trang trí đơn giản nhưng mang bản sắc Tây Bắc, ấm áp, có khung cửa sổ và ban công lớn nhìn ra thiên nhiên. Điều đặc biệt, nguồn nước sử dụng tại đây đều là nước khoáng tự nhiên. Anh Mãn cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng cho một hệ thống xử lý nước thải công nghệ cao nhằm bảo vệ môi trường sinh thái.
Anh Mãn mời bà con địa phương làm đầu bếp trong nhà hàng tre của khu nghỉ, nơi chuyên phục vụ những món ẩm thực đặc trưng như cơm lam, gà nướng, nộm kiến chua, cá đồ lá đu đủ, bánh ốc, bánh gai… Nhà bếp sử dụng đa phần là nguyên liệu có sẵn tại bản như thịt lợn, gà, vịt, cá, rau xanh, củ quả… Những thanh niên trong bản được đào tạo và hướng dẫn để trở thành hướng dẫn viên bản địa, đưa du khách tham quan suối nước khoáng, chèo bè, leo núi, thăm thác, khám phá bản Bước… Suối Xia chảy qua khu nghỉ có những đoạn khoáng nóng lộ thiên, mát lạnh vào mùa hè và ấm nóng vào mùa đông, khiến du khách đặc biệt thích thú.
Chiều tối, sau một ngày trải nghiệm, du khách có thể trở về nhà hàng, cùng đầu bếp làm các món bánh truyền thống như bánh ốc, bánh gai, xem bà con trình diễn văn nghệ dân tộc Thái, đốt lửa trại… Dù mới mở cửa nhưng khu nghỉ này đã thu hút lượng khách ổn định, đạt 100% công suất phòng cuối tuần.
Chị Amy (quốc tịch Úc) đang sống và làm việc tại TP.HCM tìm tới khu nghỉ trong chuyến thăm Hà Nội cùng các tỉnh phía Bắc. Chị Amy cảm thấy bị cuốn hút bởi hình ảnh những ngôi nhà mái cọ, thửa ruộng bậc thang uốn lượn, dòng suối trong xanh dưới chân đồi. "Không khí ở đây vô cùng dễ chịu, cảm giác như tách biệt khỏi ồn ào, áp lực. Tôi có thể đạp xe, đi bộ, bơi,... Đồ ăn rất ngon và người dân thì thân thiện", chị Amy chia sẻ.
Hiện tại, khu nghỉ của anh Mãn đang tạo công việc ổn định cho 20 bà con trong xóm bản, mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gần 40 bà con khác vẫn đang tham gia xây dựng mở rộng khu nghỉ. "Những nhà đầu tư như anh Mãn đã mang tới công ăn việc làm ổn định cho bà con địa phương, tạo ra sự năng động, phát triển cho vùng đất này", ông Lường Văn Nhiêu, Bí thư Đảng ủy xã Xăm Khòe cho hay.
Dantri.com.vn
Comment (0)