Một trong những điều các triết gia ngày nay nói đến là công nghệ giúp con người có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn. Tết ngày nay cũng vậy, không còn là một thứ khiến con người ta quá bận rộn nữa và có nhiều thời gian tìm kiếm niềm vui.
Nhờ vậy mà Tết càng ngày càng đến sớm, chẳng đợi những cành đào đầu tiên xuống phố hay chờ cơn mưa xuân nhắc nhở, người Việt đã náo nức với Tết bắt đầu từ việc “tận hưởng” những công việc chuẩn bị đón Tết.
Vào cuối năm dương lịch cũng như âm lịch, hầu như ai cũng vội vàng hơn khi các thời hạn công việc của một năm đến hồi tổng kết. Ấy là lúc người ta cảm nhận rõ rệt bước chân của mùa xuân đã đến, cho dù đất trời vẫn còn không khí lạnh giá của mùa đông.
Nếu trước đây, các đồ bày biện bàn thờ hay thức làm cỗ phải lo liệu từ sớm do nguồn cung hạn chế, ngày nay thứ phải để ý sớm chính là những món đồ “to tiền” như tân trang nhà cửa, sắm thiết bị tiện nghi mới, nhất là những món đồ công nghệ và giải trí tại nhà.
Một phòng khách có những món đồ “hoành tráng” từ trước tới giờ vẫn là nơi trưng bày phù hợp nhất thể hiện sự đi lên “bằng năm bằng mười năm ngoái” của gia chủ. Hơn nửa thế kỷ trước, những bức tranh Đông Hồ hay tứ quý Hàng Trống đã có thể đủ đem lại màu sắc Tết cho phòng khách, mang những ước vọng gần gũi đời sống dựa nhiều điều kiện tự nhiên.
Ngày nay, những thiết bị nghe nhìn hiện đại có thể thay thế điều đó, khi chúng là những tiêu chuẩn sống thời thượng. Nhưng những người yêu thích nghệ thuật hay vàng son quá khứ lại có một cách khác, dẫu khá tốn kém: chơi đồ cổ và tác phẩm hội họa.
Những món đồ cổ giáp Tết vì thế có hẳn những khu chợ để trao đổi. Ở Hà Nội, chợ hoa Hàng Lược nếu có vài dãy bán đào, quất hay hoa Tết thì có gấp nhiều lần hơn thế là các gian hàng bán đồ cổ, đồ cũ. Dường như ở đây, thời gian ngừng trôi. Những thứ của một thời quá vãng níu chân người muốn cầm lên, thưởng ngoạn những đường nét cổ truyền, dường như rất trùng mạch cảm xúc của ngày giáp Tết đem lại. Một bộ đồ thờ bằng đồng, một chiếc bình hoa có họa tiết chủ đề tứ quý…
Người ta gặp những món đồ tưởng như bước ra từ tập truyện Vang bóng một thời hay tùy bút Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân, thời những con người nặng lòng với quá khứ, nhờ thế mà bảo lưu hồn vía một cái Tết “kiểu xưa”.
Mặc dù Hà Nội có nhiều dãy phố như Nguyễn Thái Học, Hàng Gai bán tranh trang trí quanh năm, song sự sôi động của thị trường tranh hội họa gần đây khiến cho việc sở hữu một bức tranh đẹp trong nhà dịp Tết dễ dàng hơn, và cũng thành niềm vui khi có được một tác phẩm có giá trị lâu dài.
Một số gia chủ có nhu cầu tiếp cận những danh tác của các danh họa Việt Nam và quốc tế, thêm vào đó đương nhiên giá trị tính bằng hiện kim của chúng không hề nhỏ, nên việc có được những bức tranh như ý phải tiến hành từ trong năm. Mua được tác phẩm xứng đáng để treo trong nhà, dường như đã hoàn thành mục tiêu một cái Tết đẹp đẽ cho những người say mê nghệ thuật.
Tạp chí Heritage
Comment (0)