Cuộc sống ấm no nhờ cây chè
Huyện Sơn Dương nổi tiếng với các làng nghề sản xuất, chế biến chè, như: Làng nghề chè thôn Vĩnh Tân (Tân Trào), làng nghề chè thôn Đồng Hoan (Tú Thịnh), làng nghề chè thôn Liên Phương (Phúc Ứng), làng nghề chè thôn Yên Thượng (Trung Yên), làng nghề chè thôn Đồng Đài (Hợp Thành), làng nghề chè thôn Cảy (Minh Thanh). Các làng nghề này đang hoạt động khá hiệu quả, đang từng bước nâng cao giá trị của cây chè.
Làng nghề chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) là làng nghề sản xuất và chế biến chè được công nhận đầu tiên của tỉnh. Làng nghề có 180,2 ha với 110 hộ trồng và chế biến chè. Trải qua gần 10 năm hình thành và phát triển, hiện làng nghề hoạt động ổn định, cho thu nhập cao. Với lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu, người dân có kinh nghiệm nhiều năm trong sản xuất, nhanh chóng tiếp cận khoa học kỹ thuật trong trồng và chế biến chè nên sản phẩm ngày càng khẳng định được thương hiệu. Sản phẩm chè của làng nghề đã đoạt cúp đồng tại Festival Chè Thái Nguyên năm 2015, năm 2019, chè Vĩnh Tân được chứng nhận OCOP 3 sao. Từ việc tạo dựng nên thương hiệu của làng nghề, đến nay, sản phẩm chè của làng nghề chè Vĩnh Tân luôn giữ mức giá từ 150.000 – 230.000 đồng/kg tùy từng loại chè, thu nhập bình quân đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm.
Ông Phạm Văn Đáng, người dân thôn Vĩnh Tân cho biết, gia đình ông đã thay thế giống chè cũ bằng giống chè PH9, LCT1 là những giống chè đại diện giống mới, năng suất cao, chất lượng tốt. Từ trồng chè gia đình ông có cuộc sống ấm no, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng. Với 1 ha chè của gia đình, vào thời điểm chè rộ mỗi tháng có thể sản xuất được 400 kg chè khô, sau khi xuất bán, trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Sơn Dương, với diện tích trên 1.800 ha đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho một lượng lớn lao động.
Ngoài các cơ chế chính sách của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp, như: Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết về phát triển cây, con đặc sản… Huyện cũng dành nguồn lực để đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống, như: Chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Với sự quan tâm của tỉnh, chủ động của huyện, các làng nghề chè trên địa bàn Sơn Dương được bảo tồn, phát triển.
Lợi ích kép từ phát triển làng nghề gắn với du lịch
Hiện tỉnh Tuyên Quang có 8 làng nghề được công nhận, trong đó tất cả là làng nghề chè của huyện Sơn Dương. Ngoài sản xuất chè, người dân Sơn Dương trồng chè tập trung thành khu, đồi chè được cắt tỉa tạo hình bắt mắt, chè được chăm sóc theo quy trình sạch. Đến với làng nghề ngoài tham quan những đồi chè, du khách còn được trải nghiệm hái chè, sao chè, thưởng thức những ly chè nóng hổi… hoàn toàn miễn phí. Những khách du lịch được trải nghiệm làm chè và mua, tặng những sản phẩm chè, đây là kênh giới thiệu sản phẩm tốt. Người dânSơn Dương đang được hưởng lợi ích kép từ phát triển làng nghề gắn với du lịch.
Chị Đặng Trung Anh, quận 5, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị đến thăm Sơn Dương. Chị rất ấn tượng với những nếp nhà sàn và được nghỉ dưỡng qua đêm của dịch vụ nghỉ homestay Hoàng Lâu, thôn Tân Lập, nó rất gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu sống xanh. Đến đây, chị được trải nghiệm khám phá hoạt động sản xuất nông nghiệp, văn hóa sinh hoạt thường ngày của người nông dân, như: Xay lúa, giã gạo, cày ruộng, hái chè, rồi tự tay chế biến món cơm lam, xôi ngũ sắc, tự tay pha chè, thưởng thức các sản phẩm do mình thu hoạch, rất ấn tượng và thú vị.
Sơn Dương xác định xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo các nhóm: Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề…; ưu tiên các mô hình gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân…; khai thác nhà vườn, trang trại, khu sinh thái, khu công nghệ cao phát triển thành các điểm du lịch trải nghiệm kết nối với các điểm du lịch của tỉnh Tuyên Quang.
Bà Hà Thị Hồng Liên, Trưởng phòng Văn hoá huyện Sơn Dương, cho biết, huyện sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả những lợi thế về tài nguyên du lịch của địa phương, tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch gắn với cây chè, nhằm nâng tầm giá trị của cây chè Sơn Dương. Qua đó, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cũng như tạo sinh kế, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Trong 03 năm, từ 2021-2023, huyện Sơn Dương đã thu hút được khoảng 2.463.200 khách tham quan, doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 2.517 tỷ đồng.
Sơn Dương (Tuyên Quang): Bảo tồn văn hoá gắn với phát triển du lịch
Comment (0)