Sau 10 năm trở thành thị xã, nhìn lại chặng đường đã qua dễ dàng nhận thấy hầu hết lĩnh vực kinh tế, xã hội đã có những bước tiến, phát triển mạnh mẽ. Hạ tầng đô thị được đầu tư hoàn thiện, đời sống nhân dân không ngừng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm mạnh… Qua đó tạo tiền đề vững chắc để Điện Bàn hiện thực mục tiêu trở thành thành phố trước năm 2030.
Phát triển toàn diện
Năm 2025, Điện Bàn đặt mục tiêu nâng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế so với năm 2024 tăng 11% trở lên. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 11% trở lên (riêng công nghiệp tăng 10% trở lên); nông - lâm - ngư nghiệp tăng 2% trở lên; thương mại - dịch vụ tăng 13% trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12% trở lên; thu nội địa trên địa bàn tăng 29% trở lên…
Ông Nguyễn Minh Hiếu - quyền Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn chia sẻ, đây là những mục tiêu khả quan Điện Bàn có thể đạt được. Điều này hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn lại chặng đường phát triển của Điện Bàn sau 10 năm trở thành thị xã.
Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, năm 2015 khi Điện Bàn được công nhận thị xã, tổng thu ngân sách cân đối trên địa bàn lúc bấy giờ chỉ khoảng gần 200 tỷ đồng, nhưng 9 năm sau, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế nhưng năm 2024 tổng thu ngân sách trên địa bàn vẫn đạt hơn 1.223tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 7,53%/năm, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Cụ thể, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp (-2.66%), tăng tỷ trọng ngành dịch vụ (+6.35%).
Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 chỉ có 32,5 triệu đồng thì đến năm 2024 đã tăng lên thành 71,3 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từ 3,42% năm 2015 xuống còn 0,61% vào năm 2024, dự kiến năm 2025 giảm còn 0,6%. Đáng chú ý, từ năm 2017 đến nay, Điện Bàn đã tự cân đối thu chi ngân sách và có điều tiết về cấp trên.
Đến nay, thị xã Điện Bàn có 8/8 xã duy trì chuẩn nông thôn mới (NTM) theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó có 6 xã NTM nâng cao (Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Tiến) và 4 xã NTM kiểu mẫu (xã Điện Quang được công nhận năm 2023; đề nghị tỉnh thẩm định công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu năm 2024 đối với 3 xã Điện Trung, Điện Phong, Điện Phước vào cuối năm 2024). Có 59 thôn NTM kiểu mẫu được UBND thị xã công nhận.
Cạnh đó, nếu năm 2015, Điện Bàn có 7 phường, tỷ lệ đô thị hóa 38,7%; đến ngày 13/2/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 727 về thành lập 5 phường thuộc thị xã Điện Bàn, nâng tổng số lên 12 phường và 8 xã NTM, tỷ lệ đô thị hóa 66,6%.
Hướng đến đô thị loại 3
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Điều chỉnh Quy hoạch đô thị Điện Bàn được UBND tỉnh phê duyệt, Điện Bàn trở thành đô thị loại 3 trước năm 2030 theo định hướng sinh thái, văn hóa, thông minh, đóng vai trò là trung tâm phát triển vùng Bắc Quảng Nam và là đô thị kết nối phát triển cùng Đà Nẵng và Hội An.
Ông Nguyễn Minh Hiếu nhìn nhận, để hoàn thành mục tiêu này, bên cạnh phát triển kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, thương mại dịch vụ, nhất là du lịch, thời gian tới, thị xã sẽ rà soát tất cả doanh nghiệp đang sản xuất không hiệu quả, đề xuất thu hồi đối với diện tích không sản xuất.
Đồng thời tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư nhằm nâng giá trị sản xuất công nghiệp giải quyết lao động địa phương. Tập trung phát triển du lịch dựa trên các lợi thế về vị trí, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa… Nâng cao mức sống người dân, chú trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nâng dần mức sống người dân hướng đến đô thị văn minh thời gian đến.
Đặc biệt, chú trọng hoàn thiện hạ tầng đô thị, đây được xem là vấn đề mấu chốt đóng vai trò quan trọng. Thời gian qua, thị xã đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, hoàn thiện diện mạo theo yêu cầu phát triển đô thị, nông thôn mới, kết quả khá tích cực. Trong đó, thị xã chú trọng mạnh điểm nhấn đô thị ven biển Điện Bàn - Hội An với trục dòng sông Cổ Cò dựa trên các cây cầu cảnh quan kết nối giao thông Đông - Tây và thông ra biển.
Dự kiến, giai đoạn 2025 - 2030 sẽ sắp xếp dân cư ven biển Điện Ngọc, Điện Dương để hình thành Quảng trường biển, nơi sẽ là không gian của lễ hội cầu ngư, biểu diễn các loại hình văn hóa dân gian… tạo điểm thu hút du lịch trên tuyến giao thông ven biển Đà Nẵng - Hội An.
UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị và các ngành rà soát lại tất cả tiêu chí để đạt chuẩn đô thị loại 3. Trong đó, những tiêu chuẩn nào chưa đạt sẽ tập trung xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện đầu tư nhằm hoàn thiện các tiêu chí.
Đến nay, qua tự rà soát các tiêu chí đô thị, thị xã Điện Bàn đạt 78,67/100 điểm, cơ bản vượt mốc để trở thành đô thị loại 3 trước năm 2030. Những tiêu chí còn lại, Điện Bàn sẽ tập trung nguồn lực của địa phương và kiến nghị trung ương hỗ trợ để hoàn thành trong thời gian tới.
Thực tế, gần 10 năm qua, Điện Bàn không ngừng nỗ lực sử dụng tốt các nguồn vốn, thu hút đầu tư vào xây dựng phát triển hạ tầng đô thị. Triển khai nhiều đề án và công trình đầu tư công đạt hiệu quả cao, có thể kể đến như Trung tâm Thể dục thể thao Bắc Quảng Nam, công viên Thanh niên, công viên Mẹ Thứ, nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống thoát nước khu dân cư, khu đô thị...
Đồng thời thị xã cũng tập trung cho các dự án của tỉnh trên địa bàn như ĐT605, ĐT607, ĐT608, ĐT609, cầu Vân Ly, đường vành đai Bắc Quảng Nam... Những công trình này đã góp phần không nhỏ vào tiêu chí hạ tầng kỹ thuật trong quá trình xét duyệt các xã thành phường hay lớn hơn là nâng cấp đô thị từ loại 4 thành loại 3.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/hanh-trinh-khang-dinh-vi-the-thi-xa-dien-ban-3148580.html
Comment (0)