Hoàng Anh và Quỳnh Hoa cùng trẻ em Mali, châu Phi
"Chúng tôi đặt mục tiêu thành những người Việt đầu tiên dùng hộ chiếu Việt Nam đến hết 195 quốc gia", đôi vợ chồng 9X Nguyễn Minh Hoàng Anh và Vũ Thị Quỳnh Hoa, hiện sống tại Hà Nội, chia sẻ ước mơ đầu xuân 2025 và cũng là "giấc mộng đời người" của họ.
Đến nay, Hoàng Anh đã đặt chân đến 134 quốc gia, Quỳnh Hoa đã đến 136 quốc gia, và cả hai vợ chồng đi cùng nhau được 105 quốc gia.
Chúng tôi đã cùng đặt chân tới 26 nước châu Mỹ, 25 nước châu Âu, 24 nước Tây Phi, 14 nước Đông Phi, hơn 10 nước châu Á... Chúng tôi tự tin rằng mình sẽ dùng hộ chiếu phổ thông Việt Nam đi đến hết 195 quốc gia.
QUỲNH HOA
Cưới nhau vì... cùng mê đi
Hoàng Anh quê tỉnh Bình Dương, Quỳnh Hoa sinh ở Hải Phòng. Họ ngẫu nhiên đều có quá trình học tập và tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh. Hoàng Anh là thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Greenwich, còn Hoa là thạc sĩ tài chính ở Đại học Northampton.
Họ nên duyên chồng vợ năm 2020 khi tình cờ biết cả hai đều có chung mục tiêu đi vòng quanh thế giới nên hẹn... "gặp nhau đối chất cho ra lẽ" rồi yêu nhau!
Lúc thành hôn, đôi uyên ương Tí - Thắm đi một vòng từ tỉnh Hà Giang thuộc miền đông bắc đất nước xuống tới tận tỉnh An Giang của Nam Bộ để chụp bộ ảnh cưới "chất như nước cất" tại 12 tỉnh thành Việt Nam.
Không chỉ thể hiện sinh động lời ngọt ngào của chú rể Hoàng Anh dành cho bà xã: "Tìm kiếm cả thế giới, cuối cùng anh cũng đã tìm thấy em rồi" mà đoạn phim về ảnh cưới của họ còn mang tên Let's go Vietnam với hàm ý góp phần quảng bá những cảnh đẹp quê hương cho bạn bè quốc tế chiêm ngưỡng, đến thăm Việt Nam.
Công việc bận rộn với hoạt động kinh doanh sản phẩm sức khỏe nhập khẩu, thiết kế thời trang và mới nhất là khởi nghiệp làm thị thực (visa) "cho người du lịch trong nước thỏa mãn đam mê bước ra thế giới", Hoàng Anh và bà xã vẫn luôn giữ niềm đam mê đi đó đi đây, khám phá trải nghiệm.
Dù mất hai năm hạn chế đi lại vì dịch COVID-19, vợ chồng vẫn nắm tay nhau thực hiện 5 chuyến đi đường bộ xuyên lục địa và cùng đến 105 quốc gia.
Hoàng Anh và Quỳnh Hoa ghi lại và chia sẻ hành trình thú vị và hiếm có của mình trên mạng xã hội qua kênh "Tí - Thắm Travel".
Họ có những nguyên tắc: tuyệt đối tuân thủ quy định nhập cảnh ở mọi quốc gia; đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ về những vùng đất nguy hiểm, kém an ninh; vận dụng tối đa khả năng ngoại giao, kỹ năng giải quyết vấn đề, thật bình tĩnh xử lý sự cố nếu có.
"Chúng tôi tự quyết định toàn bộ lịch trình đi lại, đi đến đâu cũng cố gắng tìm hiểu mọi góc độ ở địa phương thông qua trải nghiệm ăn ở, sinh hoạt từ bình dân nhất tới sang trọng. Chúng tôi có sự nghiệp gắn bó tại quê nhà và cậu con trai nhỏ (sinh năm 2021) nên đi đâu cũng phải chuẩn bị kỹ chứ không cố lao đầu vào nguy hiểm. Mỗi chuyến đi, vợ chồng tính thời gian từng ngày, từng giờ để còn quay về với con", Hoàng Anh chia sẻ.
Đôi vợ chồng trẻ khám phá Mông Cổ
Đôi vợ chồng Việt Nam ở miền nông thôn Burkina Faso - Ảnh: NVCC
Kỷ niệm "lên bờ xuống ruộng"
Hành trình chu du thế giới của Tí - Thắm không hề theo kiểu nghỉ mát sang chảnh mà họ thực thụ là những người lữ hành với máu phiêu lưu và niềm khát khao tận mắt ngắm nhìn mọi ngóc ngách của thế giới, trải nghiệm cuộc sống thực tế người dân địa phương, nghe những câu chuyện chưa từng nghe.
- Tại sao đi du lịch lại tốt cho sức khỏe của chúng ta?
- Bùng nổ xu hướng phụ nữ trung niên đi du lịch một mình
- Cả nhà đi du lịch quanh châu Âu bằng xe lưu động tự đóng
Đi đường bộ (road trip) băng qua các con đường hẻo lánh, leo núi, vượt sông băng, họ từng trải qua những tai nạn xe cộ, bất đồng với người địa phương, bị cướp, mất mát đồ đạc, bị hủy visa vô cớ, kẹt lại nơi biên giới, bị phỏng lạnh, sốt rét trong rừng rậm, ngộ độc thức ăn...
Chuyến đi gần nhất qua 24 nước Tây Phi kéo dài suốt ba tháng trong năm 2024 là trải nghiệm khổ cực và gian nan nhất của vợ chồng Tí - Thắm.
Họ trải qua hành trình đi xuyên rừng trong đêm đen ở Guinea Bissau, ngồi thuyền gỗ lênh đênh 5 tiếng đường biển từ Nigeria qua Cameroon, xuyên qua điểm nóng phiến quân bạo loạn tại Mali hay đang có giao tranh đảo chính ở Burkina Faso, gặm bánh mì chờ trong vô vọng không được nhập cảnh vào Togo dù đã có visa...
Nhớ lại những kỷ niệm không bao giờ quên ở những nơi khắc nghiệt nhất như hai vợ chồng từng "chia nhau một thùng nước nhỏ tráng qua người thay cho tắm" ở miền biên ải Guinea Bissau, Quỳnh Hoa tâm sự: "Những chuyến đi giúp chúng tôi trân trọng cuộc sống và những gì mình đang có. Đó là lý do vì sao tôi luôn mỉm cười và biết ơn khi bản thân vô cùng may mắn có bạn đời cùng chung ước mơ và đồng hành chinh phục thế giới".
Tí và Thắm cho biết những bài học vô cùng quý giá từ các chuyến đi giúp họ "tự tin, mạnh mẽ, trưởng thành hơn". Khi trở về nhà, họ hơn bao giờ hết cảm nhận được "niềm hạnh phúc và tự hào vô giá khi sinh ra và sống ở một quốc gia độc lập, hòa bình".
Quỳnh Hoa kể cô hay ngồi nơi góc phố vỉa hè Hà Nội nhâm nhi ly trà sữa nóng, "thấy mọi thứ xung quanh ngọt ngào vô cùng".
"Nhìn ngắm thế giới cho chúng tôi thấu hiểu rõ rằng trong khi vật chất chỉ mang đến sự thỏa mãn ngắn ngủi thì niềm vui, những trải nghiệm đi đó đi đây sẽ đi theo mình cả đời", Tí và Thắm đồng cảm và cho biết năm Ất Tỵ 2025 vợ chồng tiếp tục lên đường với dự kiến sẽ hoàn thành giấc mơ cùng nhau đến 195 quốc gia trên thế giới trước năm 2030.
Tình nghĩa đồng bào
Khi được hỏi về những kỷ niệm tuyệt vời và cảm xúc nhất, Hoàng Anh và Quỳnh Hoa cho biết đó chính là những lần gặp được người Việt Nam mưu sinh ở những nơi cực kỳ xa xôi trên thế giới.
Khi đến Liberia trong đợt lũ lụt, mưa to tầm tã, Tí và Thắm được hai thanh niên Việt tên Thuấn - Long đón và cho tá túc ở nhà, thết đãi các bữa cơm Việt thân thương với rau muống, thịt heo luộc suốt mấy ngày liền.
“Tí - Thắm” chung một tình yêu đi đó đi đây để khám phá thế giới
Ở Bờ Biển Ngà, Tí - Thắm tình cờ gặp và mau chóng thân thiết với bạn nữ tên Hoài, quản lý quán phở Hằng ở Abidjan (thành phố lớn nhất nước này), đồng thời phát hiện rất thú vị là quốc gia Tây Phi hạ Sahara này có tới vài chục nhà hàng Việt Nam do người Việt mở!
Đến Senegal, cả hai rất thích thú khi quen biết và nghe câu chuyện về Michel - một người đàn ông Pháp chưa bao giờ đến Việt Nam song có bà nội là người Việt, bố sinh ra tại Việt Nam.
การแสดงความคิดเห็น (0)