Founder and trainer of our Party

Việt NamViệt Nam03/02/2025


Giữa lúc đất nước đang rên xiết dưới ách thống trị của thực dân Pháp, phong kiến và tương lai dân tộc “đen tối như không có đường ra”, thì Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và chiếu rọi ánh sáng diệu kỳ của tư tưởng, đường lối đấu tranh đúng đắn lên bức tranh tối màu ấy. Và, trong thứ ánh sáng diệu kỳ ấy, có tư tưởng và khát vọng cứu nước, có tầm cao trí tuệ và chiều sâu văn hóa, tâm hồn của “con người Việt Nam đẹp nhất”: Hồ Chí Minh.

Người sáng lập, rèn luyện Đảng taNgày 13/6/1957, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Bác đã nói chuyện với hơn 1 vạn đại biểu các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, bà con Hoa kiều, bộ đội, cán bộ miền Nam tập kết... Ảnh: tư liệu

Người đặt nền móng

Đứng trước câu hỏi về sự tồn vong của dân tộc, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh), người con ưu tú của dân tộc, mang trên mình lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, đã ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua một cuộc hành trình qua nhiều châu lục và tắm mình trong nhịp sống thời đại, vượt qua nhiều gian khổ, hiểm nguy, Người đã rút ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và Nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa. Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước, Người đã khảo sát phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân nhiều nước trên thế giới. Từ các cuộc cách mạng tư sản điển hình ở Âu - Mỹ, đến cách mạng vô sản Nga, với thiên tài trí tuệ và nhận thức sắc bén, Người đã đến với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, tiếp cận Chủ nghĩa Mác - Lênin và xác định con đường giải phóng dân tộc.

Đầu năm 1919, Người tham gia Đảng Xã hội Pháp. Tháng 6/1919, với tên mới là Nguyễn Ái Quốc, Người đã thay mặt những người yêu nước Việt Nam gửi đến Hội nghị Véc-xây Bản yêu sách của Nhân dân An Nam gồm 8 điểm đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Tháng 7/1920, Người được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin, đăng trên báo Nhân đạo. Cũng chính từ đây đã giải đáp cho Người con đường đấu tranh giành độc lập tự do thực sự cho dân tộc, cho đồng bào mình. Từ ngày 25 đến 30/12/1920, Người tham dự Đại hội lần thứ 18, Đảng Xã hội Pháp với tư cách đại biểu Đông Dương. Kết thúc Đại hội ngày 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc tán thành thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Nhận thức sâu sắc vai trò của tổ chức và lý luận cách mạng, sau khi trở thành một người cộng sản, Người đã tích cực nghiên cứu, phát triển lý luận giải phóng dân tộc theo cách mạng vô sản của Chủ nghĩa Mác - Lênin để truyền bá vào Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn 1921-1930, Người vừa tiếp tục hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cứu nước; vừa tích cực truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Người tập trung chuẩn bị về tổ chức và cán bộ, lập ra Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu, Trung Quốc; đồng thời gửi cán bộ đi học tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) và trường Lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc).

Những hoạt động của Người đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng nước ta. Sự kết hợp Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn đến sự hình thành các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Đó là một bước tiến lớn của phong trào dân tộc. Song sự tồn tại và hoạt động riêng rẽ của ba tổ chức cộng sản làm cho lực lượng và sức mạnh của phong trào cách mạng bị phân tán, không phù hợp với lợi ích của cách mạng và nguyên tắc tổ chức của Đảng Cộng sản.

Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến cách mạng ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng họp hội nghị hợp nhất tại Cửu Long - Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị quyết định thống nhất An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3/2/1930). Đồng thời, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt - Cương lĩnh đầu tiên của Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự vận động, phát triển và thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước; sự chuẩn bị công phu về mọi mặt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự đoàn kết nhất trí của những chiến sĩ tiên phong vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc. Đặc biệt, sự ra đời của Đảng với Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam - thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ra đời, đã xác định được những nội dung cơ bản nhất của con đường cách mạng Việt Nam; đáp ứng được những nhu cầu bức thiết của lịch sử và trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết thống nhất các tổ chức cộng sản, các lực lượng cách mạng và toàn thể dân tộc.

Độc lập, tự do là tư tưởng chủ yếu của Cương lĩnh chính trị đầu tiên. Và, Nguyễn Ái Quốc - người vạch ra Cương lĩnh, cũng là người đóng vai trò quyết định trong việc sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”

Trước khi về với “thế giới người hiền”, trong Di chúc để lại cho toàn thể dân tộc ta, Người dành sự quan tâm trước hết cho Đảng: “Trước hết nói về Đảng: Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo Nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” Đồng thời, Người cũng căn dặn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Chỉ vài dòng ngắn gọn nhưng là sự chắt lọc và kết tinh của những giá trị cao đẹp nhất trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Để rồi, lời căn dặn của Người đã trở thành kim chỉ nam hành động của Đảng ta trong suốt quá trình chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, vượt qua vô vàn thác ghềnh để đi đến bến bờ độc lập, tự do, hạnh phúc như hôm nay.

“Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Trải qua những thử thách khắc nghiệt trong nhà tù đế quốc, trước lưỡi lê, họng súng của kẻ thù hay trên chiến trường lửa đạn, những người cộng sản kiên trung, bất khuất vẫn luôn nêu tấm gương sáng ngời về tinh thần đoàn kết gắn bó, thương yêu nhau; về tình đồng chí, đồng đội. Chính tình nghĩa cộng sản đó đã gắn kết những người cách mạng Việt Nam thành một đội tiên phong gang thép được Nhân dân tin yêu, bạn bè ngưỡng mộ, kẻ thù khiếp sợ. Và, cũng nhờ đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc, đã tạo thành sức mạnh để Đảng ta vượt qua mọi thử thách, giữ vững niềm tin và giương cao ngọn cờ lãnh đạo dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

“Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”. Ngày nay, đứng trước yêu cầu cách mạng mới, đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đồng thời, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đề cao chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới... Minh chứng cho quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Đảng đã thi hành kỷ luật hơn 140 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó có cả đương chức và đã nghỉ hưu và xử lý nhiều vụ án, vụ việc xảy ra từ nhiều năm trước. Những kết quả đó đã khẳng định bản lĩnh chính trị, sự vững vàng, kiên định, nhất quán của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; đồng thời, góp phần làm cho Đảng ta đoàn kết hơn, vững mạnh hơn, trong sạch hơn, củng cố niềm tin, tin tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

...

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Suốt 95 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Nhân dân lên trên hết. Để từ đó luôn xứng với đạo đức, lương tâm, trách nhiệm và bản chất của một Đảng cách mạng chân chính - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển.

Tuấn Kiệt



Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nguoi-sang-lap-ren-luyen-dang-ta-238487.htm

Comment (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available