Năm 2024 ghi dấu loạt chính sách mới trong lĩnh vực năng lượng, như sửa đổi Luật Điện lực, tái khởi động chương trình điện hạt nhân và tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo. Cùng với đó, việc tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chuyển đổi thành công mô hình hoạt động thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) là bước tiến quan trọng, bảo đảm sự minh bạch, công bằng trong vận hành thị trường điện. Các nỗ lực này giúp ngành năng lượng vượt qua điểm nghẽn, khai thông nguồn lực, và tạo đà phát triển bền vững.
TS.Tạ Đình Thi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Ảnh: Nghĩa Đức |
Gỡ điểm nghẽn trong phát triển điện lực
Theo TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KHCN&MT): Ngành Công Thương được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao trọng trách rất lớn, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, trong đó có các ngành, lĩnh vực đặc biệt quan trọng, đóng vai trò then chốt và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đời sống nhân dân. Ở đây phải kể đến ngành, lĩnh vực điện lực, trong đó có điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới đang được cử tri, Nhân dân hết sức quan tâm.
Có thể nói trong năm 2024, bám sát định hướng chiến lược của Đảng, yêu cầu của Quốc hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngành Công Thương đã nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách và đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ, đặc biệt là trong công tác xây dựng thể chế nhằm kiến tạo phát triển, tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn trong lĩnh vực điện lực.
Ngày 13/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 về giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021. Để bảo đảm an ninh năng lượng, Nghị quyết đã chỉ ra những kết quả, hạn chế, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm, nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện xong trước cuối năm 2025, nhiệm vụ, giải pháp trung và dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay Bộ Công Thương đã hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng, nổi bật nhất:
Cụ thể, trình Quốc hội thông qua Luật Điện lực năm 2024 trong một kỳ họp với tỷ lệ tán thành cao (91,65%). Đây là một đạo luật quan trọng, có tác động lớn đến nền kinh tế, đảm bảo cho các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của đất nước cũng như an ninh năng lượng quốc gia trước mắt và lâu dài, trong đó nhiều nội dung mới, khó, phức tạp, nhạy cảm.
Luật Điện lực (sửa đổi) đã tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: VN |
Tuy vậy, với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, trực tiếp là Cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công Thương và Cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, được sự đồng tình cao của các vị đại biểu Quốc hội, chiều 30/11, với 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,65% số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực năm 2024.
TS.Tạ Đình Thi cho rằng, đạo luật được thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, những vấn đề cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển ngành điện, đặc biệt là bảo đảm an ninh cung cấp điện. Trong đó, phải kể đến việc giải quyết được những vấn đề cơ bản liên quan đến công tác quy hoạch, đầu tư, cơ chế giá điện, thị trường điện với những chính sách mới, đồng thời, có các chính sách ưu đãi đặc thù đối với từng loại hình dự án điện lực như đối với các dự án điện sử dụng khí, dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, trong đó có các dự án điện gió ngoài khơi…
Mở đường cho những kỳ tích
Cùng với hoàn thiện thể chế chính sách cho phát triển điện lực, theo TS Tạ Đình Thi, năm 2024 Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa định hướng chiến lược của Đảng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW và Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Trong đó, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA), Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia chuyển đổi mô hình hoạt động sang NSMO. Ảnh: TH |
“Bộ cũng đã tiếp nhận Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển ngành năng lượng Việt Nam nhằm bảo đảm tính độc lập, khách quan trong điều độ, vận hành hệ thống điện và thị trường điện”- TS Tạ Đình Thi đánh giá.
Cuối cùng,kỳ tích khác là Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối có tổng chiều dài gần 520 km, gồm hai mạch kép đường dây, được liên kết bởi 1.177 vị trí móng cột, đi qua địa bàn 211 xã/phường của 43 huyện/thị xã thuộc 9 tỉnh từ Bắc miền Trung trở ra đã được hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn kỷ lục, chỉ hơn 7 tháng kể từ ngày khởi công (18/01/2024) và chính thức khánh thành vào ngày 29/8/2024. Đặc biệt Đường dây được thi công trong điều kiện thời tiết khó khăn, bất lợi, địa hình phức tạp, hiểm trở.”
Nguồn: https://congthuong.vn/dien-luc-dau-an-quan-trong-cua-nganh-cong-thuong-nam-2024-369408.html
Comment (0)