Chiều 5/2, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Tại họp báo, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo liên quan những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.
Sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hiệu quả
Về việc lựa chọn, sắp xếp nhân sự khi tinh giản bộ máy, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, Bộ đã tham mưu cho Ban chỉ đạo Chính phủ có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các bộ ngành địa phương quy định tiêu chí, điều kiện cụ thể, phù hợp đặc điểm, tình hình từng bộ ngành địa phương. Trên cơ sở đó có tiêu chí đánh giá 3 năm làm việc gần nhất, lựa chọn những người tiếp tục giữ lại, những người nào đưa vào diện sắp xếp, có phương án và lộ trình tính toán cho phù hợp.
Việc này được thực hiện phải bảo bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thực hiện vận hành bộ máy mới.
Đến nay, ông Minh cho biết theo đề án sáng nay Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất cao phương án của Chính phủ về cơ cấu của Chính phủ và cơ cấu nhân sự. Cùng đó là dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tới đây trình ra Kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội để thông qua.
Cùng với đó, các bộ, ngành và địa phương cũng có phương án sắp xếp bộ máy cụ thể. Về con người, để tính toán từng người vào vị trí nào thì phải chờ sau cấp thẩm quyền là Quốc hội thông qua cơ cấu Chính phủ, Chính phủ ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ và cơ quan ngang bộ. Với những bộ không thuộc diện sắp xếp cũng phải ban hành nghị định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức. Do những bộ này không thuộc diện hợp nhất, sáp nhập nhưng điều chỉnh cơ cấu tổ chức bên trong, tinh giản, hợp nhất cục vụ thì cũng phải ban hành Nghị định mới về cơ cấu tổ chức. “Thời gian này công tác nhân sự, ai thuộc diện giữ lại, ai thuộc diện tinh giản, số lượng con người chúng tôi có trong kế hoạch, nhưng do liên quan con người, tâm tư tình cảm người lao động, thì chúng tôi phải chờ sau có khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền là Quốc hội, Chính phủ, thì lúc đó mới báo cáo số lượng chính xác” - ông Minh chia sẻ.
Theo ông Minh, hiện Bộ Nội vụ cùng Bộ Tài chính phối hợp để Bộ Tài chính ban hành thông tư, hướng dẫn nguồn kinh phí, lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí liên quan tới vấn đề này. Trong quá trình phối hợp Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ hoàn thiện và ban hành thông tư này.
Theo đó, về cơ sở pháp lý, ông Minh cho biết có Nghị định 178, Thông tư hướng dẫn, phương pháp cách tính từng người. Bộ Tài chính sẽ có thông tư hướng dẫn lập dự toán, nguồn kinh phí, công tác quản lý và sử dụng. Vì vậy, khi cấp thẩm quyền thông qua là có thể vận hành ngay.
Đối với câu hỏi liệu có đủ nguồn thực hiện sắp xếp bộ máy, ông Minh cho hay khi thực hiện xây dựng dự thảo Nghị định 178, Bộ Nội vụ xin ý kiến Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo Chính phủ cho ý kiến về dự thảo này. Trong đó, nội dung cũng rất được quan tâm là có đủ nguồn để thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn hay không. Qua đánh giá tác động cho thấy, nếu thực hiện các phương án này, nguồn kinh phí có thể chi trả những người sẽ nghỉ thuộc diện sắp xếp còn thấp hơn kinh phí chi trả cho những người này làm việc trong 5 năm. Vì vậy, ông Minh khẳng định vẫn yên tâm đủ kinh phí để chi trả cho những người thuộc diện sắp xếp.
Với băn khoăn có người hưởng mức cao, mức thấp và số tiền hưởng thực tế, ông Minh cho hay người hưởng lương, khi nghỉ có khoản kinh phí khác nhau. Mức căn cứ vào lương thực tế đang hưởng, vào số tháng được nghỉ. Nếu nghỉ trong 12 tháng kinh phí cao hơn và qua 12 tháng thì kinh phí thấp hơn. Chúng tôi có bảng excel chỉ cần nhập thời gian vào ra số tiền.
Về sắp xếp, Bộ Nội vụ cũng tham mưu Ban chỉ đạo Trung ương và Chính phủ hết sức khẩn trương. Cơ bản các tài liệu trình ra Quốc hội đã hoàn thiện và chờ QUốc hội khai mạc, xem xét thông qua.
Giải pháp để giữ chân người lao động sau Tết
Về vấn đề này, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, cũng như nhiều năm trước, sau kỳ nghỉ Tết, thị trường lao động có thể gặp một số biến động khi một số lượng lao động không quay lại do chuyển việc hoặc thay đổi chỗ ở, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời. Nắm bắt, dự báo tình hình, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố; các Trung tâm Dịch vụ việc làm chủ động bám sát tình hình thị trường lao động - việc làm, phối hợp chặt chẽ với các tập, đoàn doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh; Long An, Đồng Nai, Bình Dương…để bảo đảm lao động-việc làm không bị thiếu hụt sau Tết.
Tính đến thời điểm này, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các địa phương như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh; Long An, Đồng Nai, Bình Dương… người lao động đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, nhiều địa phương đạt 97-98%. Có thể thấy, điều đáng mừng là trong năm 2024 vừa qua, đời sống, thu nhập, phúc lợi của người lao động đều được cải thiện. Hệ thống Công đoàn các cấp, các công ty, tập đoàn doanh nghiệp đã quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống phúc lợi cho người lao động không chỉ dịp lễ, tết. Năm 2024, lương bình quân của người lao động đạt gần 9 triệu đồng/tháng, tăng so với năm 2023. Mức thưởng bình quân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn (là 6,85 triệu đồng/người). Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp cũng có chính sách “giữ chân” người lao động, nâng cao chế độ đãi ngộ. Một số doanh nghiệp hỗ trợ nơi ở tạm thời; hỗ trợ chi phí di chuyển cho người lao động về quê ăn Tết; ngoài ra các phúc lợi khác như tặng tiền mặt, quà Tết, hoặc thưởng lương tháng thứ 13 cũng được thực hiện để bảo đảm quyền lợi và tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động đón Tết; gặp gỡ “lì xì” mừng tuổi đầu năm mới cho người lao động sau khi đi làm trở lại.
Dịp Tết Ất Tỵ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức nhiều “Chuyến tàu Công đoàn-Xuân 2025” hỗ trợ vé tàu khứ hồi cho 1.750 đoàn viên, người lao động từ các tỉnh miền Nam ra miền Bắc và hỗ trợ chuyến bay Công đoàn, đưa 400 công nhân về quê với hai chặng: Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh-Vinh… Để bảo đảm đủ lao động cho các nhà máy, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sau Tết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường công tác thông tin thị trường lao động và kết nối cung-cầu lao động thông qua các hoạt động như tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến giữa các địa phương ngay từ đầu năm….
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, muốn có tăng trưởng cần phải có đầu tư. Mức tăng trưởng 8% là tích cực, nhưng cần phải có sự cố gắng, giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Để có mức tăng trưởng 8%, tín dụng phải tăng gấp đôi. Tức hai phần trăm tăng trưởng tín dụng là một phần trăm tăng GDP, yêu cầu có sự đầu tư, hiệu quả đầu tư của các nguồn lực xã hội. Với mức tăng trưởng 8% thì tăng trưởng phải 16%, thậm chí là 18-20%.
“Năm nay làm sao có đủ vốn cho nền kinh tế, cho đầu tư cả vốn trung và dài hạn, khi thị trường chứng khoán, trái phiếu và thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc. Vì vậy, việc cung ứng vốn là trách nhiệm nặng nề” - ông Tú nói.
Năm 2024, dư nợ tín dụng là hơn 15 triệu tỷ đồng, tăng thêm 2,1 triệu tỷ đồng. Tổng cả năm 2024 doanh số cho vay là 23 triệu tỷ đồng và thu nợ là 21 triệu tỷ đồng. Để đạt mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, cho các ngân hàng thương mại, đẩy mạnh vốn nhàn rỗi ra nền kinh tế, chính sách lãi suất hợp lý. Khi cần vốn đầu tư sẽ dùng công cụ cung ứng vốn, tái cấp vốn. Điều hành lãi suất ổn định, phù hợp lãi suất chung của nền kinh tế và các yêu cầu vĩ mô kinh tế khác, theo hướng giảm dần lãi suất.
Hạn mức tín dụng đặt ra 16% nhưng có thể cao hơn nếu kiểm soát lạm phát, đạt được mục tiêu tăng trưởng. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo sự chủ động cho các ngân hàng thương mại được nâng hạn mức tín dụng, kiểm soát tổng thể tín dụng. Về tỷ giá, ngoại tệ sẽ duy trì ổn định, có biện pháp can thiệp khi cần thiết, bảo đảm tỷ giá hợp lý, tránh tâm lý găm giữ, đối phó. Có chính sách triển khai gói tín dụng ưu đãi hiệu quả trong thời gian tới…
Nguồn
コメント (0)