- Phát triển Đề án 32 ở Thừa Thiên Huế: Nhìn từ mô hình nuôi dưỡng tự nguyện
- Thừa Thiên Huế cấp chứng chỉ nghề cho nhiều học viên sau khóa đào tạo
- Khoảng 1.200 trẻ em Thừa Thiên Huế hưởng lợi từ dự án dạy kỹ năng bơi
Từ năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý cho thực hiện thí điểm dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tự nguyện đóng góp kinh phí vào sống tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em (gọi tắt là Trung tâm). Sau thời gian triển khai, năm đầu chỉ có vài người cao tuổi biết đến và vào sống, đến nay đã lan tỏa đến tận cơ sở nên được nhiều người biết đến và liên hệ tìm hiểu, vào sống. Số lượng người cao tuổi tự nguyện vào sống tại “ngôi nhà chung” không ngừng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, Trung tâm luôn lấy sự hài lòng của người cao tuổi để phục vụ, là “Kim chỉ nam” để đội ngũ cán bộ thực hiện và là thước đo để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ vào cuối năm của mỗi người.
Bà Nguyễn Thị Nhàn (69 tuổi, trú phường Tân Định, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) là một trong những người cao tuổi hiện đang sống tại Trung tâm theo diện tự nguyện đóng kinh phí. Trò chuyện với chúng tôi, bà Nhàn cho biết, bà là cán bộ hưu trí và sống một mình tại TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm. Do không có người thân và lo sợ khi tuổi càng cao, sức khỏe suy giảm, nhất là lúc dịch bệnh nên bà Nhàn mong muốn có nơi chăm sóc tốt để sống những ngày tháng cuối đời thật thoải mái, vui vẻ, có người cùng trang lứa để bầu bạn. Thông qua người thân ở Huế, bà biết đến Trung tâm có thực hiện dịch vụ này nên từ tháng 4/2022 đã chuyển về đây sinh sống. “Là cán bộ về hưu, từng ở tập thể nên tôi thấy cuộc sống ở Trung tâm rất phù hợp, với không khí trong lành và đội ngũ cán bộ chăm sóc chu đáo, tận tâm, trách nhiệm nên Tôi luôn an tâm và muốn gắn bó ở nơi đây cho đến cuối đời”, bà Nhàn chia sẻ.
Cũng là một cán bộ hưu trí, ông Nguyễn Đức Hà (63 tuổi, trú xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế), đến nay đã sinh sống tại Trung tâm gần 2 năm. Nói về lý do chọn dịch vụ này, ông Hà cho biết, do con cái giờ đã trưởng thành, có cuộc sống riêng, trong khi bản thân tuổi cao, không lao động được. “Ở đây bên cạnh thái độ, tinh thần phục vụ nhiệt tình, hòa nhã của đội ngũ cán bộ thì chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc rất đảm bảo, giờ giấc sinh hoạt phù hợp với người cao tuổi, quy cũ, nề nếp ”, theo lời ông Hà.
Theo lãnh đạo Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế, từ khi triển khai Đề án đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 47 lượt người cao tuổi. Hiện có 30 người đang sinh sống tại Trung tâm, trong đó có những người đã gắn bó với “mái nhà chung” từ những ngày đầu mở dịch vụ như bà Nguyễn Thị Lài (76 tuổi), bà Nguyễn Thị Huế (81 tuổi), ….và hàng năm, có nhiều lượt người đến tìm hiểu và đều tâm đắc với dịch vụ này.
Khi vào sống tại Trung tâm, người tự nguyện sẽ được bố trí phòng ở phù hợp, rộng rãi thoáng mát, đồ dùng sinh hoạt đầy đủ; được đảm bảo an toàn về tài sản, bảo mật thông tin đời tư; được tôn trọng, quan tâm, lắng nghe và chia sẻ… Trung tâm cung cấp chế độ ăn hằng ngày đầy đủ dưỡng chất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thức ăn phù hợp với lứa tuổi, thể trạng từng người.
Để chăm sóc tốt người tự nguyện, ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ, đơn vị bố trí các cán bộ có chuyên môn, kỹ năng tốt; thường xuyên cử tham gia các lớp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan. Đồng thời, luôn luôn bố trí cán bộ trực 24/24 để thực hiện các công việc: quản lý, theo dõi sức khỏe, vệ sinh, hỗ trợ người tự nguyện khi ốm đau.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều người chưa biết đến dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tự nguyện mà Trung tâm đang thực hiện. Người dân vẫn còn gặp những rào cản về văn hóa, định kiến về việc gửi cha mẹ vào cơ sở bảo trợ là bất hiếu nên số người vào sống chưa đạt mục tiêu như mong muốn.
Xác định, dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tự nguyện sẽ được nhiều người cao tuổi sử dụng trong thời gian đến nên Trung tâm luôn quan tâm đầu tư: cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chăm sóc, đẩy mạnh mảng phục hồi chức năng, xây dựng môi trường sống xanh – sạch – sáng, … để làm cho người tự nguyện luôn hài lòng về dịch vụ của đơn vị. Dẫu biết là khó khăn khi thực hiện dịch vụ mới này bởi đây là lĩnh vực mới, nhu cầu của con người là đa dạng, phong phú nhưng tập thể Trung tâm quyết tâm làm tốt dịch vụ, lấy được lòng tin, sự hài lòng của người từ nguyện bằng sự quản lý, điều hành khoa học, với chất lượng dịch vụ tốt, chuyên nghiệp trong thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, phấn đấu thu hút ngày càng nhiều người cao tuổi vào sống tại Trung tâm.