Nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa đưa Việt Nam tới thịnh vượng

Báo Dân SinhBáo Dân Sinh01/02/2025

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa đưa Việt Nam tới thịnh vượng. Trong đó, nâng cao chất lượng GDNN, thu hút đồng hành của doanh nghiệp sẽ tạo nên đột phá.


Nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa đưa Việt Nam tới thịnh vượng - 1
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng Đoàn công tác và Lãnh đạo Tỉnh Nghệ An thăm nhà máy May Minh Anh - Kim Liên (Ảnh: Minh Huệ).

Cơ hội đan xen với thách thức

Theo các chuyên gia, để chuẩn bị đầy đủ hành trang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của những cơ hội để Việt Nam tăng năng suất lao động, thì ngay từ bây giờ cần có những chính sách đồng bộ nhằm cải thiện chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu của thời đại.

Năm mới 2025 đã chính thức sang trang, nhìn lại năm qua, ngành LĐ-TB&XH đầy đủ niềm tin và tự hào đã hoàn thành tốt các chương trình công tác của Chính phủ. 

Một trong những điểm đáng ghi nhận của Bộ LĐ-TB&XH về xây dựng chính sách pháp luật là đã được Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội và Quốc hội đang xem xét dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đã được nhiều chuyên gia đánh giá cao vì có những thay đổi lớn, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, giúp cho người lao động có công ăn việc làm ổn định.

Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) lần này rất cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với 4 nhóm chính sách: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

Đó là những cơ sở vững chắc về mặt chính sách để phát triển lực lượng lao động mạnh cả về chất và số lượng. 

Nhìn nhận về đào tạo chất lượng nhân lực trong bối cảnh công nghệ 4.0, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) TS. Đào Quang Vinh cho rằng, mỗi cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) diễn ra đều dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu nguồn nhân lực, việc làm. 

Và cũng giống như ba cuộc CMCN trước đó, CMCN 4.0 có tiềm năng đem lại nhiều lợi ích cho người lao động thông qua việc tăng năng suất lao động dẫn tới tăng thu nhập, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới được ra đời giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và đặc biệt là việc mở cửa thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm mới.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, CMCN 4.0 với sự xuất hiện của công nghệ cao, máy móc thông minh, robot có trí tuệ nhân tạo... sẽ tác động làm thay đổi lớn đến thị trường lao động và việc làm trên nhiều góc độ khác nhau. Tác động của CMCN 4.0 đối với việc làm sẽ là sự dịch chuyển từ sản xuất thâm dụng lao động sang thâm dụng tri thức và thâm dụng công nghệ.

Theo dự báo của Liên hợp quốc, sẽ có khoảng 75% lao động trên thế giới có thể bị mất việc làm trong vài thập niên tới. Còn một nghiên cứu khác của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á đứng trước nguy cơ mất việc vì robot. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ CMCN 4.0. 

ILO cảnh báo, trong 10 năm tới, khoảng 70% số việc làm trong các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông ở Việt Nam như da giày, lắp ráp điện tử, chế biến thủy sản, dịch vụ bán lẻ (riêng ngành dệt may là khoảng 86%)... có rủi ro cao bị thay thế bởi máy móc và thiết bị hiện đại. 

Tại Việt Nam, CMCN 4.0 với nền tảng là công nghệ và kỹ thuật đã và đang mang lại những cơ hội và thách thức không nhỏ cho sự phát triển của thị trường lao động.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô dân số Việt Nam hiện đang đạt trên 95 triệu người và đang trong thời kỳ dân số vàng; nguồn nhân lực khá dồi dào và lực lượng lao động trẻ, năng động, có thể nhanh chóng tiếp cận với các công nghệ mới. Đây là một trong những lợi thế cho thị trường lao động Việt Nam trong thời đại mới.

Bên cạnh đó, cần trang bị nhiều hơn những kỹ năng và trình độ về ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng mềm như tự quản lý và tự tổ chức, kỹ năng giao tiếp, tương tác và giải quyết vấn đề, quản lý dự án... Đây là những kỹ năng rất quan trọng của người lao động trong kỷ nguyên mới.

Nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa đưa Việt Nam tới thịnh vượng - 2
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm, trò chuyện với công nhân ngành than (Ảnh: Tống Giáp).

Kỹ năng được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa để đưa Việt Nam tới thịnh vượng. Trong đó, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nhân tố quyết định đến lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp; thu hút sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp là giải pháp đột phá. 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, một nghiên cứu gần đây cho thấy, trong 10-15 năm tới khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI); khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của họ. 

“Nhưng nếu các quốc gia tập trung phát triển kỹ năng của người lao động, lấy con người làm trung tâm có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP lên tới 2%. Thậm chí kỹ năng còn được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu”, vẫn theo Bộ trưởng Dung.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chỉ ra, khi mà sự thiếu hụt lao động kỹ năng đang là thách thức lớn toàn cầu thì lại chính là cơ hội cho các bạn trẻ, những người đang có sức khỏe, nhiệt huyết, có ước mơ, hoài bão để vươn lên làm chủ công nghệ, làm chủ cuộc sống và đóng góp cho sự phát triển của thế giới. 

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, chính các bạn trẻ vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là đòn bẩy để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, qua đó tạo ra năng suất lao động vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đối với các doanh nghiệp, Bộ trưởng đánh giá sự vào cuộc chủ động của các doanh nghiệp thông qua các lễ ký kết phối hợp hợp tác đào tạo với các trường nghề, song để việc hợp tác thực chất và hiệu quả, có kỹ năng làm việc cao sau khi tốt nghiệp, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường từ khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, đến tổ chức đào tạo và tiếp nhận người học sau tốt nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, tại CHLB Đức, Pháp, New Zealand, Austrailia, Rumainia, quá trình giáo dục nghề nghiệp doanh nghiệp phải tự tổ chức đào tạo. Nhưng ở Việt Nam, Nhà nước lại đang đào tạo cho doanh nghiệp. 

“Do đó, doanh nghiệp phải nhìn nhận đây là cơ hội và việc hợp tác với nhà trường để bỏ vốn ban đầu để đầu tư cho cộng đồng. Về lâu dài, người thụ hưởng chính là doanh nghiệp”, ông nói và cho rằng cần phải thực hiện song song 2 “nhà trường”. Một nhà trường với các giáo viên và giảng đường, phòng thực hành như hiện nay. Hai là mỗi doanh nghiệp phải là một trường nghề. 

Thực hiện được mục tiêu này, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam mới trở thành đào tạo kép và kỹ năng lao động Việt Nam sẽ là một nguồn nhân lực tốt, không đứng ngoài nhu cầu của doanh nghiệp, không đứng ngoài đòi hỏi đột phá mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.



Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/nang-cao-ky-nang-cua-lao-dong-la-chia-khoa-dua-viet-nam-toi-thinh-vuong-20250131232201897.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

Nhân vật

Tết Trong Mơ: Những nụ cười giữa 'xóm ve chai'
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao
Hình ảnh tuyệt đẹp trên cánh đồng hoa cúc chi vào vụ thu hoạch
Giới trẻ xếp hàng từ 6h30, chờ 7 tiếng để chụp ảnh ở quán cà phê cổ trang

No videos available