(Dân trí) - Năm 2025, trợ cấp cho người cao tuổi sẽ có nhiều thay đổi sau ngày 1/7, khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực với nhiều quy định mới.
Trước ngày 1/7
Trước ngày 1/7, chính sách hỗ trợ người cao tuổi được thực hiện theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo Khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, có 4 nhóm người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Người cao tuổi được trợ cấp hàng tháng (Đồ họa: Tùng Nguyên).
Mức trợ cấp xã hội hàng tháng được quy định tại Điều 6 Nghị định 20/2021/NĐ-CP. Mức trợ cấp cho từng nhóm được tính theo hệ số, căn cứ vào mức chuẩn trợ giúp xã hội là 500.000 đồng/tháng (quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, sửa đổi tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 76/2024/NĐ-CP).
Mức trợ cấp hàng tháng đối với người cao tuổi (Đồ họa: Tùng Nguyên).
Từ ngày 1/7 trở đi
Từ ngày 1/7 trở đi, chính sách hỗ trợ người cao tuổi cơ bản giữ nguyên như quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.
Tuy nhiên, nhóm người cao tuổi được hưởng trợ cấp hàng tháng được mở rộng thêm 2 nhóm theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024. Khoản trợ cấp này là trợ cấp hưu trí xã hội.
Thứ nhất là nhóm từ đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Thứ hai là nhóm từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã trình dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo đó, mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng theo đề xuất trong dự thảo là 500.000 đồng/tháng.
Từ 1/7, sẽ có khoảng 1,2 triệu người cao tuổi đủ điều kiện nhận trợ cấp hưu trí xã hội (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).
Khi Nghị định này được thông qua, 2 nhóm người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với hệ số 1 (500.000 đồng/tháng) theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP sẽ chuyển sang nhận trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến cuối 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam).
Tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp hiện là hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Trong đó, số người hưởng lương hưu là 2,7 triệu người; số người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khoảng 0,63 triệu người; số người hưởng trợ cấp người cao tuổi là hơn 1,8 triệu người.
Như vậy, vẫn còn khoảng 9,3 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải sống phụ thuộc vào con cái.
Ước tính sẽ có thêm khoảng 1,2 triệu người cao tuổi đủ điều kiện được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi chính sách này có hiệu lực.
Do đó, khi chính sách này có hiệu lực sẽ có thêm nhiều người cao tuổi có thu nhập hàng tháng, tiến gần đến chỉ tiêu năm 2030 có "60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội".
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/muc-tro-cap-cho-nguoi-cao-tuoi-nam-2025-20250210145803030.htm
Bình luận (0)