(LĐXH) - Bộ LĐ-TB&XH dự báo sau Tết Nguyên đán, thị trường lao động sẽ gặp các biến động như một số lực lượng lao động có thể không quay lại do chuyển việc hoặc thay đổi chỗ ở.
Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời và nhu cầu tuyển dụng nhân sự mới trong quý I sẽ tăng cao, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
Tình trạng ngừng việc tập thể giảm 50% so với năm trước
Thông tin về tình hình lao động, việc làm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trước tết, các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ tăng cao do đẩy mạnh sản xuất để phục vụ nhu cầu tết.
Tại TPHCM, ước tính nhu cầu tuyển dụng lao động trước Tết Nguyên đán là 28.525 vị trí việc làm, tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ, chiếm gần 70%.
Đa số DN cố gắng duy trì hoặc tăng thưởng tết để giữ chân nhân viên, trong khi nhiều lao động ngoại tỉnh về quê sớm cũng có thể dẫn tới thiếu hụt nhân lực cục bộ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hiện tượng DN chậm trả lương và thưởng tháng 13 gây khó khăn cho người lao động.
Trong dịp tết, các DN đã triển khai nhiều chính sách và phúc lợi nhằm hỗ trợ người lao động, phần lớn là thưởng Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch. Một số DN hỗ trợ nơi ở tạm thời, chi phí di chuyển cho người lao động về quê ăn tết.
Ngoài ra, các DN còn có phúc lợi khác như tặng tiền mặt, quà tết hoặc thưởng lương tháng thứ 13 cũng như đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động đón tết.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức chương trình “Chuyến tàu Công đoàn - Xuân 2025” hỗ trợ vé tàu khứ hồi cho 1.750 đoàn viên, người lao động từ các tỉnh miền Nam ra Bắc; hỗ trợ chuyến bay Công đoàn đưa 400 công nhân về quê với hai chặng TPHCM - Hà Nội và TPHCM - Vinh.
Tình trạng ngừng việc tập thể giảm đáng kể. Theo Tổng Liên đoàn, tình trạng ngừng việc tập thể trước Tết Nguyên đán 2025 đã giảm 50% so với năm trước, với 7 vụ trong 2 tháng cuối năm 2024. Điều này phản ánh hiệu quả các hoạt động chăm lo tết cho người lao động.
Các DN đã chủ động đối thoại về lương, thưởng từ sớm và phối hợp với công đoàn tổ chức những chương trình thiết thực, giúp giảm mâu thuẫn và giữ chân người lao động.
Một số khu công nghiệp tại: Hà Nội, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương... có hàng nghìn người lao động làm việc xuyên tết. Tại một số dự án trọng điểm quốc gia như: Sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc phía Nam, các dự án năng lượng... vẫn duy trì không khi làm việc khẩn trương, xuyên tết.
Công nhân, người lao động được tổ chức tết tại công trường theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 06/CĐ-TTg ngày 25/1/2025.
Nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ trong quý I
Bộ LĐ-TB&XH dự báo sau Tết Nguyên đán, thị trường lao động sẽ gặp các biến động dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời. Tuy nhiên, các DN thường chủ động có chính sách “giữ chân” người lao động, nâng cao chế độ đãi ngộ để giảm thiểu việc biến động nhân sự sau tết.
Bên cạnh đó, một lượng lớn lao động trong khối đơn vị sự nghiệp sau phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước sẽ tham gia vào thị trường lao động, tạo áp lực cho vấn đề kết nối việc làm cho các đối tượng này.
Trước tình hình trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, để đảm bảo ổn định lực lượng lao động sau tết, cơ quan quản lý nhà nước về việc làm cần tập trung vào công tác chủ động nắm bắt tình hình lao động - việc làm trên địa bàn; đồng thời, tăng cường công tác thông tin thị trường lao động và kết nối cung - cầu lao động thông qua các hoạt động như tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm và những phiên trực tuyến kết nối các địa phương.
Năm 2025, thị trường lao động được dự báo sẽ phục hồi, tuy nhiên các thách thức về lao động và việc làm đi liền với bảo đảm an sinh xã hội.
Nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động đã được cơ quan quản lý nhà nước đưa ra như: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm; kết nối và điều tiết hiệu quả cung - cầu lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và tư, người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực, sở trường.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước; nâng cao hiệu quả cho vay Quỹ quốc gia về việc làm; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ;
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của DN về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của người lao động.
Một giải pháp nữa được Bộ LĐ-TB&XH nêu ra là ổn định, duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của lao động Việt Nam…
Hà Phương
Báo Lao động và Xã hội số 15
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/quy-i-nhu-cau-tuyen-dung-tang-cao-do-thieu-lao-dong-cuc-bo-20250204152046986.htm
Bình luận (0)