Nhiệm kỳ Đại sứ Mỹ của bà Lynne Tracy tại Nga đối mặt nhiều thách thức khi quan hệ hai nước lao dốc xuống mức thấp nhất nhiều thập kỷ.
Khi Đại sứ Mỹ Lynne Tracy trình quốc thư tại Điện Kremlin hồi tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích Washington trong buổi lễ truyền hình trực tiếp, cáo buộc Mỹ châm ngòi xung đột Ukraine. Khoảnh khắc đó khiến Tracy hiểu công việc mới của bà sẽ khó khăn đến mức nào.
Quan hệ giữa Mỹ và Nga hiếm khi căng thẳng như hiện tại kể từ thời kỳ đỉnh điểm trong Chiến tranh Lạnh. Sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, Mỹ đã áp các biện pháp trừng phạt, kiểm soát xuất khẩu, cấm vận dầu và áp giá trần để ngăn Moskva duy trì cuộc chiến. Trong khi đó, Nga cáo buộc phương Tây châm ngòi xung đột khi mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía đông.
“Mối quan hệ Mỹ – Nga giờ trong tình trạng rất khó khăn. Nó đã xấu đi rất nhiều do chiến sự”, Tracy nói.
Một tuần sau khi Tracy bắt đầu vị trí đại sứ hồi tháng 1, Bộ Ngoại giao Nga đã gửi cho bà công hàm yêu cầu đại sứ quán Mỹ “ngừng can thiệp công việc nội bộ” của Moskva. Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo các nhà ngoại giao Mỹ không “cố gắng chiêu mộ đặc vụ để gây ảnh hưởng nhằm gieo rắc bất hòa trong xã hội Nga và kích động biểu tình chống phá nhà nước”.
Hai tuần sau, Bộ Ngoại giao Nga triệu tập Tracy để phản đối việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine, yêu cầu Washington và NATO ngừng can thiệp xung đột Ukraine.
Bà Tracy đã bị triệu tập đến Bộ Ngoại giao Nga nhiều lần kể từ đó, đặc biệt sau khi bà lên án bản án 25 năm tù dành cho nhà báo Vladimir Kara-Murza, người mang hai quốc tịch Nga và Anh. Kara-Murza bị bắt với cáo buộc chống lệnh cảnh sát, phát tán thông tin sai lệch về quân đội Nga và phản quốc, sau khi ông này có những phát ngôn phản đối chiến dịch của Nga ở Ukraine.
Các quan chức Nga đã thể hiện rõ sự khó chịu với Mỹ. Hồi tháng 4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng đối thoại với đại sứ quán Mỹ rất khó khăn vì có rất ít khía cạnh hai bên có thể đồng thuận.
“Đấu khẩu, công kích, bất bình với nhau hiện là chuyện bình thường. Chúng tôi đụng độ cả công khai và đằng sau hậu trường”, ông Ryabkov nói.
Tuy nhiên, ông ghi nhận việc bà Tracy là nhà ngoại giao có nhiều kinh nghiệm làm việc với Nga. Bà từng là nhân viên hợp đồng trong bộ phận lãnh sự của đại sứ quán Mỹ tại Liên Xô vào cuối những năm 1980. Sau đó bà đảm nhận chức vụ phó phái đoàn ngoại giao Mỹ năm 2014-2017. Bà từng làm cố vấn cấp cao về Nga tại Văn phòng Các vấn đề châu Âu và Á-Âu tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Gần đây nhất, bà là đại sứ Mỹ tại Armenia, nước từng thuộc Liên Xô.
Dù vậy, các nhiệm vụ ngoại giao cơ bản như đảm bảo số lượng nhân sự tại đại sứ quán hoặc đơn giản là đi thăm các địa điểm tại nước Nga lại là thách thức trong bối cảnh hiện nay.
Những đòn trục xuất nhân viên ngoại giao đáp trả nhau giữa Moskva và Washington đã khiến số lượng nhân sự suy giảm. Tracy không tiết lộ cụ thể số nhân viên hiện tại của phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Nga. Song người tiền nhiệm John Sullivan hồi tháng 5/2022 cho biết họ còn khoảng 130 nhân sự, số lượng thấp hơn rất nhiều so với 1.200 người năm 2021. Gần một nửa số người còn lại là lính thủy quân lục chiến Mỹ phụ trách bảo vệ sứ quán và các nhân viên an ninh khác.
Đại sứ Tracy cũng cảm thấy khó có thể ra ngoài gặp gỡ người dân Nga, điều mà bà luôn xem là phần quan trọng trong công việc.
Bà nhớ khi còn làm phó trưởng phái đoàn ngoại giao, bà đã đi thăm rất nhiều nơi như St. Petersburg, Veliky Novgorod, Yekaterinburg, Perm, Chelyabinsk, Vladivostok, Sakhalin Island và Yakutsk.
Song những chuyến đi như vậy giờ rất ít và khó tiến hành. Trong khoảng một năm qua, người Nga ngày càng trở nên khó khăn với các nhân viên sứ quán Mỹ trong cả các chuyến thăm chính thức và đi lại cá nhân, theo Tracy.
Một người phát ngôn đại sứ quán nói rằng bà Tracy không chịu những lệnh hạn chế đi lại, song những nhân viên sứ quán phụ trách kết nối hoặc người hỗ trợ bà trong chuyến đi bị hạn chế. Họ cần được Bộ Ngoại giao Nga chấp nhận để ra khỏi bán kính 40 km từ Điện Kremlin và những yêu cầu đi lại thường bị từ chối. Nhân viên ngoại giao Nga ở Mỹ cũng đối mặt những hạn chế tương tự.
Các nhà ngoại giao Mỹ cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận công dân bị Nga giam giữ. Chính phủ Mỹ đã cáo buộc Nga “bắt giam sai trái” hai người gồm phóng viên Wall Street Journal Gershkovich và doanh nhân Paul Whelan, người đang thụ án 16 năm tù vì tội gián điệp.
Bà Tracy nói rằng tình hình đang được cải thiện, ít nhất là đối với Gershkovich, người đang bị giam chờ xét xử ở nhà tù Lefortovo tại Moskva tới ít nhất ngày 30/11. Bà cho biết hiện có thể tiếp cận Gershkovich mỗi tháng một lần. Tuy nhiên, bà chỉ trích động thái bỏ tù hai công dân Mỹ của Nga.
“Tôi nghĩ điều đáng buồn là chúng tôi thấy Nga đang đối xử với những công dân bình thường như những con tốt trong một số trò chơi của họ. Nhưng với những người này, đây không phải trò chơi mà là cuộc sống”, bà nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ cáo buộc rằng Nga “chơi trò chính trị với người Mỹ vô tội” và cố tình nhắm mục tiêu vào công dân Mỹ. Peskov nói rằng Nga áp dụng các biện pháp phù hợp với những người vi phạm luật pháp.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moskva tuân thủ hệ thống pháp luật đối với những người bị bắt giam, bất kể quốc tịch của họ.
Khi những căng thẳng giữa hai nước leo thang, nhiệm vụ lớn nhất của Tracy là giữ cánh cửa đối thoại luôn mở.
Giới quan sát cho rằng điều này nói dễ hơn làm. Việc trục xuất nhân viên ngoại giao cấp thấp của cả hai bên đã trở nên tương đối phổ biến trong những năm qua, đôi khi cả Mỹ và Nga đều triệu hồi đại sứ của họ về nước.
Mỹ từng rút đại diện ngoại giao khỏi Moskva năm 1980 sau khi Liên Xô can thiệp quân sự ở Afghanistan. Nga cũng từng triệu hồi đại sứ ở Washington sau các cuộc không kích của Mỹ vào Iraq năm 1998 và sau khi Mỹ cáo buộc Moskva can thiệp bầu cử tổng thống năm 2020.
“Duy trì kênh đối thoại là một trong những ưu tiên cao nhất của chúng tôi”, bà nói. “Chúng tôi muốn giữ nó để đảm bảo chúng tôi không hiểu lầm nhau và có những tính toán sai lầm”.
Thanh Tâm (Theo WSJ)