Chỉ riêng trong tháng 11/2023, xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga sang Mỹ đã lên tới 96 triệu USD. Quốc gia đang chịu nhiều lệnh trừng phạt này trở thành nhà cung cấp uranium lớn nhất cho Mỹ kể từ tháng 5 năm ngoái.
Ngoài Nga, Anh và Nhật Bản cũng là những nhà cung cấp uranium lớn cho Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 48,6 triệu USD và 44 triệu USD trong tháng 11/2023, trong khi của Bỉ là 2,4 triệu USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu uranium của Mỹ đạt gần 191 triệu USD trong cùng kỳ.
Trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp uranium dồi dào của Nga, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết vào tuần trước rằng các nhà chức trách đang tìm kiếm hồ sơ dự thầu từ các nhà thầu để xây dựng nguồn cung cấp uranium trong nước được làm giàu tới mức cao hơn, phục vụ cho thế hệ lò phản ứng tiếp theo.
Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu của Nga sau khi chiến sự giữa nước này với Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022. Mỹ cùng một số quốc gia phương Tây áp giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ chưa cấm nhập khẩu uranium Nga.
Tháng trước, Hạ viện Mỹ thông qua lệnh cấm nhập khẩu uranium của Nga như một phần của chiến dịch trừng phạt Moskva do cuộc xung đột ở Ukraine. Dự luật cần phải được Thượng viện Mỹ thông qua, sau đó mới chuyển đến Tổng thống Joe Biden ký.
Nếu dự luật được ban hành, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu uranium dùng làm nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, lệnh cấm sẽ được bãi bỏ nếu không có nguồn cung uranium khác thay thế để duy trì hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân tại Mỹ.
Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy các nhà máy điện hạt nhân của nước này nhập khẩu khoảng 12% uranium từ Nga trong năm 2022, so với 27% từ Canada và 25% từ Kazakhstan. Chỉ khoảng 5% uranium được sử dụng tại Mỹ trong khoảng thời gian đó có nguồn gốc trong nước.
Hoa Vũ(Nguồn: actualidad.rt.com)