TP HCMBà Phương, 59 tuổi, bị sỏi thận nhiều năm, ba tháng nay đau thắt lưng nhiều hơn, bác sĩ phát hiện khối sỏi san hô 7 cm to gần bằng quả thận.
Ngày 9/5, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tân Cương, Phó khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khối sỏi san hô nhiều nhánh nằm ở thận phải bệnh nhân, gần như lấp đầy bể thận và các đài thận. Sỏi của bà Phương thuộc loại ít gặp, tạo thành một khối hoàn chỉnh.
Nếu muốn lấy hết toàn bộ khối sỏi san hô trong một lần phẫu thuật, mổ mở là giải pháp khả thi, theo bác sĩ Cương. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ như người bệnh mất nhiều máu, nhiễm khuẩn, rò nước tiểu, tổn thương thận, đau kéo dài, hồi phục chậm và sẹo mổ lớn trên bụng. Người bệnh lớn tuổi, nên để đảm bảo sức khỏe, mổ nội soi là biện pháp tối ưu.
Mổ nội soi ít xâm lấn, giảm nguy cơ mất máu, ít biến chứng, ít đau, hạn chế tối đa tổn thương thận, người bệnh phục hồi nhanh, có thể xuất viện sớm. Tuy nhiên, bác sĩ cần thực hiện hai lần mới có thể làm sạch sỏi cho bà Phương.
Lần đầu, bác sĩ Cương nội soi tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ (mini-PCNL). Dụng cụ tán sỏi nội soi được đưa vào trong thận thông qua một lỗ nhỏ cỡ 0,5 cm trên lưng người bệnh. Khoảng 70% khối sỏi (phần nằm trong bể thận và cụm đài thận dưới) được tán nhỏ bằng laser và lấy ra ngoài cơ thể. Phần sỏi còn lại nằm sâu trong phần cực trên thận, khó tiếp cận.
Sau ba tuần, bác sĩ tán sỏi nội soi lần hai bằng ống soi mềm. Ống nhỏ có thể uốn cong linh hoạt, dễ tiếp cận sỏi ở những vị trí sâu trong thận, dùng laser để tán sỏi thành các vụn rất nhỏ.
Hai ngày sau, bà Phương được xuất viện, sức khỏe hồi phục tốt, không đau, ăn uống được, đi lại bình thường.
Bác sĩ Cương cho biết sỏi san hô chiếm khoảng 15% tổng số trường hợp sỏi thận nhưng là loại sỏi nguy hiểm nhất. Chúng phát triển nhanh, có thể hình thành khối lớn chỉ trong 6-12 tháng, ít gây tắc nghẽn nên người bệnh thường không nhận biết. Một số trường hợp có tiểu máu, nhiễm khuẩn đường tiểu tái phát, đau hông lưng âm ỉ.
Hiện có thể điều trị bằng các phương pháp xâm lấn tối thiểu như nội soi tán sỏi qua da kết hợp với nội soi tán sỏi ngược dòng hoặc tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích (SWL). Trường hợp sỏi lớn, phức tạp, người bệnh cần điều trị nhiều lần, phối hợp nhiều biện pháp mới có thể xử lý sạch sỏi.
Sỏi có thể làm suy giảm chức năng thận, biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn thận, áp xe thận, viêm quanh thận, nhiễm khuẩn vào máu đe dọa tính mạng, thận mủ mất chức năng phải cắt bỏ thận.
Sỏi san hô dễ tái phát dù đã điều trị sạch. Người bệnh cần dự phòng sỏi tái phát bằng cách uống nước tối thiểu 2-2,5 lít mỗi ngày; giảm muối, hạn chế đạm động vật, thực phẩm giàu oxalat (chocolate, rau chân vịt, củ cải đường…); hạn chế bia rượu, nước có ga; bổ sung đủ canxi, khám sức khỏe định kỳ mỗi 6-12 tháng.
Bác sĩ Cương khuyến cáo người có các triệu chứng sỏi thận nên đến bệnh viện khám để sớm phát hiện bệnh và điều trị.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn: https://vnexpress.net/khoi-soi-san-ho-chiem-gan-het-than-nguoi-phu-nu-4743856.html