Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngần ngại công khai ý tưởng về việc Kiev trao cho Washington quyền khai thác đất hiếm trị giá 500 tỷ USD đổi lấy viện trợ Mỹ. Giao dịch này chứa đựng nhiều hàm ý, thông điệp từ các bên liên quan.
Thỏa thuận với Ukraine sẽ tạo cho Mỹ thế cân bằng, chủ động hơn với Trung Quốc về đất hiếm. (Nguồn: Rubryka) |
Trước hết cần nói về giá trị của loại khoáng sản đặc biệt này. Đất hiếm là hỗn hợp gồm 17 nguyên tố hóa học, có tính năng đặc biệt. Đây là nguyên liệu không thể thiếu của nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật mũi nhọn, sản xuất các sản phẩm dân sự và quân sự hiện đại, từ điện thoại thông minh, máy tính, pin, ô tô điện, tua bin gió đến chip bán dẫn, máy bay, tên lửa, tàu ngầm… Do có nhiều ứng dụng đặc biệt nên đất hiếm là “vũ khí chiến lược”, con bài trong cuộc chiến thương mại.
Thông điệp từ Mỹ
Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn đất hiếm. Một tàu ngầm của Mỹ cần sử dụng 4,1 tấn kim loại đất hiếm, 1 máy bay F-35 cần gần 450kg kim loại đất hiếm… Việc Mỹ nhanh tay nhanh mắt với thỏa thuận về loại khoáng sản quý hiếm này cho thấy nhiều vấn đề.
Thứ nhất, để ứng phó với thế thống trị của Bắc Kinh trên thị trường đất hiếm toàn cầu. Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất, ước khoảng 44 trên tổng số 120 triệu tấn của thế giới, và nắm giữ hơn 90% sản lượng khai thác toàn cầu. Trong đó, Mỹ là khách hàng xếp thứ hai, nhập khẩu 20% đất hiếm từ Trung Quốc. Thỏa thuận với Ukraine sẽ tạo cho Mỹ thế cân bằng, chủ động hơn với Trung Quốc về loại khoáng sản chiến lược này. Nguyên thế đã vô cùng quan trọng, nhưng không chỉ có vậy.
Thứ hai, Washington thừa nhận đã viện trợ rất lớn cho Kiev, đến vai trăm tỷ USD, dưới nhiều hình thức, từ trước khi nổ ra xung đột. Bây giờ là lúc thu lợi nhuận từ các khoản viện trợ. Nghĩa là “không có bữa ăn nào miễn phí”. Được như vậy, Tổng thống Donald Trump đã ghi điểm với người dân Mỹ vì mang lại lợi ích kinh tế thiết thực.
Thứ ba, Mỹ cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã đến lúc kết thúc, nên phải nhanh chóng tìm cách đứng chân lâu dài, giành lợi thế, thị phần béo bở nhất trong cuộc tái thiết hậu chiến, trước cả đối thủ và đồng minh. Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngay lập tức đọc vị động thái này là “ích kỉ”, “tự coi mình là trung tâm”!
Thứ tư, đặt Nga trước sự đã rồi. Khoảng 50% trữ lượng đất hiếm của Ukraine hiện thuộc các vùng Nga tuyên bố sáp nhập và đang quản lý. Nếu Nga tiếp tục mở rộng thêm khu vực quản lý thì trữ lượng còn lớn hơn. Khai thác đất hiếm sẽ là một trong những vấn đề phải trao đổi giữa Washington với Moscow.
Khai thác đất hiếm sẽ là một trong những vấn đề phải trao đổi giữa Mỹ với Nga. |
Thế của Kiev
Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố Kiev chiến đấu ở tuyến đầu vì an ninh của châu Âu, nên EU có trách nhiệm hỗ trợ Ukraine. Ngoài ra, tài nguyên, đáng kể nhất là đất hiếm, là thứ hấp dẫn, có giá trị trao đổi với viện trợ của Mỹ và EU, cả trong xung đột và tái thiết. Ukraine nắm giữ trữ lượng lithium, titan lớn nhất châu Âu và khối lượng khá lớn urani… Ông đã đưa việc trao đổi khoáng sản này lấy viện trợ vào “kế hoạch chiến thắng”.
Tuy nhiên, Kiev ngày càng phụ thuộc sâu vào Mỹ và phương Tây. Chính Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng thừa nhận điều này. Ông khẳng định phải có viện trợ tài chính và các loại vũ khí hiện đại thì Ukraine mới trụ vững, đối phó được với Nga. Việc kết nạp Kiev vào NATO và sự hiện diện của Mỹ, NATO mới bảo đảm an ninh, hòa bình cho Ukraine. Người đứng đầu chính quyền Kiev ca thán, Mỹ và phương Tây bỏ qua Ukraine trong việc trao đổi với Nga về đàm phán giải quyết xung đột.
Thực tế cho thấy, sự phụ thuộc lớn vào Mỹ, phương Tây khiến Kiev không có nhiều quyền tự quyết về điều kiện, nội dung đàm phán chấm dứt xung đột (nếu xảy ra). Nhiều thông tin tiết lộ, đại diện Mỹ, Nga đang trao đổi về cuộc gặp thượng đỉnh song phương, có khả năng diễn ra trong tháng 2 hoặc 3, sẽ là đột phá mở đường cho các bước tiếp theo. Một số chính trị gia, học giả quốc tế cho rằng chính Washington và Moscow mới quyết định cơ bản về cách thức và kết cục giải quyết xung đột. Kiev có thể buộc phải chấp nhận nhượng bộ nhiều hơn.
Vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất là Tổng thống Volodymyr Zelensky không thể tự quyết mô hình, thể chế chính trị - xã hội tương lai của Ukraine khi xung đột kết thúc. Thậm chí, rò rỉ thông tin Mỹ và phương Tây thủ sẵn trong tay áo phương án thay thế người đứng đầu chính quyền Kiev, nếu diễn biến không đúng theo kịch bản họ đạo diễn!
Phản ứng từ Nga
Moscow nhanh chóng phản ứng trước đề xuất của Tổng thống Donald Trump. Người phát ngôn Điên Kremlin cho rằng ý tưởng trao đổi đất hiếm thực chất là cuộc mua bán viện trợ giữa Washington và Kiev. Có thể thấy thỏa thuận khó bảo đảm khả thi, vững chắc khi xung đột chưa kết thúc, tính pháp lý của người đứng đầu chính quyền Kiev đang còn bị đặt dấu hỏi. Hơn nữa, Nga đang quản lý phần lớn loại khoáng sản, nên chủ thể thỏa thuận trao đổi không chỉ là Kiev.
Moscow nhiều lần khẳng định xung đột ở Ukraine thực chất là cuộc chiến phức hợp, nhiều mặt giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Vấn đề chỉ có thể giải quyết triệt để, lâu dài nếu Washington và Brussels có kế hoạch và những hành động cụ thể, thiện chí đàm phán giải quyết cả gói, trung lập hóa Ukraine, dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận, thiết lập quan hệ bình đẳng, thực chất với Moscow.
***
Dư luận quốc tế quan tâm lớn đến tổng thể diễn biến xung đột ở Ukraine, khả năng, cách thức giải quyết khủng hoảng và cả những vấn đề cụ thể có liên quan. Trong đó có đề xuất thỏa thuận trao đổi đất hiếm giữa Washington và Kiev. Qua vụ việc cụ thể đó cũng như các cuộc điện đàm, thông tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga và dự báo giải pháp giải quyết xung đột ở Ukraine…, nổi lên những vấn đề cơ bản.
Nhiều chính khách, học giả quốc tế đánh giá chính quyền Kiev đang sa vào vòng xoáy cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn, khó tự mình thoát ra được và cái giá quá đắt.
Nguồn: https://baoquocte.vn/thong-diep-tu-thoa-thuan-dat-hiem-o-ukraine-304199.html
Bình luận (0)