TikTok và ByteDance kiện chính phủ Mỹ về đạo luật có thể cấm ứng dụng này, châm ngòi cuộc chiến pháp lý có thể kéo dài đến giữa năm 2025.
TikTok và công ty mẹ ByteDance, trụ sở Trung Quốc, ngày 7/5 đệ đơn kiện lên Tòa phúc thẩm liên bang Quận Columbia, sau khi Tổng thống Joe Biden ngày 24/4 ký ban hành Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát (PAFACA). PAFACA buộc Bytedance phải thoái vốn tại TikTok, nếu không nền tảng mạng xã hội này sẽ bị cấm tại Mỹ.
“Lần đầu tiên trong lịch sử, quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật khiến một nền tảng có thể bị cấm vĩnh viễn trên toàn quốc”, TikTok và ByteDance cho biết trong đơn kiện. PAFACA đưa ra hạn chót để ByteDance bán TikTok là ngày 19/1/2025, Nhà Trắng có thể gia hạn thêm 90 ngày nếu các bên có “tiến triển đáng kể”.
TikTok đệ đơn lên thẳng Tòa phúc thẩm liên bang Quận Columbia do tính chất “thẩm quyền chuyên biệt” được quy định trong PAFACA. Theo đó, chỉ tòa này mới có thẩm quyền xét xử các khiếu nại liên quan đến đạo luật. Đây cũng được coi là tòa án cấp cao thứ hai tại Mỹ, chỉ sau Tòa án Tối cao, do thụ lý nhiều vụ kiện tác động đến người dân khắp nước này.
Theo giới chuyên gia, động thái cho thấy ByteDance không có ý định bán lại cổ phần TikTok và sẽ khơi mào một cuộc chiến pháp lý kéo dài với chính phủ Mỹ, có thể cần đến Tòa án Tối cao Mỹ vào cuộc.
Trong đơn kiện, hai công ty ByteDance và TikTok cáo buộc chính phủ Mỹ ban hành “lệnh cấm” một nền tảng mạng xã hội, vi phạm Tu chính án thứ nhất trong hiến pháp Mỹ về quyền tự do ngôn luận. Họ cũng lập luận rằng việc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok là “bất khả thi cả về mặt thương mại, công nghệ và pháp lý”.
“Nếu TikTok bị cấm, 170 triệu người dùng tại Mỹ, đang sử dụng nền tảng để tương tác theo cách không thể có ở nơi khác, sẽ phải im lặng”, hai công ty cho biết, thêm rằng họ vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ cho người dùng Mỹ trong thời gian khiếu kiện.
Trước đó, Nhà Trắng khẳng định chính phủ Mỹ không muốn cấm TikTok, và PAFACA chỉ là quy định về quyền sở hữu với TikTok, đảm bảo công ty không còn liên hệ với ByteDance vì vấn đề an ninh quốc gia.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng việc một công ty có trụ sở ở Trung Quốc như ByteDance sở hữu TikTok sẽ đe dọa đến an ninh của nước Mỹ, do dữ liệu người dùng có nguy cơ bị chuyển về Bắc Kinh theo lệnh của chính phủ Trung Quốc. Cả ByteDance và TikTok đều bác bỏ cáo buộc này.
TikTok từng bị chính phủ Mỹ cảnh báo suốt nhiều năm, khi quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh căng thẳng vì nhiều vấn đề. Hồi tháng 8/2020, tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu TikTok cắt quan hệ với ByteDance trong 45 ngày hoặc bị cấm ở Mỹ. TikTok khởi kiện ra Tòa án liên bang Quận Columbia và giành chiến thắng với lập luận sắc lệnh hành pháp của ông Trump vi phạm Tu chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận.
“Nếu đạo luật PAFACA lần này cũng bị coi như một lệnh cấm với quyền tự do ngôn luận, nó sẽ phải đối mặt sự hoài nghi đáng kể từ tòa án”, Timothy Zick, giáo sư về hiến pháp tại Trường luật William & Mary, nói.
TikTok lần này còn cho rằng đạo luật ảnh hưởng đến các nhà sáng tạo nội dung Mỹ đang hưởng lợi về mặt kinh tế từ nền tảng. Về lo ngại an toàn dữ liệu, công ty từng phản hồi rằng họ đã chi hơn 2 tỷ USD để tách biệt hoạt động tại Mỹ với Trung Quốc. Dữ liệu của người dùng Mỹ được lưu trữ trên lãnh thổ Mỹ, bởi một công ty Mỹ và do nhân viên là người Mỹ giám sát, không chuyển về Trung Quốc như lo ngại của Nhà Trắng.
Cuộc chiến pháp lý này sẽ khiến chính quyền ông Biden gặp một số bất lợi, bởi Nhà Trắng sẽ phải công bố các thông tin mật và nhạy cảm để lý giải tại sao PAFACA là cần thiết và hợp lý. Giới chức Mỹ cảnh báo thuật toán của TikTok tạo ra mối đe dọa, có thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng cho các chiến dịch gây ảnh hưởng quy mô lớn lên công chúng Mỹ, nhưng chưa đưa ra bằng chứng.
“Khi tranh luận về mặt chính trị, quốc hội khẳng định hạn chế Trung Quốc tiếp cận dữ liệu người dùng Mỹ là có lợi cho an ninh quốc gia”, Zick nói. “Nhưng tại tòa, chính phủ Mỹ sẽ phải cung cấp bằng chứng cho thấy những lo ngại này là có thật, không phải đồn đoán. Nhà Trắng cũng phải lý giải tại sao không thể và không theo đuổi một phương án ít mang tính cưỡng chế hơn”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng PAFACA có những yếu tố giúp Nhà Trắng chiến thắng trong cuộc đấu pháp lý và Tòa án Tối cao có thể sẵn sàng coi trọng an ninh quốc gia hơn bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
“Lần trước, TikTok thắng trong vụ kiện chống lại sắc lệnh hành pháp của ông Trump, nhưng đạo luật lần này được lưỡng đảng quốc hội thông qua, có thể khiến nó dễ dàng thuyết phục các thẩm phán hơn”, Gautam Hans, giáo sư luật tại Đại học Cornell, bang New York, nói. “Dù vậy, do không có thông tin công khai về những nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ, tòa án cũng khó xác nhận giá trị của một đạo luật chưa từng có như vậy”.
Phe ủng hộ TikTok ca ngợi động thái pháp lý của công ty. “TikTok thách thức đạo luật là việc quan trọng, và chúng tôi kỳ vọng họ thành công”, Jameel Jaffer, giám đốc điều hành Viện Knight về Tu chính án thứ nhất, Đại học Colombia, New York, nói.
Theo Jaffer, Tu chính án thứ nhất đồng nghĩa chính phủ không thể hạn chế người dân Mỹ tiếp cận các ý tưởng, thông tin hay truyền thông từ bên ngoài nếu không đưa ra được lý do phù hợp. “Và không có lý do nào như vậy trong vụ kiện này”, Jaffer bổ sung.
Matthew Schettenhelm, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, nhận định Tòa phúc thẩm liên bang Quận Columbia có thể đẩy nhanh xử lý và sớm có phán quyết. Nếu TikTok quyết định kháng cáo, Tòa án Tối cao có thể thụ lý và ra phán quyết trong quý II năm 2025.
“Chúng tôi cho rằng TikTok có 30% cơ hội chiến thắng và Tòa án Tối cao sẽ ra phán quyết đầu tiên trong quý IV năm sau”, theo Schettenhelm. “Nhà Trắng có cơ hội thắng kiện cao hơn, bởi thẩm phán tòa liên bang Quận Columbia không phải chuyên gia về an ninh quốc gia và họ sẽ thuận theo quốc hội, trừ khi có bằng chứng rõ ràng cho thấy Tu chính án thứ nhất bị vi phạm”.
Như Tâm (Theo Reuters, NBC News)
Nguồn: https://vnexpress.net/cuoc-chien-phap-ly-dai-hoi-giua-tiktok-voi-chinh-phu-my-4743594.html