Vào đại học chỉ nhỉnh hơn điểm trúng tuyển 0,02 của ngành kinh tế đối ngoại, Nguyễn Võ Chí Nguyên như kịp bừng tỉnh, nỗ lực để chinh phục các cuộc thi, cải thiện kết quả sau phen "hú hồn" đó.
Nguyễn Võ Chí Nguyên (phải) nhận giải thưởng"Best of the Best" 2024 của Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham Việt Nam) - Ảnh: NVCC
"Thời phổ thông tôi học khá tốt nhưng lại chỉ đủ điểm để vào được Trường đại học Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM, rồi còn có một học kỳ tôi không thể giành học bổng.
Đã từng có lúc tôi thất vọng vô cùng nhưng chính sự động viên của mọi người giúp tôi lấy lại tinh thần, không tự gây áp lực với bản thân, nhìn việc học thoáng hơn" - Chí Nguyên bắt đầu câu chuyện.
Quá trình giảng dạy, tôi đánh giá bạn ấy là điển hình của mẫu sinh viên năng động, luôn cầu thị và nỗ lực hết mình trong học tập cũng như hoạt động. Ấy là gương mặt trẻ có thể truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác.
TS LÊ GIANG NAM (giảng viên Trường đại học Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM)
Từng hoài nghi bản thân
* Nhưng bạn nói có lúc mình gần như bị mất phương hướng, không còn tự hào về bản thân, vì sao vậy?
- Đó là thời điểm đi thực tập, vừa chạm tới đỉnh cao trong nhiều cuộc thi từng tham gia khiến tôi có phần tự tin quá mức.
Vậy mà trong những tháng đầu thực tập, tôi thấy bản thân không hề nổi trội ở bất kỳ khía cạnh nào nếu không muốn nói là còn gặp vô số thử thách khi phải làm những việc đòi hỏi sự chi tiết. Tôi có phần hoài nghi bản thân!
Chậm lại, suy nghĩ một chút tôi nhận ra giai đoạn thử thách ấy là cơ hội quý giá để hoàn thiện và rằng mình chưa thật sự giỏi như mình nghĩ. Khi mình đủ cầu thị, kiên trì và không ngừng nỗ lực, các cơ hội sẽ tự tìm đến.
* Từng làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ của trường, bạn thấy vị trí này thế nào?
- Chúng tôi hay gọi câu lạc bộ một cách thân thương là "Nhà trẻ". Với tôi, có hai điều rất đáng nói khi mình ở vai trò chủ nhiệm. "Nhà trẻ" là môi trường an toàn để phát triển kỹ năng lãnh đạo và hoạch định chiến lược.
Kế đến, "Nhà trẻ" mang lại nhiều mối quan hệ chất lượng, những con người luôn sát cánh hỗ trợ khi tôi gặp thử thách.
Dĩ nhiên đôi lúc "Nhà trẻ" cũng lấy của tôi khá nhiều thời gian lẫn sức lực, có khi phải gác lại vài dự định cá nhân. Nhưng tôi vẫn thấy mình được nhiều hơn mất khi ở đó giữa mọi người.
* Còn giải thưởng "Best of the Best" 2024 ý nghĩa ra sao với bạn?
- Đúng là niềm tự hào khó tả vì giải thưởng "Best of the Best" của Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham Việt Nam) mỗi năm chỉ trao cho một ứng viên xuất sắc nhất.
Tôi tham gia với suy nghĩ chỉ cần cố gắng hết sức ở tất cả các vòng và mục tiêu là không được rớt. Nhưng kết quả đúng là vượt xa kỳ vọng nên tôi tin sự tận hiến nào cũng sẽ nhận được kết quả tốt đẹp.
Học cách sống chậm lại
* Bạn có từng cảm thấy kiệt sức và làm gì những lúc ấy?
- Có chứ, nhất là khi mình đặt quá nhiều mục tiêu cùng lúc. Như đợt thực tập vừa rồi tôi vẫn vừa đi học vừa đi dạy và còn tham gia các cuộc thi. Có thời điểm tôi mất sức và rất thiếu tập trung. Những lúc đó buộc tôi cần lập kế hoạch chi tiết.
Điều này giúp tôi có thể làm việc liên tục song vẫn giữ vững tinh thần, phần nào thấy được kết quả và tiếp tục nỗ lực.
Thử thách lớn nhất tôi thường phải đối mặt là sự thăng trầm cảm xúc. Tôi thường có cảm xúc thăng hoa khi đạt thành tích nào đó nhưng cũng dễ thấy hụt hẫng liền sau đó với câu hỏi "Phải làm gì tiếp theo?" đi kèm sự thất vọng, chán nản.
Tôi đang học cách sống chậm lại và tận hưởng, trân trọng những niềm vui dù nhỏ trong công việc, cuộc sống. Có lẽ mình cần hiểu và thương yêu bản thân, duy trì động lực từ bên trong nhiều hơn.
* Một thất bại đẹp và ý nghĩa nhất bản thân bạn từng có là gì?
- Là việc đội của tôi không thể vào được top 3 cuộc thi "Sinh viên thế hệ mới" của VTV. Thất bại này đẹp và rất ý nghĩa bởi chúng tôi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình từ thầy cô cùng nhiều anh chị cựu sinh viên.
Tôi từng nghĩ rằng thành tích cuối cùng mới là điều quan trọng nhất. Dù vậy ở cuộc thi này, tôi thấy sự nỗ lực sát cánh bên nhau, sự động viên cùng những lời khuyên từ người đi trước mới là thứ quý giá không gì có thể so sánh được.
Giao tiếp và tư duy phản biện
* Thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), bạn nghĩ giới trẻ cần gì để tồn tại trong thị trường lao động?
- Tôi nghĩ AI là công cụ tuyệt vời và chúng ta cần học cách sống cùng, tận dụng nó để mình trở thành phiên bản tốt hơn.
Có hai kỹ năng quan trọng là giao tiếp và tư duy phản biện trong bối cảnh hiện nay. Làm sao truyền đạt tốt nhất, hiệu quả nhất mong muốn của bản thân ngay cả khi phải dùng nhiều phương thức khác nhau.
Trong khi việc tư duy phản biện giúp chúng ta đọc, phân tích và suy ngẫm để tỉnh táo và thấu đáo hơn.
Bản thân tôi cũng đang nỗ lực tự cải thiện các kỹ năng này song song với tìm một công việc mà bản thân có thể tạo ra giá trị đặc biệt, tích cực trong chuyên môn lẫn cho cộng đồng.
Học cừ, thi thố cũng "khủng"!
Nguyễn Võ Chí Nguyên có thành tích học tập xuất sắc với điểm tích lũy 3.75/4.0, thậm chí có học kỳ đã đạt tuyệt đối 4.0 cũng như giành nhiều học bổng của trường.
Bạn từng cùng đồng đội giành giải nhất toàn quốc và trở thành đại diện Việt Nam ở vòng khu vực Đông Nam Á cuộc thi giải quyết tình huống về tài chính - kinh doanh dành cho sinh viên Đông Nam Á và Trung Quốc - ICAEW Business Challenge.
Đồng thời, Nguyên còn là trưởng nhóm đại diện Trường đại học Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM vào top 6 toàn quốc cuộc thi "Sinh viên thế hệ mới" do VTV tổ chức, quán quân cuộc thi về marketing "Smaze 2024", vô địch cuộc thi Sail your ship...
Nguồn: https://tuoitre.vn/guong-mat-giai-thuong-best-of-the-best-2024-tung-suyt-rot-dai-hoc-20250204230110575.htm
Comment (0)