Die Behörde, die den Gesetzesentwurf vorlegt, muss die letztendliche Verantwortung für den von ihr vorgelegten Gesetzesentwurf übernehmen.

Việt NamViệt Nam05/02/2025

Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) quy định cơ quan trình dự án luật chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật, để bảo đảm tính liên tục trong suốt quá trình xây dựng dự án luật.

Chiều 5/2, tiếp tục Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Vi phạm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự

Trình bày tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, lần sửa đổi này, dự thảo quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng chậm tiến độ trình văn bản hoặc ban hành văn bản trái pháp luật, để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ.

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình dự án Luật. (Ảnh: DUY LINH)

Tương ứng với trách nhiệm, dự thảo Luật bổ sung quy định về chế tài với người đứng đầu: kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ để đánh giá, xét thi đua khen thưởng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; tuỳ theo mức độ vi phạm, người đứng đầu có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, xử lý kỷ luật hoặc hình sự.

Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung quy định miễn trừ, giảm nhẹ trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, công chức làm công tác xây dựng pháp luật nếu đã kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điểm mới đáng chú ý khác trong dự thảo Luật là quy định về vai trò của cơ quan trình dự án luật trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Luật hiện hành, Chính phủ và các cơ quan ngoài Chính phủ thực hiện việc đề xuất, xây dựng và trình dự án luật để Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ nhất; Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan chỉ đạo chỉnh lý dự án luật và chịu trách nhiệm trực tiếp báo cáo Quốc hội về kết quả giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ hai.

Với tinh thần mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một người chủ trì và chịu trách nhiệm, lần sửa đổi này, Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình trình. Quốc hội là cơ quan lập pháp, có quyền thông qua hoặc không thông qua dự án luật do Chính phủ trình.

Cụ thể, dự thảo Luật quy định cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật.

"Việc này nhằm bảo đảm tính liên tục trong suốt quá trình xây dựng dự án luật, từ đề xuất, soạn thảo, trình cho đến khâu chỉnh lý dự thảo, đồng thời, bảo đảm tốt hơn việc thi hành luật sau khi được Quốc hội thông qua", Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nói.

Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Cũng theo Bộ trưởng Tư pháp, nhằm thể chế hóa chủ trương đổi mới tư duy, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, dự thảo Luật quy định đổi mới toàn diện, mạnh mẽ quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng: vừa bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa nâng cao “năng suất”, vừa chú trọng bảo đảm “chất lượng” văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Nội dung đổi mới trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tập trung vào 2 vấn đề lớn, trọng tâm, gồm: đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt.

Theo đó, dự thảo Luật quy định rõ thời điểm đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn là trước hoặc trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính linh hoạt, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn ở bất kỳ thời điểm nào, khi phát sinh yêu cầu cần áp dụng.

Cho phép áp dụng thủ tục rút gọn để xây dựng thông tư trong tất cả các trường hợp, tương tự như các loại văn bản quy phạm pháp luật khác; giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ sẽ tự quyết định việc ban hành thông tư theo thủ tục rút gọn mà không cần phải xin ý kiến Bộ Tư pháp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đồng thời, dự thảo quy định rõ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn với mục tiêu vừa đơn giản, hợp lý hoá quy trình nhưng vừa phải bảo đảm chất lượng của văn bản.

Với việc đổi mới quy trình như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, thời gian để xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn sẽ chỉ mất khoảng 1-2 tháng (giảm được 6-8 tháng so với Luật năm 2015 hiện hành).

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trên cơ sở Đề án đổi mới quy trình xây dựng pháp luật đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, dự thảo Luật bổ sung quy định: trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp hoặc sự cố, thảm hoạ theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự hoặc sự kiện bất khả kháng và được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục đặc biệt.


Nguồn

Kommentar (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available