Một bài hát học 5 năm mới thuộc, có học sinh gần 30 tuổi đã học hơn 17 năm mới lên lớp 3, có em cắn vào tay, đấm vào bụng cô giáo đau đến chảy nước mắt… Để duy trì lớp học, cô chủ nhiệm của lớp từng bị nói là người “bao đồng, dở hơi"...
Cô Lê Thị Hòa, giáo viên chủ nhiệm lớp học tình thương dành cho trẻ khuyết tật - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Khởi nguồn từ lớp học trong góc bếp 10m2
Chia sẻ về lý do thành lập lớp học đặc biệt này, cô Hòa cho biết bản thân sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố chỉ học đến lớp 5, còn mẹ không được đi học, không biết chữ. Tuy nhiên, bố mẹ cô đã cố gắng cho cả 6 anh chị em ăn học, với mong ước sau này các con sẽ làm được những việc có ích cho xã hội. Theo học sư phạm, khi ra trường cô Hòa được phân công về Trường tiểu học Trường Yên công tác. Lớp học đầu tiên cô đảm nhận có 9 học sinh, cả 9 em đều là người khuyết tật. Sau 3 năm giảng dạy, cô Hòa lập gia đình và chuyển công tác về Trường tiểu học Đông Sơn. Vì chỉ dạy học buổi sáng, buổi chiều còn nhiều thời gian rảnh, từ năm 1997 cô bắt đầu dạy kèm miễn phí cho hai học sinh khuyết tật ở trường cũ và một số em kém may mắn khác gần nhà trong gian bếp khoảng 10m2 của gia đình. Lúc này bảng là nền đất, phấn là ngói đỏ. "Sau khi tôi dạy một thời gian, bố mẹ các cháu phát hiện con biết đọc, ăn cơm biết mời cơm. Khi hỏi ai dạy thì các con nói cô Hòa. Người nọ truyền tai người kia và đến xin cho con theo học, có lúc lớp học tại căn bếp nhỏ lên đến hơn 14 học sinh. Năm 2007, trong một lần đi lễ chùa, tôi thấy phòng khách của nhà chùa không sử dụng đến nên đã ngỏ ý mượn và được sự đồng thuận. Từ đó lớp học chính thức được mở tại chùa. Đến nay lớp học đã duy trì được 17 năm, hiện tại danh sách lớp có khoảng 92 học sinh đăng ký học, đa số các em đều là người khuyết tật".Cô Hòa hướng dẫn học sinh giải toán tại lớp học tình thương - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Căn phòng khách của chùa Hương Lan được sử dụng làm lớp học cho trẻ khuyết tật, cô Hòa là giáo viên chủ nhiệm - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Không có phương pháp nào ngoài tình yêu thương
7h sáng, phía sau sân chùa Hương Lan tấp nập tiếng cười đùa, chào hỏi: "Con chào cô Hòa xinh đẹp", "Thái chào cô chưa?", "Bạn này sao hôm qua nghỉ học?", một số học sinh đến chạy thẳng vào ôm chầm cô giáo như đã rất lâu mới gặp lại. Đến khoảng 7h30, có hơn 30 học sinh đã tới lớp, cô trò bắt đầu ổn định vào vị trí dạy và học. Lớp học đặc biệt được cô Hòa phân thành hai nhóm, một nửa là học sinh chưa biết đọc thì học chương trình lớp 1, một nửa là các em đã biết viết, biết làm toán học chương trình lớp 3 đến lớp 5. Để học sinh có động lực học tập, mỗi ngày cô đều chấm điểm cho các em sau khi làm toán hay luyện viết xong. Căn cứ vào năng lực của học sinh, cô sẽ cho các em lên lớp theo mức năng lực phù hợp. Theo cô Hòa, ở lớp này không có giáo án, cũng không có phương pháp dạy nào ngoài tình yêu thương và sự kiên nhẫn. "Hôm nay dạy ngày mai các em lại quên, có học sinh học một bài hát tới 5 năm mới thuộc, hay em Chung theo tôi học từ những ngày đầu tiên, đến nay đã hơn 17 năm em vẫn không biết đọc, chỉ biết viết và viết chữ rất đẹp. Có em mất kiểm soát cắn tay cô giáo chảy máu", cô Hòa kể.Các cô giáo phải luôn chân luôn tay kèm từng học sinh trong giờ học - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Cô giáo Trần Thị Thoa đã về hưu 15 năm nhưng vẫn đồng hành cùng lớp học. Trong ảnh cô Thoa đang tỉ mỉ hướng dẫn học sinh cầm bút, nắn nót từng nét chữ - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Khi được hướng dẫn giải bài toán, em Nguyễn Anh Thái mất bình tĩnh, tỏ ra hoảng loạn và khóc. Trong ảnh cô Hòa kiên nhẫn động viên học sinh bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc để tiếp tục học - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Sau một tuần mong đợi được tới lớp, một số em học sinh vừa được bố mẹ đưa tới liền chạy thẳng tới ôm chầm cô giáo - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Độ tuổi học sinh trong lớp từ 6 đến ngoài 30 tuổi, cùng học trong một phòng nhưng chia làm hai nhóm lớp, một nhóm chưa biết đọc và một nhóm đã biết đọc, viết - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Hiện có khoảng 10 giáo viên tham gia hỗ trợ học sinh theo hình thức luân phiên - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Thanh An, 17 tuổi, bị tự kỷ, em tham gia lớp học tình thương được hơn 1 tháng. Dù không biết đọc, viết nhưng em bị thu hút bởi những cuốn truyện ở lớp. Trong ảnh, cô Thoa ân cần khuyên Thanh An cất truyện để tập trung viết bài vì đang trong giờ học - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Lo lắng cháu không tập trung học, bà Cấn Thị Hải, 85 tuổi, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, đứng phía ngoài cửa để theo dõi cháu học. Bà Hải cho biết Thanh An mắc bệnh tự kỷ, cách đây 4-5 năm em bị ngã xe nên bệnh trở nặng hơn. An 17 tuổi nhưng chưa từng được đi học. Để cho An đi học, hằng tuần hai bà cháu bắt xe buýt đưa An đến lớp - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Anh Nguyễn Văn Chung, 29 tuổi, là học sinh theo học cô Hòa từ những ngày mở lớp tại căn bếp khoảng 10m2. Đến nay anh Chung đã theo học hơn 17 năm, viết chữ rất đẹp nhưng chưa biết đọc - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Một số phụ huynh dù nhà xa nhưng vẫn đưa con tới lớp đều đặn mỗi tuần vì khâm phục sự nhẫn nại của các cô giáo, sự hy sinh của các cô dành cho con em mình - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Tỉ mỉ tô từng chữ đều tăm tắp, em Nguyễn Thị Thu Huyền, 17 tuổi, cho biết đã học tại lớp học tình thương này được 1 năm, ngoài ra không học ở đâu khác. "Đi học vui, em thích đến lớp, hôm nào không đến lớp em buồn", Huyền nói - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/lop-hoc-cua-co-giao-bao-dong-do-hoi-20241120024317465.htm
تعليق (0)