Những khu công nghiệp đầu tiên
Năm 2003, ba khu công nghiệp đầu tiên ở Hải Dương được thành lập là Nam Sách, Phúc Điền và Đại An với tổng diện tích 320 ha đã mở ra hướng đi mới trong đầu tư phát triển về hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp tập trung của tỉnh.
Theo đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Brother Việt Nam, do có vị trí địa lý thuận lợi, nằm cạnh quốc lộ 5, nối liền 2 trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội - Hải Phòng nên khu công nghiệp Phúc Điền là địa điểm doanh nghiệp lựa chọn đầu tư từ năm 2006. Hiện doanh nghiệp tạo việc làm cho trên 10.000 lao động.
Ông Phạm Văn Lượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Nam Sách và Phúc Điền thông tin, những năm qua, doanh nghiệp không ngừng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp. Chỉ trong 5-6 năm đi vào hoạt động, 2 khu công nghiệp đã cơ bản được lấp đầy.
Đến nay, 3 khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh đã thu hút hơn 160 dự án với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD. Các dự án trong 3 khu công nghiệp này mỗi năm đóng góp ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng.
Từ 3 khu công nghiệp đầu tiên, Hải Dương liên tục quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp mới. Các khu công nghiệp đã không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Hiện Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 21 khu công nghiệp (trong đó có 3 khu công nghiệp mở rộng) với tổng diện tích hơn 4.500 ha.
Trong số 21 khu công nghiệp được phê duyệt có 17 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.738 ha, 12 khu công nghiệp đã triển khai đầu tư xây dựng và khai thác với tổng diện tích quy hoạch hơn 1.600 ha.
Đến cuối năm 2024, các khu công nghiệp đã có hơn 400 dự án đầu tư thứ cấp.
Sự phát triển của các khu công nghiệp tại Hải Dương không chỉ mang lại những con số ấn tượng về thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế. Sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn cũng góp phần xây dựng mạng lưới vệ tinh công nghiệp, từ cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện đến dịch vụ hậu cần, qua đó thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của toàn bộ chuỗi giá trị.
Kỳ vọng thành khu động lực kinh tế của miền Bắc
Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định giai đoạn 2021-2030, Hải Dương sẽ đặt nền móng, hình thành một khu kinh tế chuyên biệt làm đột phá phát triển cho tỉnh, đặc biệt là giai đoạn sau năm 2025.
Quy hoạch tỉnh cũng định hướng phát triển Khu kinh tế chuyên biệt trở thành khu động lực kinh tế của miền Bắc, thúc đẩy bởi khu nghiệp công nghệ cao, khu kinh tế chuyên ngành, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ và khu công nghiệp sinh thái, tạo thành vùng công nghiệp trọng điểm vùng đồng bằng sông Hồng.
Sau hơn 1 năm khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, cuối tháng 11/2024, dự thảo Đề án Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương đã hoàn thành. Đây chính là bước quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh, đồng thời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để Hải Dương phát triển bứt phá.
Theo dự thảo đề án, Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh nằm ở phía nam cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thuộc hai huyện Bình Giang và Thanh Miện. Tổng diện tích của khu khoảng 5.300 ha; trong đó huyện Thanh Miện khoảng 3.367 ha, huyện Bình Giang khoảng 1.933 ha.
Khu kinh tế chuyên biệt dự kiến có 5 phân khu chức năng. Trong đó sẽ hình thành 11 khu công nghiệp, tổng diện tích dự kiến khoảng 2813,67 ha; 4 cụm công nghiệp tổng diện tích khoảng 199,04 ha. Khu thương mại dịch vụ, logistics, khu phi thuế quan dự kiến có diện tích 230 ha. Khu trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, đào tạo diện tích khoảng 60 ha. Khu phát triển hạ tầng công cộng khoảng 160 ha. Khu dân cư, đô thị có diện tích khoảng 530 ha gắn với các khu công nghiệp; định hướng phát triển các khu dân cư, đô thị, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
Theo tính toán và trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, dự kiến Khu kinh tế chuyên biệt sẽ đóng góp vào GRDP của tỉnh vào năm 2030 và giai đoạn sau năm 2030 khoảng 8% - 15%.
Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh khẳng định việc phát triển, thành lập Khu kinh tế chuyên biệt là thời cơ, tiền đề để tỉnh phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại trước năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Khu kinh tế chuyên biệt sẽ góp phần đón đầu, thu hút luồng vốn đầu tư mới trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI đang diễn ra mạnh mẽ, tạo động lực phát triển lớn và sự phát triển bứt phá cho tỉnh Hải Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Đồng chí Nguyễn Thế Tài, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện cho biết để tạo tiền đề cho việc thành lập Khu kinh tế chuyên biệt, thời gian qua, tỉnh, huyện đã đầu tư, nâng cấp nhiều tuyến đường kết nối liên vùng với các tỉnh, thành phố tiếp giáp, tạo thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh và đồng bộ. Khu kinh tế chuyên biệt được hình thành sẽ giúp địa phương sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp động lực của tỉnh.
Không chỉ chính quyền địa phương, những người dân ở địa bàn triển khai Khu kinh tế chuyên biệt cũng rất háo hức, mong chờ ở dự án này. Anh Nguyễn Quang Vinh ở xã Cổ Bì (Bình Giang) hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân ở TP Hải Dương bày tỏ: "Được biết Khu kinh tế chuyên biệt sẽ có khu đô thị, nhà ở với rất nhiều dịch vụ hiện đại, xanh, thông minh. Tôi mong điều đó sớm thành hiện thực để người dân địa phương không phải đi xa mà vẫn có việc làm, được sử dụng các dịch vụ hiện đại, tiện ích".
VY LONGNguồn: https://baohaiduong.vn/phat-trien-cong-nghiep-tap-trung-khu-cong-nghiep-thanh-nho-400973.html
コメント (0)