Académicien de l'Académie mondiale des sciences - La fierté de l'industrie de la médecine militaire du Vietnam

Il est actuellement un expert de premier plan dans le domaine de la traumatologie orthopédique et de la microchirurgie. Le 1er janvier 2025, il était membre officiel de l'Académie mondiale des sciences (TWAS) et était la deuxième personne du secteur médical vietnamien à recevoir ce titre prestigieux après le professeur Dr Nguyen Huy Phan. Il est le général de division, professeur, docteur en sciences, médecin du peuple Nguyen The Hoang, directeur adjoint de l'hôpital militaire central 108, la fierté de l'industrie médicale militaire vietnamienne.

Báo Quân đội Nhân dânBáo Quân đội Nhân dân31/01/2025


“Cắt thì dễ, tái tạo lại mới khó”

GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng sinh ra trong một gia đình có truyền thống về y dược (ông nội là lương y, bố ông nguyên là Giám đốc Bệnh viện Quân y 105 và mẹ là dược sĩ). Cũng chính từ “cái nôi” ấy, đã dần thắp lên trong ông ngọn lửa âm thầm khát khao được trị bệnh cứu người... Những năm học tập tại Học viện Quân y, rồi tiếp đó là 2 năm xung phong đi công tác tại chiến trường Campuchia với cương vị đội trưởng đội phẫu thuật thuộc Cục Quân y đã hun đúc cho ông sự đam mê mãnh liệt trong nghiên cứu khoa học. Tận mắt nhìn thấy những thương binh ở chiến trường với chi thể bị dập nát hoàn toàn, xương khớp lộ ra ngoài do vết thương mìn hoặc do vết thương hỏa khí, nếu không được cứu chữa kịp thời thì họ có nguy cơ tử vong nhanh chóng do sốc mất máu, nhiễm khuẩn... đã day dứt trong ông một ước mơ cháy bỏng là phải làm gì đó để trả lại cuộc sống bình thường và lành lặn cho họ.

Thiếu tướng, GS, TSKH, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới (TWAS)- niềm tự hào của ngành Quân y Việt Nam. 

Khi trở về công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, rồi được tiếp tục đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài dưới sự hướng dẫn của GS, TSKH E. Biemer, Chủ tịch Hội vi phẫu thuật tạo hình CHLB Đức, những khát vọng cháy bỏng đó đã thôi thúc ông thực hiện đề tài nghiên cứu có tính đột phá trong lĩnh vực tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào, rồi dịch chuyển sang tổ chức tự do ứng dụng vi phẫu thuật để điều trị các tổn thương phức tạp dai dẳng khó liền ở chi thể do di chứng vết thương chiến tranh.

Từ nghiên cứu này, ông đã phẫu thuật thành công cho rất nhiều bệnh nhân bị khuyết hổng tổ chức và ca biến dạng chi thể phức tạp do chấn thương, vết thương hoặc do các dị tật bẩm sinh. Những công trình mà ông nghiên cứu gần đây trong lĩnh vực ghép chi thể đã và đang mở ra những triển vọng hoàn toàn mới cho các bệnh nhân bị cụt chi thể. Những nghiên cứu này sẽ giúp cho những người bệnh bị cụt chi thể thoát khỏi cảnh tàn phế, giúp họ có được một hình thể hoàn hảo và toàn vẹn với một chất lượng cuộc sống tốt hơn trước đó rất nhiều lần.

Chúng tôi đã hẹn và gặp được ông trong một khoảng thời gian rất hạn hẹp. Với cương vị là một lãnh đạo bệnh viện, công việc chuyên môn cuối năm mặc dù vô cùng bận rộn nhưng ở ông vẫn toát lên một dáng vẻ điềm tĩnh và nhẹ nhõm của một nhà khoa học lớn.

Ông tâm sự: “Năm 2008, tôi là một trong 5 phẫu thuật viên chính cùng các đồng nghiệp Đức tại Bệnh viện ngoại khoa Recht der Isar đã thực hiện thành công ca ghép đồng thời cả 2 cánh tay từ một người cho chết não cho một công dân Đức bị cụt cả hai cánh tay từ 4 năm trước. Đây chính là ca ghép đồng thời 2 cánh tay đầu tiên trên thế giới. Trước khi được ghép, việc mất đi cả 2 cánh tay đối với bệnh nhân thực sự là một “thảm họa”. Bệnh nhân đã đi khám ở nhiều nơi, nhưng không có biện pháp nào thực sự khả thi. Đến khi gặp được thầy của tôi là GS, TSKH E. Biemer, thì ông mới được tư vấn về một khả năng duy nhất để phục hồi hoàn hảo cả về hình thể thẩm mỹ và chức năng của chi thể là ghép cả hai cánh tay đồng thời từ một người cho chết não. Hy vọng đã trở lại với bệnh nhân và ông đã kiên nhẫn chờ đợi nó trong suốt 4 năm liền để có được một người hiến chi phù hợp”.

Ca ghép thành công như mong đợi. 16 năm sau đó, cuộc sống của bệnh nhân đã trở lại gần như bình thường. Ông đã có thể dễ dàng dùng tay ghép để tự phục vụ được cho mọi nhu cầu cá nhân của bản thân, làm được hầu như mọi hoạt động lao động và sinh hoạt hàng ngày, có thể tự lái xe và sử dụng máy tính, điện thoại di động một cách thành thạo. Chính thành công vang dội ấy cùng với những thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học trước đó với đề tài nghiên cứu "Tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào để tạo các tổ chức sống mới với cấu trúc không gian 3 chiều" đã giúp GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng được vinh danh với giải thưởng nghiên cứu khoa học Friedrich Wilhelm Bessel của Quỹ Hàn lâm Khoa học Đức Alexander von Humboldt (năm 2012). Đây được xem là giải thưởng nghiên cứu khoa học danh giá nhất của CHLB Đức dành cho các nhà khoa học, các học giả nổi tiếng thế giới đã có những đóng góp to lớn, mang tính đột phá trong khoa học. Ông cũng đã được trao học hàm giáo sư của Đức và được mời ở lại làm giảng viên chính thức tại Đại học Tổng hợp Munich. Nhưng những trăn trở và khát vọng điều trị cho những thương binh bị tàn phế mà ông đã từng được chứng kiến từ khi mới ra trường và trong thời gian công tác tại chiến trường Campuchia đã thôi thúc ông quyết định trở về nước để làm điều gì đó cho những người bệnh ở Việt Nam.

Năm 2020, ông chính là người đã thực hiện ca ghép chi thể đầu tiên tại Việt Nam ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sự kiện này đã đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thực hiện ghép chi thể thành công và đây cũng là ca ghép chi thể từ người cho sống đầu tiên trên thế giới. Ý tưởng cực kỳ độc đáo và đột phá của ca ghép này là “sử dụng phần thừa còn nguyên lành của một chi thể bị đứt rời hoàn toàn không còn khả năng trồng lại để ghép cho những bệnh nhân bị cụt chi thể ở vị trí tương ứng”.

GS Nguyễn Thế Hoàng chia sẻ: Những ca ghép chi thể mà chúng tôi đã thực hiện thành công trong thời gian gần đây đã được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá rất cao. Ca ghép đồng thời cả 2 cánh tay mà chúng tôi vừa thực hiện thành công đúng ngày 30 Tết năm 2024 phục hồi chức năng cực kỳ ngoạn mục và ngoài sức tưởng tượng. Thông thường, những ca ghép 2 cánh tay được thực hiện tại Đức hoặc ở các nơi khác trên thế giới thì bệnh nhân phải mất thời gian rất dài (tới 2 năm) mới có thể phục hồi được chức năng vận động và cảm giác của bàn tay. Nhưng với ca ghép này của chúng tôi, chỉ sau 2 tháng bệnh nhân đã có thể nhúc nhích được các ngón tay. Sau 10 tháng, cánh tay ghép đã có thể thực hiện được chức năng cầm nắm các đồ vật tương đối tinh tế như: Cầm cốc, cầm bút, nhắn tin trên máy di động, đi xe đạp, xe máy, buộc dây giầy... Bệnh nhân đang rất hạnh phúc với 2 cánh tay được ghép và cuộc sống giờ đây đã trở nên có ý nghĩa hơn nhiều vì bệnh nhân không còn là một gánh nặng đối với gia đình và bạn bè nữa.

Năm 2023, GS Hoàng cũng đã tạo nên một kỳ tích trong ghép chi thể khi thực hiện thành công một ca ghép vô cùng đặc biệt. Đây là ca ghép mà một bệnh nhân đã tình nguyện hiến phần chi thể còn lành của cánh tay bị đứt rời không thể trồng nối lại để ghép cho một bệnh nhân khác có mỏm cụt chi thể ở vị trí tương ứng. GS Hoàng đã đưa ra một quyết định táo bạo cấy tạm thời phần cẳng tay còn nguyên lành vào chính cẳng chân của bệnh nhân trong 15 ngày với bao hồi hộp và lo lắng. Sau khi đã tìm được người nhận phù hợp, ca ghép cẳng tay đã được thực hiện thành công và an toàn tuyệt đối cho cả người cho và người nhận.

“Chỉ 18 tháng sau mổ, chi ghép đã phục hồi được chức năng gần như bình thường. Người nhận đã trở lại với nghề nghiệp cũ và đang có một cuộc sống lao động và sinh hoạt hoàn toàn bình thường”, GS Hoàng hạnh phúc kể.

Miệt mài cống hiến

Những ca ghép đặc biệt này đang được ông và đồng nghiệp viết thành những bài báo khoa học và tới đây sẽ được đăng trên trong các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Khi những ca ghép này được chia sẻ và giới thiệu với các bạn bè quốc tế trong các hội nghị khoa học ở châu Âu và châu Á, họ đã thực sự rất kinh ngạc với trình độ khoa học rất cao của các bác sĩ ngoại khoa Việt Nam, cũng như những kết quả phục hồi chức năng ngoạn mục đạt được sau mổ.

Ghép chi thể cho đến nay được coi là phương pháp tái tạo ưu việt nhất trong y học để điều trị cho những người bị cụt chi qua sự phục hồi tối ưu cả về chức năng vận động, cảm giác và hình dáng thẩm mỹ. Đây là phương pháp tối ưu duy nhất mà chưa có một phương pháp tạo hình nào khác có thể thay thế được. Cho đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công 4 trường hợp ghép chi thể, trong đó 2 trường hợp ghép chi thể từ người cho sống và 2 trường hợp từ người cho chết não. Mặc dù đã có được những thành công ban đầu, ghép chi thể vẫn là một thách thức lớn đối với y học Việt Nam cũng như thế giới do nguồn hiến tạng hạn chế. Ngoài ra, do chi thể có cấu trúc giải phẫu rất phức tạp, tinh tế và kỹ thuật thực hiện rất khó khăn, đòi hỏi phẫu thuật viên và nhân viên y tế phải được đào tạo rất chuyên sâu trong suốt một thời gian rất dài.

GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng thăm khám lại cho một bệnh nhân mà ông phẫu thuật phục hồi chi. 

Suốt gần 35 năm công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, những kiến thức mà GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng đã học hỏi và tích lũy được trong thời gian học tập ở nước ngoài đã được hiện thực hóa một cách rất hiệu quả trong thực tiễn lâm sàng tại Việt Nam, đưa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trở thành cơ sở y tế đầu tiên của khu vực Đông Nam Á đi tiên phong trong lĩnh vực ghép chi thể. Hiện tại, ông cùng các đồng nghiệp vẫn đang tiếp tục miệt mài thực hiện các đề tài nghiên cứu liên quan đến nuôi cấy tế bào, tái tạo tuần hoàn và dịch chuyển các tổ chức tự do ứng dụng vi phẫu thuật. Nhóm nghiên cứu của GS Hoàng cùng với các đồng nghiệp trong bệnh viện vẫn đang miệt mài tìm tòi, nghiên cứu và cống hiến để tìm ra những con đường mới nhất, ngắn nhất và tốt nhất trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân.


Comment (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available