Đối với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ đền, chùa đầu năm hay hòa mình trong không khí vui tươi, rộn ràng của những lễ hội ngày xuân là nét văn hóa truyền thống được hình thành, gìn giữ qua bao đời nay. Quảng Ninh có hàng trăm di tích, lễ hội đặc sắc, phong phú diễn ra chủ yếu vào mùa xuân, đã và đang thu hút đông đảo người dân, du khách du xuân, đi lễ với những ước nguyện, cầu mong may mắn, bình an trong năm mới và tìm về với cội nguồn, truyền thống tốt đẹp của quê hương...
Thời tiết đẹp, thuận lợi trong những ngày Tết Nguyên đán khiến hầu hết các địa điểm thờ tự, du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh, như: Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), Khu di tích - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí), chùa Ngọa Vân, đền An Sinh (TP Đông Triều), chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn), đền Xã Tắc (TP Móng Cái)… đều thu hút rất đông người dân và du khách đến tham quan, vãn cảnh, chiêm bái.
Hòa vào dòng người đi lễ đầu xuân, trong tiết trời se lạnh, khắp các con đường rực rỡ màu cờ, sắc hoa, có lẽ ai ai cũng cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân. Cửa chùa, đền, miếu rộng mở với tiếng chuông ngân vang cùng mùi thơm lan tỏa của khói hương, hoa lễ khiến lòng người cũng thấy thanh tịnh, bình yên đến lạ. Đi du xuân với tâm thế hân hoan, sẵn sàng chờ đón những điều an lành, hạnh phúc trong năm mới, mỗi người đều khoác lên mình những bộ quần áo mới tươm tất, trao nhau những nụ cười ấm áp, rạng rỡ.
Bà Hoàng Thị Huệ, phường Hồng Hà (TP Hạ Long), phấn khởi chia sẻ: Đi lễ chùa đã trở thành hoạt động truyền thống của gia đình tôi trong những ngày đầu năm mới. Về với cõi Phật giúp mình cảm thấy thư thái, tịnh tâm, tan biến mọi ưu phiền để hy vọng đón năm mới với những điều tốt đẹp. Năm Ất Tỵ, tôi mong ước cho gia đạo ấm êm, khỏe mạnh, hạnh phúc, chúc cho mọi người bình an, vạn sự như ý.
Trong bộ áo dài truyền thống duyên dáng, chị Trần Thị Thu Trang, phường Cẩm Thành (TP Cẩm Phả), cùng gia đình hân hoan đi lễ đền Cửa Ông. “Năm nào gia đình tôi cũng du xuân tại đây, cùng nhau dâng nén hương thơm bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, các vị anh hùng dân tộc, ước nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, mọi người. Đây cũng là cách tôi muốn giáo dục, hình thành cho con trẻ ý thức trân quý, gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử ngàn đời mà biết bao thế hệ cha ông đã vun đắp, trao truyền” - chị Trang chia sẻ.
Trong dòng chảy văn hóa của dân tộc, các hoạt động lễ hội đầu năm diễn ra ở hầu khắp mọi miền đất nước, đã trở thành điểm hẹn văn hóa ngày xuân. Đó là dịp để người dân bày tỏ lòng biết ơn nguồn cội, tổ tiên, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; tái hiện những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt, sản xuất, gửi gắm những mong ước cuộc sống bình an, đủ đầy. Quảng Ninh hiện có gần 80 lễ hội, trong đó có nhiều lễ hội truyền thống diễn ra vào mùa xuân. Ngày nay, các lễ hội truyền thống không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân mà còn thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế đến tham quan, tìm hiểu văn hóa. Vì vậy, công tác chuẩn bị tổ chức các lễ hội đầu xuân luôn được các địa phương của tỉnh quan tâm, chỉ đạo tổ chức bài bản, chu đáo, đảm bảo trang trọng, an toàn, văn minh, lành mạnh, tiết kiệm và mang đậm bản sắc của dân tộc.
Một trong những lễ hội xuân mở đầu cho chuỗi các lễ hội xuân tại Quảng Ninh có thể kể tới Lễ hội Tiên Công, chính hội vào ngày 7 tháng Giêng hằng năm ở vùng Hà Nam (TX Quảng Yên). Theo lệ xưa, vào ngày này, những cụ già thọ 70, 80, 90 thuộc các dòng họ Tiên Công có công khẩn hoang, lập nên vùng đảo Hà Nam trù phú như ngày nay được con cháu rước lên miếu Tiên Công ở xã Cẩm La để tế tạ ơn tổ tiên, trời đất. Vào những ngày này, con cháu xa gần tụ về sum họp, thể hiện đạo hiếu với ông bà, cha mẹ, biết ơn tổ tiên.
Hội xuân Yên Tử (TP Uông Bí) là lễ hội lớn trong cả nước và lớn nhất trong các lễ hội ở Quảng Ninh, chính hội bắt đầu vào ngày mùng 10 tháng Giêng và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. Ngoài các hoạt động tâm linh, hội xuân Yên Tử còn mở ra một không gian văn hóa đặc sắc với các trò chơi dân gian; biểu diễn nghệ thuật truyền thống, nhạc cụ dân tộc; múa rồng, lân; đưa du khách trải nghiệm ẩm thực, văn hóa của cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử.
Các lễ hội mùa xuân ở Đông Triều, như: Lễ hội chùa Quỳnh Lâm, Lễ hội xuân Ngoạ Vân, Lễ hội Thái Miếu… đều được tổ chức quy mô, trang trọng với các nghi lễ cúng Phật, cúng trời đất để cầu quốc thái dân an. Còn đến với đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), du khách không chỉ được thưởng lãm cảnh đẹp miền Đông Bắc, dâng nén tâm hương tưởng nhớ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng và các nhân thần có công với đất nước mà còn có cơ hội tham gia vào lễ hội đền - một trong những lễ hội truyền thống độc đáo, đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ở các địa phương miền Đông của tỉnh, nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các lễ hội truyền thống nơi đây cũng mang đậm dấu ấn văn hóa riêng. Những ngày này, bà con các dân tộc khắp các bản làng của Bình Liêu đang háo hức chuẩn bị cho Lễ hội đình Lục Nà - một trong số các lễ hội lớn nhất ở Bình Liêu khi vào xuân, sẽ diễn ra vào ngày 16-17 tháng Giêng tới đây. Đình là nơi thờ Thành Hoàng làng Hoàng Cần - người anh hùng đã có công ngăn cản quân xâm lược phương Bắc, bảo vệ làng, bảo vệ đất nước. Ông Vi Ngọc Nhất, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Lễ hội đình Lục Nà là lễ hội đầu tiên trong mùa lễ hội xuân ở Bình Liêu. Vì vậy, cùng với các nghi lễ truyền thống, lễ hội được tổ chức lồng ghép với các hoạt động vui xuân như giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian, thi đấu các môn thể thao dân tộc. Qua đó, tạo sức hấp dẫn du khách, nhân dân tham gia, góp phần gắn kết cộng đồng.
Lễ hội mùa xuân ở Quảng Ninh là một “bảo tàng sống” được sáng tạo, trao truyền và giữ được sức sống lâu bền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, để thế hệ hôm nay hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa ngàn đời của dân tộc.
Nguồn
Comment (0)