Bộ trưởng Quốc phòng Anh khoe pháo laser “Lửa Rồng” có thể phát hiện và bắn hạ drone cũng như mục tiêu bằng đồng xu ở khoảng cách một km.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps ngày 12/11 đăng video mới giải mật về cuộc thử nghiệm vũ khí laser của quân đội nước này. Trong video, chùm tia laser cường độ cao được chiếu vào drone trên bầu trời, khiến nó phát nổ gần như ngay lập tức. Đây là lần đầu tiên xuất hiện hình ảnh khai hỏa thực tế của pháo laser “Lửa Rồng” được Anh phát triển.
“Video mới giải mật cho thấy vũ khí laser có thể hạ mục tiêu với tốc độ ánh sáng”, Bộ trưởng Shapps cho hay.
Bộ Quốc phòng Anh hồi giữa tháng 1 thông báo “Lửa Rồng” đã lần đầu tiên sử dụng chùm tia laser cường độ cao để hạ mục tiêu ở trên không trong cuộc thử nghiệm tại thao trường Hebrides ở tây bắc Scotland.
Bộ Quốc phòng Anh không tiết lộ tầm bắn của “Lửa Rồng”, song khẳng định nó có thể “tấn công bất kỳ mục tiêu nào trong tầm nhìn”. Cơ quan này cũng cho biết “Lửa Rồng” có khả năng khai hỏa với độ chính xác cao, đủ sức bắn trúng đồng xu ở khoảng cách một km.
Được giới thiệu lần đầu vào năm 2017, “Lửa Rồng” là dự án hợp tác phát triển giữa Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (Dstl), cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng Anh, và các tập đoàn vũ khí hàng đầu nước này, gồm MBDA, Leonardo và QinetiQ. “Lửa Rồng” dự kiến được biên chế cho lục quân và hải quân Anh.
Các loại vũ khí laser như “Lửa Rồng” được coi là giải pháp hiệu quả và có chi phí thấp để bắn hạ những mục tiêu như drone, thay vì sử dụng tên lửa phòng không đắt tiền để đối phó với mối đe dọa giá rẻ này.
Trong cuộc xung đột tại Ukraine, Nga thường xuyên sử dụng máy bay không người lái cỡ lớn (UAV) để tấn công tự sát vào cơ sở hạ tầng của đối phương theo dạng bầy đàn, chiến thuật gây nhiều khó khăn cho Kiev do nước này không có đủ tên lửa phòng không để đánh chặn.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết mỗi phát bắn của “Lửa Rồng” có chi phí khoảng 13 USD và việc khai hỏa khí tài này liên tục trong 10 giây chỉ có chi phí tương đương việc sử dụng máy sưởi trong một giờ.
“Điều này hoàn toàn trái ngược với với con số hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD cho mỗi phát đạn của các hệ thống phòng không tinh vi”, James Black, chuyên gia tại chi nhánh châu Âu của viện nghiên cứu RAND, trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Bộ trưởng Shapps cũng nhấn mạnh “Lửa Rồng” có tiềm năng “cách mạng hóa” phương thức chiến đấu trong tương lai, giúp giảm phụ thuộc vào các loại đạn đắt và hạn chế thiệt hại ngoài dự kiến.
Ngoài Anh, một số quốc gia khác cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực vũ khí laser. Israel đang phát triển Iron Beam, hệ thống phòng không có thể đánh chặn tên lửa, rocket và thiết bị không người lái bằng tia laser.
Quân đội Mỹ cũng cho biết đã triển khai 4 tổ hợp vũ khí laser gắn trên khung gầm thiết giáp Striker tới Trung Đông để thử nghiệm hồi đầu tháng 2.
Phạm Giang (Theo Newsweek, AFP, Reuters)