Cuộc gặp gỡ quyết định vận mệnh thế giới

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế09/02/2025

Tròn 80 năm trước, Hội nghị Yalta diễn ra, không chỉ đánh dấu sự kết thúc của Thế chiến II mà còn khởi đầu trật tự thế giới lưỡng cực, với hai quốc gia dẫn đầu là Mỹ và Liên Xô.


Hội nghị Yalta: Cuộc gặp gỡ quyết định vận mệnh thế giới
Hàng đầu từ trái sang: Thủ tướng Anh Winston Churchill, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Joseph Stalin tại Hội nghị Yalta, năm 1945. (Nguồn: Cục quản lý hồ sơ và văn khố quốc gia Mỹ).

Hội nghị Yalta, được tổ chức trong từ ngày 4-11/2/1945 tại khu nghỉ dưỡng Yalta trên bán đảo Crimea, quy tụ các nhà lãnh đạo của ba cường quốc thuộc phe Đồng minh trong Thế chiến II (tam cường hay “Big 3”) gồm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Joseph Stalin, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Cuộc gặp diễn ra khi Thế chiến II bước vào giai đoạn cuối cùng. Quân đội Đồng minh đã giành được những chiến thắng quan trọng ở châu Âu và việc khiến phe Trục (Đức, Nhật Bản, Italy) sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, những thách thức lớn vẫn còn đó, bao gồm tổ chức lại thế giới, phân chia thành quả chiến thắng cũng như cơ chế duy trì hòa bình lâu dài sau chiến tranh.

Những thỏa thuận quan trọng

Theo Văn phòng Sử gia thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ (Office of the Historian), Hội nghị Yalta đã đưa ra những quyết định quan trọng liên quan tiến trình tương lai của Thế chiến II và thế giới sau chiến tranh.

Thông cáo chung vào ngày cuối của hội nghị (11/2/1945), được Văn phòng Sử gia đăng tải, khẳng định rõ, Đức Quốc xã đã bị diệt vong. Một trong những thỏa thuận quan trọng nhất của hội nghị là việc thống nhất chia nước Đức thành bốn khu vực do các cường quốc Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô kiểm soát. Việc quản lý và kiểm soát các khu vực được phối hợp thông qua Ủy ban Kiểm soát trung ương có trụ sở tại Berlin, với thành phần gồm các Tổng tư lệnh của tam cường.

Các nhà lãnh đạo nhất trí cần tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít, giải giáp hoàn toàn nước Đức, phá hủy các cơ sở công nghiệp phục vụ quốc phòng và hạn chế khả năng phục hồi sức mạnh quân sự của quốc gia này, đồng thời trừng phạt tội phạm chiến tranh và buộc Đức bồi thường thiệt hại do chiến tranh gây ra.

Mỹ và Anh nhìn chung nhất trí về việc các chính phủ tương lai của các quốc gia Đông Âu giáp Liên Xô nên “thân thiện” với chính quyền này, trong khi Liên Xô cam kết cho phép bầu cử tự do ở mọi vùng lãnh thổ được giải phóng khỏi Đức Quốc xã.

Trong khi đó, theo bài viết Churchill, Roosevelt và Stalin đã lên kế hoạch chấm dứt Thế chiến II như thế nào? đăng tải trên trang web của Bảo tàng chiến tranh Hoàng gia Anh (iwm.org.uk), vấn đề tương lai của Ba Lan là trọng tâm đặc biệt của Hội nghị Yalta.

Cụ thể, các nhà lãnh đạo “Big 3” đã nhất trí biên giới của Liên Xô với Ba Lan được di chuyển về phía Tây đến Đường Curzon, một ranh giới được đề xuất sau Thế chiến I. Kết quả của các cuộc thảo luận đưa đến sự nhất trí về các điều kiện thành lập một chính phủ lâm thời Ba Lan mới theo cách thức có thể được tam cường công nhận.

Bên cạnh đó, Hội nghị Yalta đánh dấu bước quan trọng trong việc thành lập Liên hợp quốc (LHQ). Các nhà lãnh đạo đã ban đầu thống nhất về Hiến chương LHQ cũng như cơ cấu tổ chức và quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an, với năm thành viên thường trực khi đó.

Ở khu vực châu Á, theo Thỏa thuận về việc Liên Xô tham gia chiến tranh chống Nhật Bản do Văn phòng Sử gia của Bộ Ngoại giao Mỹ đăng tải, ba nước đã ký một biên bản, trong đó Liên Xô cam kết tham gia chống quân phiệt Nhật Bản với các điều kiện kèm theo gồm: bảo vệ nguyên trạng ở Ngoại Mông (hay Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ), trả lại Liên Xô những quyền lợi ở vùng Viễn Đông trước cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905) và quần đảo Kuril.

Nền tảng hòa bình?

Thông cáo báo chí của Hội nghị nêu rõ, Hội nghị Yalta tái khẳng định quyết tâm chung của “Big 3” trong việc duy trì và củng cố hòa bình thế giới thời hậu chiến, mang lại “sự bảo đảm rằng mọi người ở mọi vùng đất đều có thể sống trọn đời trong tự do, không sợ hãi và thiếu thốn”, mặc dù mỗi nhà lãnh đạo đến hội nghị với những ý tưởng riêng để xây dựng lại trật tự ở châu Âu thời hậu chiến.

Theo một bài báo có nhan đề Sự kết thúc của Thế chiến II và sự chia cắt châu Âu do Trung tâm Nghiên cứu châu Âu (CES) tại Đại học North Carolina đăng tải, Tổng thống Mỹ Roosevelt mong muốn Liên Xô giúp đỡ trong cuộc chiến chống quân phiệt Nhật Bản và tham gia vào LHQ. Thủ tướng Anh Churchill thúc giục tổ chức bầu cử tự do và xây dựng chính quyền dân chủ tại Trung và Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan.

Trong khi đó, Tổng Bí thư Stalin muốn Liên Xô mở rộng ảnh hưởng ở Đông và Trung Âu, coi đó là yếu tố quan trọng trong chiến lược quốc phòng của quốc gia liên bang này. Lập trường của ông cứng rắn đến mức, Ngoại trưởng Mỹ thời kỳ 1945-1947 James F. Byrnes (1882-1972) đã nhận xét: “Câu hỏi không phải là chúng ta để người Nga làm gì, mà là chúng ta có thể thuyết phục họ làm gì”.

Vì lý do đó, Hội nghị Yalta diễn ra trong bầu không khí căng thẳng và quyết liệt. Tuy nhiên, các quyết định cuối cùng được đưa ra sau khi có sự thỏa thuận và chi phối giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ.

Trong trật tự mới này, Liên Xô bảo vệ thành công sự tồn tại và phát triển của nhà nước xã hội chủ nghĩa, thu hồi lại những lãnh thổ đã mất trong chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905), đồng thời mở rộng ảnh hưởng ở châu Âu và châu Á, xây dựng một vành đai an toàn quanh đất nước. Còn Mỹ, trong trật tự mới, đã chiếm ưu thế, ảnh hưởng sâu rộng đến các cường quốc Tây Âu và Nhật Bản, chi phối tình hình quốc tế và từng bước thực hiện tham vọng “bá chủ toàn cầu”.

Theo Văn phòng Sử gia, phản ứng ban đầu đối với các thỏa thuận Yalta là ăn mừng. Tổng thống Roosevelt cũng như nhiều người Mỹ khác coi đó là bằng chứng cho thấy, tinh thần hợp tác thời chiến giữa nước này và Liên Xô sẽ được duy trì trong thời kỳ hậu chiến.

Tạp chí Time khi đó khẳng định rằng: “Mọi nghi ngờ về khả năng hợp tác trong hòa bình cũng như chiến tranh của ‘Big 3’ dường như hiện đã bị xóa tan”, còn cựu Ngoại trưởng James F. Byrnes nhận định: “Làn sóng hữu nghị Anh - Xô - Mỹ đã đạt đến tầm cao mới”.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (1923-2023) ca ngợi Yalta là một chiến lược ngoại giao xuất sắc của các lãnh đạo đồng minh, đặc biệt là của Tổng thống Roosevelt, dù có nhiều yếu tố phức tạp. Theo ông, Yalta là kết quả của sự hợp tác thực tế và cần thiết để bảo đảm sự ổn định sau chiến tranh.

Sự thành công của Yalta nằm ở chỗ ba siêu cường có thể cùng tồn tại và quản lý các vấn đề lớn trong khi vẫn giữ được lợi ích riêng biệt.

Chuyên gia về Chiến tranh Lạnh John Lewis Gaddis, hiện là Giáo sư Lịch sử quân sự và hải quân tại Đại học Yale (Mỹ), đưa ra nhận định trong cuốn sách The United States and the origins of the Cold War, 1941-1947 (Nước Mỹ và nguồn gốc của Chiến tranh Lạnh 1941-1947), Hội nghị Yalta là bước đi quan trọng trong duy trì sự hợp tác giữa các cường quốc đồng minh khi chiến tranh sắp kết thúc.

Tuy nhiên, chính Văn phòng Sử gia của Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận rằng, “tình cảm” Đồng minh này không kéo dài được lâu. Cùng với sự qua đời của Tổng thống Roosevelt vào ngày 12/4/1945, ông Harry S. Truman trở thành tổng thống thứ 33 của Mỹ và ngay cuối tháng 4/1945, chính quyền mới đã xung đột với Liên Xô về ảnh hưởng của họ ở Đông Âu và LHQ.

Từ đây, lo ngại sự thiếu hợp tác từ Liên Xô, nhiều người Mỹ bắt đầu chỉ trích cách cố Tổng thống Roosevelt xử lý các cuộc đàm phán ở Yalta. Cho đến nay, nhiều người thậm chí cáo buộc ông “giao nộp” Đông Âu cho Liên Xô, dù thực tế là Liên Xô đã đưa ra nhiều nhượng bộ đáng kể.

Nhà sử học người Anh A.J.P. Taylor (1906-1990) nhận định trong tác phẩm English History 1914-1945 (Lịch sử Anh 1914-1945), chính Hội nghị Yalta đã để lại “một châu Âu bị chia cắt và một thế giới không ổn định”.

Giáo sư Gaddis có cùng quan điểm này khi cho rằng, quyết định cho phép Liên Xô mở rộng ảnh hưởng ở Đông Âu tạo điều kiện cho sự hình thành của “Bức màn sắt” chia cắt Trung và Đông Âu với phần còn lại của lục địa, cũng như khởi đầu của Chiến tranh Lạnh vào năm 1947.

Về phía Nga, trong một bài phỏng vấn với trang tin Top war của Nga vào năm 2015, nhà sử học đồng thời là nhà ngoại giao Liên Xô Valentin Falin (1926-2018) đánh giá, Hội nghị Yalta là cơ hội tốt nhất cho các dân tộc từ thời cổ đại.

Ông trích dẫn lời của Tổng thống Mỹ Roosevelt phát biểu trước Quốc hội ngày 1/3/1945 về thỏa thuận Yalta giữa Mỹ, Anh và Liên Xô rằng: “Đó không thể là hòa bình của các nước lớn hay các nước nhỏ. Nó phải là hòa bình dựa trên nỗ lực chung của toàn thế giới”. Tuy nhiên, theo ông Falin, thế giới mà Tổng thống Roosevelt mô tả không đáp ứng được kỳ vọng của các thành phần đối địch ở Washington, dẫn đến nguy cơ “hợp tác giữa Liên Xô và Mỹ có thể sẽ bị phá vỡ…”.

Ngay chính Tổng Bí thư Stalin cũng đã cảnh báo vấn đề này từ Hội nghị Yalta khi ông tuyên bố: “Chúng ta không cho phép những khác biệt nguy hiểm xảy ra... Nhưng 10 năm nữa sẽ trôi qua hoặc có thể ít hơn. Một thế hệ mới sẽ xuất hiện, những người chưa trải qua mọi điều mà chúng ta đã trải qua, có thể sẽ nhìn nhận nhiều vấn đề khác với chúng ta”.

Và rõ ràng, phe Đồng minh đã không bảo vệ được mối quan hệ trong Hội nghị Yalta cho đến cùng, khi chỉ hai năm sau đó, Chiến tranh Lạnh nổ ra giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô.



Nguồn: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-yalta-cuoc-gap-go-quyet-dinh-van-menh-the-gioi-303400.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available