Theo tính toán mới nhất, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã nâng gấp đôi xác suất trái đất va chạm với một tiểu hành tinh vào năm 2032.
Hành trình của tiểu hành tinh 2024 YR (vòng xanh) theo quan sát của NASA
Ngày 22.12.2032, trái đất bất đắc dĩ sẽ đón "khách không mời" là tiểu hành tinh 2024 YR ghé thăm. Được phát hiện năm ngoái, tiểu hành tinh này có bề ngang khoảng 90 m.
Trong quá trình tiểu hành tinh này đến gần địa cầu, nguy cơ va chạm trái đất xuất hiện, mà nếu xảy ra có thể đe dọa sự sống trên bề mặt hành tinh chúng ta.
Xác suất 2024 YR tấn công trái đất vừa được điều chỉnh tăng gấp đôi, theo tờ Independent (Anh) hôm 8.2.
Số liệu cách đây 1 tuần theo tính toán Trung tâm nghiên cứu các thiên thể gần trái đất (CNEOS) thuộc NASA dự đoán xác suất va chạm là 1%, nhưng con số này giờ đây hiện được nâng lên 2,3%.
NASA cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu tiểu hành tinh và cho rằng xác suất sẽ được điều chỉnh một khi các chuyên gia nắm thêm nhiều thông tin về 2024 VR.
"Có một vài thiên thể trong quá khứ từng leo thang trên danh sách nguy cơ trở thành "sát thủ hành tinh" và dần dần được loại bỏ khi có nhiều dữ liệu hơn", theo NASA, thêm rằng không loại trừ nguy cơ trong tương lai sẽ lùi về đến ngưỡng 0%.
2024 YR lần đầu được phát hiện vào ngày 27.12.2024. Vài ngày sau, giới thiên văn bắt đầu chú ý đến đối tượng trên sau khi 2024 YR được đưa vào danh sách các tiểu hành tinh gần trái đất và có nguy cơ va chạm địa cầu.
Vào thời điểm hiện tại, 2024 YR được xếp mức 3 trên 10 của Thang đo Nguy cơ Va chạm Torino. Tiểu hành tinh duy nhất được xếp cao hơn 2024 YR4 là tiểu hành tinh Apophis, vốn gây chấn động toàn thế giới vào năm 2004.
Ban đầu Apophis được xếp mức 4/10, trước khi được hạ thấp vì các quan sát cho thấy tiểu hành tinh này không thể đe dọa trái đất trong vòng ít nhất 1 thế kỷ.
2024 YR đã kích hoạt cơ chế ứng phó đến từ 2 tổ chức được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn. Thứ nhất là Mạng lưới cảnh báo tiểu hành tinh quốc tế (gồm các tổ chức và cá nhân hoạch định nỗ lực phòng thủ không gian trên toàn cầu) và thứ hai là Nhóm tư vấn lập kế hoạch cho sứ mệnh không gian (gồm các nước thành viên Liên Hiệp Quốc có cơ quan không gian).
Nguồn: https://thanhnien.vn/xac-suat-dia-cau-trung-tieu-hanh-tinh-trong-nam-2032-vua-tang-gap-doi-185250209103416055.htm
Bình luận (0)