Theo Business Insider ngày 14.4, loại khí tài laser này có tên DragonFire dự kiến được triển khai vào năm 2027. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết ông hy vọng quá trình sản xuất nhanh hơn để vũ khí này có thể được sử dụng trên tiền tuyến Ukraine.
Phát biểu với các nhà báo trong chuyến thăm Trung tâm nghiên cứu quân sự bí mật Porton Down (Salisbury, Anh), ông Shapps phát biểu rằng: “Tôi đến đây để thúc đẩy tăng tốc độ sản xuất hệ thống laser DragonFire vì tôi nghĩ rằng có 2 cuộc xung đột lớn đang diễn ra, một trên biển và một ở châu Âu. Điều này có thể gây ra những hậu quả to lớn, và cần thiết có một loại khí tài có khả năng đặc biệt nhằm bắn hạ các UAV”.
Bình luận trên được đưa ra sau khi Anh thực hiện thành công cuộc thử nghiệm laser đánh trúng mục tiêu trên không vào tháng 1 vừa qua.
Vào tháng 3, Anh công bố đoạn phim về trình diễn vũ khí laser DragonFire mới. Sau đó, nghị sĩ Ukraine Oleksiy Goncharenko nói với Newsweek rằng đất nước của ông đã “sẵn sàng thử nghiệm” DragonFire trên chiến trường.
Tổ hợp vũ khí laser DragonFire của Anh bắn thử
Thêm vào đó, cựu Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko cho hay vào thời điểm đó trong một bài đăng trên nền tảng X rằng Ukraine “sẵn sàng tiếp nhận và thử nghiệm hoạt động của tổ hợp laser như vậy trên tiền tuyến”.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Shapps thì nhấn mạnh: “Hãy nói rằng hệ thống laser không cần phải hoàn hảo 100% thì Ukraine mới có thể chạm tay vào. Nó không được thiết kế hoàn hảo 99,9% mới triển khai trên tiền tuyến, mà chỉ cần đạt 70% là có thể sử dụng và nâng cấp thêm từ chiến trường”.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, DragonFire có thể bắn vật thể có kích thước bằng một đồng xu nhỏ cách xa 1.000 m, và chi phí 1 lần bắn là 12,52 USD (315 nghìn đồng). Đồng thời, loại vũ khí này có thể cung cấp giải pháp thay thế lâu dài với chi phí thấp để bắn hạ UAV.
Anh không phải là quốc gia duy nhất phát triển vũ khí laser. Nga cũng đã sử dụng vũ khí laser để bắn hạ UAV của Ukraine, tuy nhiên loại vũ khí này đôi khi gặp trở ngại từ thời tiết.