Lo lắng vì xung đột Nga-Ukraine kéo dài, nhiều người kỳ vọng Tổng thống Donald Trump sẽ thúc các bên đóng băng chiến sự, ngồi vào bàn đàm phán.
Liệu ông chủ Nhà Trắng có tạo ra phép màu, “tặng quà cho Nga”? Con đường đàm phán ra sao? Khó giải đáp đầy đủ một vấn đề lớn, phức tạp, nhưng có thể phác thảo đôi điều.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc các bên đóng băng chiến sự, ngồi vào bàn đàm phán? (Nguồn: Getty) |
Phần chìm của tảng băng
Xung đột ở Ukraine là phần nổi của “tảng băng” có khối chìm đồ sộ. Đang và sẽ còn tranh cãi về nguyên nhân, bản chất xung đột. Nhưng tuyên bố của một số lãnh đạo và động thái của thành viên EU, NATO cho thấy mục đích, ý đồ của họ. Dù cố tránh hoạt động dưới danh nghĩa khối, nhưng NATO chính là tác giả, đạo diễn kịch bản “chiến lược hướng Đông” nhằm bao vây, cô lập, làm suy yếu, tan rã Nga. Họ tung ra không ít đòn đánh “dưới thắt lưng”.
Kiev là quân chốt trong thế cờ mà NATO, phương Tây dày công giăng ra. Vấn đề Ukraine đã nhen nhóm từ cuộc biểu tình Maidan cách đây hơn 10 năm. Chính quyền và người dân có thể biện minh cho lựa chọn của mình, nhưng hậu quả thì không che giấu được. Thay đổi là điều không sai, nhưng quan trọng là vì ai và bằng cách nào. Thực tế, các nước diễn ra “cách mạng màu” đều sa vào bất ổn kéo dài, thậm chí là nội chiến.
Đối với Nga, chiến dịch quân sự đặc biệt là bắt buộc vì an ninh, sự tồn vong quốc gia. Tên hoạt động quân sự phần nào cho thấy Moscow cũng không lường hết sự phức tạp, kéo dài của nó. Với yếu tố bất ngờ, qua những tuần đầu, quân đội Nga tạo được thế áp đảo, tại các mục tiêu quan trọng và quanh thủ đô Kiev. Nhưng khi Moscow rút quân, tạo môi trường cho cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, thì Thủ tướng Anh tác động khiến nỗ lực đổ vỡ. Chiêu hoãn binh theo kiểu thỏa thuận Minsk II tái lặp.
Thực chất, xung đột ở Ukraine là cuộc chiến phức hợp, toàn diện về an ninh, kinh tế, công nghệ, chính trị, ngoại giao, truyền thông, pháp lý giữa EU và NATO với Nga. Xung đột đặt ra nhiều vấn đề về chiến lược quốc phòng, nghệ thuật quân sự, vũ khí phương tiện… cần thay đổi. Moscow cũng tìm cách liên kết, hợp tác, nâng cấp quan hệ với đồng minh, đối tác. Chừng mực nào đó, xung đột là biểu hiện cụ thể sự va chạm giữa trật tự thế giới đơn cực do Mỹ, phương Tây chi phối (có điều chỉnh thích ứng) với xu thế tìm kiếm một trật tự mới công bằng hơn.
Xung đột ở Ukraine động chạm đến những vấn đề lớn về địa chính trị, cạnh tranh lợi ích, quan hệ giữa các nước lớn, “chiến lược Đông tiến” của NATO... Vì thế, việc chấm dứt xung đột không thể chỉ nhằm vào phần nổi, qua vài tuần, tháng, mà phải đi từng bước, giải quyết tận gốc rễ, “cả gói” giữa Nga với phương Tây, NATO do Mỹ dẫn dắt.
Thực chất, xung đột ở Ukraine là cuộc chiến phức hợp, toàn diện về an ninh, kinh tế, công nghệ, chính trị, ngoại giao, truyền thông, pháp lý giữa EU và NATO với Nga |
Màu sắc kinh tế ngày càng rõ
Kiev đang và sẽ phụ thuộc rất lớn vào phương Tây, nên khi cuộc xung đột vẫn tiếp diễn, một số nước đã tính chuyện lâu dài. “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Ngày 16/1, Anh ký “thỏa thuận trăm năm” với Ukraine, thể hiện sự ủng hộ kiên định, lâu dài của London với Kiev. Hợp tác an ninh, quân sự đậm đặc với mức viện trợ không ít hơn 3 tỷ Bảng/năm cho tới khi nào còn cần thiết, để giữ Kiev đứng vững trước Nga, phản ứng nội bộ và nằm trong vòng tay của London. Sự hiện diện lâu dài, nhiều mặt của Anh ở Ukraine đi cùng với lợi ích kinh tế hấp dẫn.
Mỹ mới là người hưởng lợi nhất. Đằng sau gói viện trợ là lợi nhuận khổng lồ từ hợp đồng cung cấp vũ khí, loại hàng hóa đặc biệt không mặc cả (Tổng thống Volodymyr Zelensky đã xác nhận). Tổng thống Donald Trump cũng không giấu diếm yêu cầu Kiev cung cấp khoáng sản hiếm (lithium, titan, beryli, urani…) đổi lấy viện trợ vũ khí tiếp từ Washington. Trước đó, Kiev đã đưa yếu tố này vào “kế hoạch chiến thắng” của mình. Có điều, phần đáng kể tài nguyên lại thuộc vùng Nga đang kiểm soát.
Một khi lợi nhuận cao, phương Tây không từ bỏ bất cứ biện pháp nào để giành lấy. Tuy nhiên, thỏa thuận, hiệp định trao đổi giữa Mỹ, phương Tây với Kiev còn phụ thuộc vào mô hình chính trị - xã hội, thể chế tương lai của Ukraine. Kinh tế là con bài mặc cả trong giải quyết vấn đề Ukraine.
Địa điểm xảy ra vụ tấn công bằng tên lửa của Nga vào một tòa nhà dân cư ở Poltava, miền Trung Ukraine, khiến 11 người thiệt mạng và 16 người bị thương. (Nguồn: EPA) |
Mỹ không buông, cần và có thể làm gì
Mỹ khởi xướng, dẫn dắt “chiến lược hướng Đông” của NATO, thông qua các công cụ, sự can dự của “đội quân châu Âu” làm suy yếu đối thủ, duy trì vai trò, lợi ích chiến lược toàn cầu. Nên Washington không buông vấn đề Ukraine mà giải quyết nó theo cách của mình, chi phí thấp mà hiệu quả nhiều mặt cao.
Giải quyết xung đột Ukraine, cái lợi lớn nhất của Mỹ là duy trì vai trò “ô an ninh” ở châu Âu; vị thế nhà đàm phán hòa bình số một và rảnh tay đối phó với Trung Quốc, đối thủ hệ thống, toàn diện, thách thức ngôi vị số một, nhưng luôn khó chơi. Wasington cần và có thể làm gì?
Moscow cho rằng, Washington cần có hành động và kế hoạch cụ thể. Theo hé lộ, Mỹ chủ trương treo vấn đề Ukraine gia nhập NATO; giữ hiện trạng chiến trường, đóng băng chiến sự, rút quân khỏi một số khu vực; dỡ bỏ lệnh cấm vận Nga trong 3 năm, sau khi ký thỏa thuận hòa bình. Có tin, Mỹ và phương Tây tính đến phương án thay thế lãnh đạo Kiev.
Nếu Mỹ và phương Tây thực sự dừng viện trợ, dù là có điều kiện, vẫn sẽ là xúc tác có lợi để giải quyết vấn đề Ukraine. Nhưng Kiev sẽ khó đứng vững, bảo đảm lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ ở Ukraine. Nên Washington không tự trói tay mình, mà gắn với những điều kiện Moscow khó chấp nhận hoặc tiếp tục viện trợ dưới những hình thức khác.
Nhưng Mỹ không thể một mình quyết định hết thảy, muốn làm gì cũng được. Quan điểm Nga suy yếu, khó khăn sẽ phải nhượng bộ không có cơ sở chắc chắn. Moscow có thể thỏa hiệp đến đâu là câu hỏi khó.
Nhượng bộ “đổi lấy quà” và đâu là nhân tố quyết định
Nga hoan nghênh ý tưởng đàm phán giải quyết xung đột. Đó là nhân tố tích cực, nhưng không phải là quà của Tổng thống Donald Trump, mà là thứ trao đổi theo kiểu “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, Moscow không chấp nhận giải pháp nửa vời “đóng băng xung đột” (thực chất là kế hoãn binh) mà tìm giải pháp cả gói, cụ thể, có ràng buộc pháp lý.
Nhân tố quyết định kết cục đàm phán vẫn là cục diện chiến trường đang có lợi cho Nga; khả năng trụ vững về kinh tế, giữ ổn định xã hội và mở rộng, nâng chất liên kết, hợp tác với đồng minh, đối tác của Moscow. Dù gặp không ít khó khăn, nhưng Nga không vội. Tiến từ từ, chậm mà chắc. Kiên trì cũng là nghệ thuật đấu trí.
Tổng thống Volodymyr Zelensky muốn đàm phán 4 bên (nếu diễn ra), nhưng nhân vật chủ chốt là đại diện Mỹ và Nga. Moscow vẫn giữ các điều kiện tuyên bố từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt cũng như trong thỏa thuận suýt thành ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ tháng 4/2022; yêu cầu Mỹ, phương Tây dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt, thiết lập quan hệ công bằng với Nga, trong đó có vấn đề thương mại, công nghệ, năng lượng, đường ống dẫn khí đốt...
Kiểu xung đột phức tạp, liên quan đến nhiều bên, kéo dài, thường kết thúc trên bàn đàm phán. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin (sớm nhất có thể trong tháng 2 hoặc tháng 3) hy vọng khởi đầu cho những bước tiến. Hai bên sẽ tranh cãi, mặc cả các vấn đề cốt lõi, nhiều khác biệt như đã tuyên bố. Khó đồng thuận lớn, nhưng có thể mở ra định hướng cho các bước tiếp theo.
Dù sao, chấp nhận gặp gỡ, trao đổi về quan hệ, đàm phán giải quyết xung đột cũng là bước đột phá. Cuộc chiến trên bàn hội nghị sẽ vô cùng quyết liệt, phức tạp, lâu dài và khó đoán định, mà cốt lõi là mức độ thỏa hiệp. Điều mà Moscow có khả năng nhượng bộ là một cơ chế đảm bảo an ninh nhiều bên gồm cả Nga (không chấp nhận lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO), cho một chính quyền mới ở Ukraine trung lập. Tổng thống Donald Trump là nhà đàm phán lão luyện. Chờ xem Mỹ đi xa đến đâu.
Nguồn: https://baoquocte.vn/qua-den-tu-dau-hay-ai-quyet-dinh-ket-cuc-xung-dot-o-ukraine-303650.html
Bình luận (0)