Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM bị sinh viên phản ứng về mức học phí mới – tăng 20% so với trước.
Trong buổi sinh hoạt định hướng tân sinh viên đầu tháng 9, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM thông báo học phí chương trình chuẩn với tân sinh viên dao động 13-16,25 triệu đồng một học kỳ.
Với các khóa trước, học phí được tính dao động 693.000-827.000 đồng mỗi tín chỉ. Trong khi đó, học phí năm ngoái khoảng 555.000 đến 652.000 đồng một tín chỉ.
Biết tin, nhiều sinh viên bức xúc, để lại bình luận trên fanpage chính thức của trường và các diễn đàn mạng xã hội.
Thanh Phong, sinh viên năm thứ hai, cho biết mức thu mỗi tín chỉ với ngành kỹ thuật tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Theo nam sinh, đây là mức tăng quá cao và khác với cam kết của trường khi tư vấn tuyển sinh.
“Một trong những tiêu chí chọn trường là học phí phù hợp. Lúc trước trường cam kết không tăng quá 10% nhưng bây giờ tăng không phanh. Sinh viên khó khăn làm sao chi trả nổi”, Phong nói.
Thu Hương, tân sinh viên ngành Quản lý công nghiệp của trường, cũng ngỡ ngàng với mức học phí phải nộp. Nữ sinh cho biết không xem đề án tuyển sinh nhưng tìm hiểu thông tin học phí qua các kênh tư vấn và sinh viên đang học tại trường.
“Nghĩ học phí có tăng cũng chỉ tăng khoảng 10% nên em lấy mức học phí lúc đó tự cộng trừ, thấy phù hợp với kinh tế gia đình mới đăng ký vào trường. Không ngờ, học phí tăng quá mạnh”, Hương chia sẻ.
Trả lời VnExpress ngày 13/9, đại diện nhà trường cho biết sẽ tổ chức đối thoại với sinh viên về học phí vào ngày 16/9.
Theo ông, học phí khóa tuyển sinh 2023 đã được công bố trong đề án tuyển sinh. Với các khóa trước, mức học phí như trên chỉ là tạm thời. Trường chưa thu vì còn chờ kết luận của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Riêng chương trình chất lượng cao, trường giữ mức thu cũ 28-46 triệu đồng mỗi năm, như đã cam kết.
Vị này nói trường đã tự chủ hoàn toàn (tự chi thường xuyên và chi đầu tư) và sẽ thực hiện đúng quy định nếu tăng học phí. Ông cho hay, hiện trường xác định chi phí đào tạo một sinh viên ngành Kỹ thuật là 29 triệu đồng một năm. Chi phí này với sinh viên kinh tế khoảng 26 triệu đồng. Như vậy, mức thu học phí với tân sinh viên là tương đương với chi phí đào tạo.
“Các năm trước, trường thu học phí thấp là vì chưa xây dựng đề án định mức kinh tế – kỹ thuật. Hiện nay, trường đã xác định chi phí đào tạo từng sinh viên theo mỗi ngành nghề nên phải thu đúng để trang trải kinh phí”, ông cho hay.
Đại diện trường cũng nói thêm sau hai, ba năm không tăng học phí, trường gặp nhiều khó khăn để đầu tư, nâng cấp thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, chi phí vận hành. Nhà trường vận dụng nhiều cách từ kêu gọi hỗ trợ, huy động nguồn lực doanh nghiệp để trang bị hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành, máy lạnh ở các phòng học.
“Trong khối kỹ thuật nói chung, học phí của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM vẫn thấp hơn các trường khác. Người học cũng phải xác định, đại học là một cơ hội, học phí đại học một khoản đầu tư cho tương lai”, ông nói.
Trường Đại học Sư phạm TP HCM cho biết dự kiến trích lập quỹ hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên khó khăn và cấp học bổng khuyến khích học tập.
Hồi cuối tháng 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 về học phí.
Theo dự thảo, học phí mầm non, phổ thông, đại học năm học 2023-2024 áp dụng mức trần của năm học 2022-2023, tức lùi một năm so với lộ trình tăng học phí mà Nghị định 81 đề ra.
Nếu phương án này được thông qua, trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học tới là 1,2-2,45 triệu đồng một tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu đồng. Mức thu hiện nay là 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng một tháng.
Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất…), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức 2,4-6,15 triệu đồng một tháng. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, các đại học được tự xác định học phí.
Lệ Nguyễn
* Tên sinh viên đã được thay đổi