Tiếp xúc với đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND các cấp ở đâu cũng nghe nhắc đến bất cập về SGK, bởi cử tri, nhân dân đối mặt hàng ngày với vấn đề này. Ông Đinh Văn Bé (ngụ xã Tân Phú, huyện Châu Thành) bày tỏ: “Chúng ta thường nói, giáo dục là quốc sách hàng đầu, điều này hoàn toàn đúng. Nhưng hiện nay, việc mua SGK đầu năm học cho con em đã đủ vất vả, chưa kể chương trình học chưa phù hợp. Đề nghị Trung ương xem lại vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh tiếp cận kiến thức”.
Ông Nguyễn Văn Tùng (ngụ thị trấn Vĩnh Bình, huyện Châu Thành) khẳng định, quá trình chuyển đổi SGK rất được người dân quan tâm. Nhà nghiên cứu, nhà khoa học “vắt óc” viết sách truyền đạt tinh hoa kiến thức cho thế hệ trẻ là điều đáng ghi nhận, hoan nghênh. “Tuy nhiên, SGK được biên soạn thành nhiều bộ khác nhau, mức giá không rẻ, tạo thành gánh nặng cho phụ huynh, học sinh. Người lao động, nông dân nghèo muốn cho con đi học là cả vấn đề. Đáng lẽ, với hàm lượng chất xám nhiều như vậy, SGK phải được lưu trữ, truyền tay từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vậy mà, nhà có 2 đứa con học cách nhau 1 năm, đứa em không thể học sách của anh chị, quá lãng phí. Tôi đề nghị, nên biên soạn 1 bộ sách sử dụng lâu dài”.
Cả nước bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1, năm học 2020 – 2021. Các năm sau, lần lượt lớp 2, 3, 6, 7, 10 học theo chương trình mới. Lộ trình thay sách “cuốn chiếu” được thực hiện song song, theo chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK”, bỏ độc quyền xuất bản. Quá trình triển khai, vướng mắc xuất hiện, khi địa phương, trường học lúng túng, không biết nên chọn sách của nhà xuất bản nào, còn phải nghĩ tới phản ứng của người dân, phụ huynh về giá cả từng loại sách.
Gây tranh cãi nhất là khi giá SGK cao gấp 2 – 3 lần sách cũ. Chẳng hạn, bộ sách lớp 3 giá gần 200.000 đồng, trong khi bộ cũ chưa đến 60.000 đồng. Sách lớp 7 giá hơn 200.000 đồng, cao hơn 80.000 đồng. Sách lớp 10 có thể lên đến 300.000 đồng (tùy tổ hợp môn học), cao hơn bộ cũ 140.000 đồng. Báo cáo chuyên đề giám sát về SGK cuối năm 2022 với Đoàn ĐBQH tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Trần Thị Ngọc Diễm khẳng định: “Giá SGK có cao hơn so trước đây. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các cơ sở giáo dục, phần lớn cha mẹ học sinh trang bị được SGK cho con em học tập, chỉ một số gia đình thuộc vùng sâu, miền núi than phiền về giá SGK. Đề nghị xem xét có chính sách hỗ trợ giá cho SGK, đặc biệt là SGK bậc tiểu học, đảm bảo phù hợp điều kiện kinh tế của người dân”.
Mặt khác, tỉnh gặp một số vướng mắc. Điển hình như, thời điểm công bố kết quả lựa chọn SGK khá dài, sau khi lựa chọn được danh mục thiết bị đầu tư thường bước vào quý II năm tài chính (thời điểm đã giao dự toán năm tài chính mới), khó bổ sung kinh phí sử dụng riêng cho việc mua sắm, bổ sung trang thiết bị phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Mặt khác, mỗi đơn vị lựa chọn SGK khác nhau, dẫn đến hình ảnh minh họa, thiết bị khác nhau. Thiết bị theo hướng dẫn ít được giáo viên sử dụng, như: Tranh ảnh, video… vì có thiết bị thay thế (ti-vi kết nối mạng Internet), nếu mua sắm sẽ lãng phí. Đối với SGK lớp 10 năm học 2022 – 2023, 1 trường có nhiều tổ hợp môn, học sinh phải mua sách theo tổ hợp môn đã chọn. Nhà sách không thể gói tất cả SGK để bán theo bộ như trước đây; tâm lý phụ huynh chưa quen với việc mua sách theo danh mục của trường thông báo.
Vấn đề SGK lại tiếp tục “nóng” lên sau ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng) tại buổi thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ở các kỳ họp trước, bà Nguyễn Thị Kim Thúy từng trao đổi về việc mua SGK trở thành gánh nặng cho phụ huynh học sinh. Nguyên nhân chính do các đơn vị phát hành sách (thông qua nhà trường) bao giờ cũng bán SGK kèm số lượng sách tham khảo rất lớn. Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến trên, ban hành chỉ thị yêu cầu chấm dứt tình trạng đóng gói chung SGK và sách tham khảo; không còn tình trạng buộc học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.
“Tại kỳ họp thứ 4, trong phiên thảo luận, tôi đề nghị Luật Giá (sửa đổi) cần quy định giá SGK dưới hình thức khung giá (bao gồm giá tối đa và giá tối thiểu) như các mặt hàng khác được nhà nước định giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng ban soạn thảo dự thảo Luật Giá (sửa đổi) Hồ Đức Phớc phát biểu trước Quốc hội tiếp thu ý kiến này. Tuy nhiên, dự thảo luật trình Quốc hội lần này để xem xét thông qua, không phản ánh ý kiến tiếp thu trên; cũng không giải trình” – ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đặt vấn đề.
Cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt vi phạm liên quan đến công tác quản lý nhà nước về SGK, giai đoạn 2014 – 2018. Bộ GD&ĐT thiết kế một số bảng số liệu để trống, học sinh có thể viết vào SGK. Dù đã yêu cầu cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên hướng dẫn học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách; nhưng việc sử dụng lại SGK chỉ khoảng 35%. Giai đoạn này, 73/193 cuốn SGK (học sinh có thể viết vào) được in, phát hành, bán hơn 303 triệu bản. Nếu tính 65% SGK có trang sách học sinh có thể viết vào, không dùng lại được, giá trị lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội lên gần 2.400 tỷ đồng.
Khi nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến hiệu quả, tính lâu dài của SGK, Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành liên quan cần để tâm lưu ý, sớm tìm giải pháp tháo gỡ, để phụ huynh yên tâm lo cho con đi học, không còn “vừa học vừa lo” như thế này nữa.