Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang. Ảnh: TTXVN.
Nhận định trên được đưa ra trong báo cáo “Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”, qua phân tích số liệu khảo sát đối với 355 doanh nghiệp ở 46 tỉnh/thành phố và thảo luận nhóm với 9 hiệp hội doanh nghiệp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (từ 18/8 – 13/9/2022) cùng 11 cơ quan thực thi chính sách.
Khảo sát cho thấy những tín hiệu hồi phục của doanh nghiệp trong năm 2022 như mức tăng trưởng doanh thu tốt (10,4%). Tuy nhiên, phân tích sâu dữ liệu, mức tăng trưởng này đạt được là nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp do sự sụt giảm mạnh trong thời gian diễn ra dịch COVID-19. Theo tính toán từ số liệu của các doanh nghiệp khảo sát, mức tăng trưởng thực tế của năm 2022 bằng 0,8% so với năm 2019, tức là mới chỉ gần trở về mức trước khi xảy ra dịch bệnh. Điều đó đặt ra vấn đề cần có các biện pháp từ Nhà nước để hỗ trợ, thúc đẩy cho mức tăng trưởng tiếp tục tăng hơn nữa trong các năm tiếp theo.
Chín nhóm thách thức được liệt kê bởi doanh nghiệp gồm: Lạm phát/giá cả hàng hóa/nguyên vật liệu tăng cao; rủi ro về khủng hoảng và sự gia tăng chi phí trực tiếp từ nhà cung cấp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu do tay nghề thấp/thiếu kỹ năng; các hoạt động dịch vụ hậu cần (logistics) khó khăn và/hoặc không đảm bảo; thiếu hụt lao động; sự thay đổi và thiếu minh bạch về các quy định liên quan đến quản trị/môi trường/xã hội; rủi ro liên quan đến công nghệ/kỹ thuật số và an ninh mạng; rủi ro về đạo đức/pháp lý/uy tín của nhà phân phối/bên trung gian và đại lý; khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Trong đó, 3 thách thức lớn nhất trong năm 2022 – 2023 là lạm phát/giá cả hàng hóa/nguyên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến 70,1% tổng số doanh nghiệp khảo sát; rủi ro về khủng hoảng và sự gia tăng chi phí trực tiếp từ nhà cung cấp, ảnh hưởng đến 62,3% tổng số doanh nghiệp khảo sát và chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu do tay nghề thấp/thiếu kỹ năng, ảnh hưởng đến 33,2% tổng số doanh nghiệp khảo sát.
So sánh đối chứng kết quả này với các nghiên cứu khác cho thấy có những kết quả tương đồng, như khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào quý II/2022 nhận định rằng các chi phí logistics, chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vốn là những gánh nặng bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp; hay báo cáo Chỉ số Môi trường kinh doanh do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố vào tháng 9/2022, có đến 1/3 số doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội gặp cản trở lớn trong các vấn đề liên quan đến nguồn cung lao động.
Khó khăn về tài chính tiếp tục là một khó khăn lớn cho doanh nghiệp sau khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ với hơn một nửa (52,3%) số doanh nghiệp được khảo sát trong năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính vẫn ở mức cao so với thời điểm năm 2019, thời điểm trước khi dịch bùng phát.
Những nguyên nhân dẫn đến khó khăn về tài chính của doanh nghiệp vẫn là những nguyên nhân truyền thống tồn tại cả trước và trong thời gian dịch COVID-19, gồm: Tồn đọng các khoản phải thu, chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao, lãi vay tăng cao và suy giảm khả năng thanh toán các khoản vay/nợ đến hạn. Trong bối cảnh biến động lớn về chính trị do xung đột Nga – Ukraina và kinh tế thế giới hậu dịch bệnh hay chính sách phòng, chống dịch COVID của Trung Quốc, các hiệp hội doanh nghiệp được khảo sát đều thống nhất rằng những khó khăn này đang trầm trọng thêm và có thêm các khó khăn mới (như giá vận chuyển, nhu cầu mua sắm thay đổi…), ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp ở nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Theo báo cáo của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), giá cước vận tải đường biển tăng cao hơn gấp 5 lần so với trước đây khiến nhiều khách hàng nước ngoài của doanh nghiệp liên tục dời ngày xuất hàng, trì hoãn nhận hàng dẫn đến ảnh hưởng dòng tiền của doanh nghiệp.
Báo cáo “Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19” do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). LinkSME hỗ trợ nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các chính sách này nhằm tìm kiếm những bài học kinh nghiệm trong thiết kế, triển khai thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Nghiên cứu kỳ vọng có thể đưa ra các đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ về các sửa đổi hoặc cải thiện việc thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện hành liên quan đến phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19, nâng cao khả năng tiếp cận với các gói hỗ trợ của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nghiên cứu, tham khảo báo cáo này để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.