Trẻ em làng Đường Lâm khoe tranh vẽ của mình tại “Đoài Creative”.
“Đất hai vua” – chỉ nghe danh thôi – dường như đã thấy thổ ngơi nơi đây gói trọn những gì là tinh hoa nhất của văn hóa xứ Đoài mây trắng! Dẫu vậy, Đường Lâm từng đứng trước sự giằng co của những nếp nhà xưa với chuyện cơm áo, gạo tiền, chia lô, tách hộ… ở thời công nghệ 4.0.
Để rồi, giờ đây, nhiều nếp nhà mới (nhưng với mái ngói nâu trầm mặc, hài hòa với những rêu phong của ngôi làng cổ đặc trưng Bắc Bộ) và cả những nếp nhà xưa được cải tạo, nâng cấp trước sự tàn phá của thời gian… đang cho thấy Đường Lâm đang tìm được đúng “lối đi”…
Đi qua cổng làng Mông Phụ một quãng ngắn, người ta không khỏi ấn tượng trước một chiếc cổng gạch mộc. Một phần tư đường tròn của tang giếng bằng gạch đá ong, được chủ nhân cho xây kiểu cuốn vòm làm lối ra vào cho ngôi nhà. “Chắc hẳn mọi người sẽ có một cảm giác vừa lạ, vừa quen. Ở làng xưa nhà ai chả có giếng? Những tang giếng (có nơi gọi là “khăn giếng”) xưa được xây bằng gạch cuốn.
Mình chỉ làm một động tác đơn giản là “lôi” một góc cái tang giếng ấy lên làm cổng. Đấy chính là cách mình đưa mọi người trở về với những giá trị xưa cũ của làng”, kiến trúc sư Khuất Văn Thắng rủ rỉ kể về ngôi nhà của mình. Mở cánh cổng ấy ra, người ta sẽ bước vào một không gian trầm tĩnh với mầu xanh của cây, mầu nâu của ngói, của gạch mộc, màu thời gian của những cánh cửa, cây cột gỗ cũ.
Mình chỉ làm một động tác đơn giản là “lôi” một góc cái tang giếng ấy lên làm cổng. Đấy chính là cách mình đưa mọi người trở về với những giá trị xưa cũ của làng.
Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng
Đó là một ngôi nhà hai tầng. Những cây cột gỗ và cả một bộ đầu hồi gỗ được đưa vào trang trí trong nhà khiến người ta quên đi cảm giác tầng một được đổ trần. Ngoài không gian làm việc, tiếp khách, ở tầng một chủ nhân dành hai phòng cho bạn bè và du khách lưu trú theo hình thức kinh doanh homestay. Người ta cũng không thể không ấn tượng với nền đất của ngôi nhà.
Chiếc cầu thang gỗ lắt léo dẫn lên tầng hai là nơi ở của gia đình. Toàn bộ kiến trúc tầng hai bằng gỗ, với mái ngói vảy cá đỏ nâu. Chiếc cầu thang còn có một điểm nhấn thú vị là chiếu nghỉ làm bằng một chiếc thuyền nan úp ngược – nơi người ta có thể ngồi hóng gió.
Sau khi thuê lại trong thời gian dài hạn, kiến trúc sư Khuất Văn Thắng đã cải tạo ngôi nhà cũ thành một studio, nơi anh làm việc, đồng thời, tạo điểm tham quan cho khách khi đến Đường Lâm. Anh đặt tên nơi này là NoK Studio (No là viết tắt của Number; K là chữ cái đầu của họ Khuất). Bây giờ, NoK Studio là một điểm đến ưa thích của nhiều khách du lịch khi ghé thăm làng cổ Đường Lâm.
Khuất Văn Thắng không phải người Đường Lâm, nhưng là người con của xứ Đoài. Văn hóa xứ Đoài thẩm thấu trong anh từ thơ bé. “Tại sao mình chọn Đường Lâm chứ không phải một nơi khác? Đó không đơn thuần là câu chuyện kinh tế. Nếu vì kinh tế mình có nhiều cách khác. Có nhiều giá trị của văn hóa xứ Đoài ngay cả người Đường Lâm còn chưa nhận thức đầy đủ.
Mình đến nơi này, tạo dựng một không gian có sự kế thừa, nằm trong dòng chảy chung của văn hóa làng cổ Đường Lâm. Người dân khi đó sẽ nhận thấy, người nơi khác còn trân trọng, khai thác giá trị làng cổ. Họ sẽ nghĩ về chính mình, giá trị văn hóa mà họ đang sở hữu, từ đó, có động lực giữ gìn khai thác. Đó là thông điệp mình muốn chuyển đến mọi người. Tiếp theo là mình muốn đem cái đẹp của làng cổ đến cộng đồng khách tham quan, du lịch”.
Mới đây, kiến trúc sư Khuất Văn Thắng tiếp tục cho ra đời một không gian văn hóa khác, cũng ngay ở cổng làng Mông Phụ mang tên “Đoài Creative”. Anh đã tác động một cách “vừa phải” vào một nếp nhà cũ mái ngói để tạo ra những không gian với công năng khác nhau phục vụ cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Độc đáo hơn cả là anh tái tạo một nét xưa mà bây giờ gần như đã biến mất. Anh cho bóc lớp vữa ra, và… trát vách bằng hỗn hợp bùn, rơm rạ.
Tất nhiên, để bảo đảm độ kết dính, anh cho trộn thêm phụ gia. Ở không gian này, Khuất Văn Thắng đang tổ chức lớp dạy về nghệ thuật cho hơn 20 đứa trẻ trong làng. Chúng sẽ sáng tác về chính làng quê của chúng trên nền của những viên ngói, viên gạch, cánh cửa cũ mà anh thu gom được. Tương tự như thế, với khách du lịch, sau khi cảm nhận Đường Lâm, người ta sẽ tự tạo ra những tác phẩm và có thể mang đi.
Phía bên phải đình làng Mông Phụ cũng có một nếp nhà xây được mấy năm nay. Chủ nhà là bà Quách Thị Thành. Nếu Khuất Duy Thắng là kiến trúc sư am tường về văn hóa, thì bà Thành chỉ là một người dân như bao người khác ở ngôi làng này. Ngôi nhà mái ngói năm gian của bà được bài trí “chuẩn” nếp xưa. Gian giữa là nơi thờ cúng, hai bên là hai bộ trường kỷ tiếp khách. Hai phòng hai bên hông nhà được xây tách biệt, là nơi dành cho khách lưu trú có thể nghỉ qua đêm.
“Tôi là người thôn Đông Sàng, lấy chồng thì về Mông Phụ. Sống ở trong ngôi làng cổ thế này, cả hai vợ chồng đều mong muốn có một ngôi nhà theo đúng kiến trúc cổ. Cũng có người bảo sao không xây nhà kiểu hiện đại? Thực ra quy định ở làng cổ không cấm xây nhà hai tầng, chính quyền gợi ý cho chúng tôi những mẫu nhà mới phù hợp với không gian chung. Nhưng gia đình tôi chỉ muốn xây nhà đúng quy cách nhà của các cụ”.
Vừa kể chuyện về ngôi nhà năm gian rộng rãi, bà Thành vừa đon đả giới thiệu về những món ăn, những nét đẹp của làng cổ Đường Lâm: “Đến Đường Lâm mà chưa ăn thịt quay đòn, chưa ăn bánh tẻ, chưa nếm gà Mía thì chưa gọi là đến làng cổ. Đấy là đặc sản riêng có của vùng đất này”. Bà Thành vốn là người khéo tay, nên cung cấp dịch vụ ăn uống cho khách du lịch.
Tuy là ngôi nhà mới, nhưng khách du lịch rất thích trải nghiệm không gian yên tĩnh, đậm chất truyền thống. Có những hôm khách yêu cầu, bà “trình diễn” làm luôn những món đặc sản cho khách xem trước khi họ thưởng thức. Bà Thành là người rất “sành” chuyện xưa, nên khách du lịch tha hồ hỏi chuyện. Nhiều người gọi bà là “người kể chuyện làng cổ”.
Năm 2022, dù giai đoạn đầu năm vẫn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Đường Lâm đã đón tới 340 nghìn lượt khách.
Bây giờ Đường Lâm đã là “làng du lịch”. Năm 2022, dù giai đoạn đầu năm vẫn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Đường Lâm đã đón tới 340 nghìn lượt khách. Không chỉ có gia đình bà Quách Thị Thành, hàng chục gia đình cũng xây nhà mới, hoặc cải tạo, nhưng thay vì “nhà hộp”, mọi người làm theo phong cách nhà truyền thống. Nhiều gia đình sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú điển hình như: Đường Lâm Village homestay; Elephant House; Mami Retreat; Đường Lâm house…
Phó Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An là người gắn bó lâu năm với làng cổ Đường Lâm. Hễ anh đi bộ trong làng, đến đâu cũng gặp những lời mời chào của người dân. Anh thân thuộc với từng nếp nhà, con ngõ. Anh chia sẻ:
“Sự thay đổi không diễn ra trong ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình. Mỗi khi có gia đình muốn xây dựng, cải tạo nhà cửa, chúng tôi đến tận nơi gặp gỡ, tìm hiểu nhu cầu, hướng dẫn và vận động nếu cần thiết. Mình cứ gần gũi với bà con là hiểu tâm tư của bà con”.
Cùng chúng tôi đi sâu vào những con ngõ quanh co của làng cổ, anh Nguyễn Trọng An chỉ cho chúng tôi những ngôi nhà mới xây, dù không tham gia hoạt động kinh doanh, nhưng người dân tuân thủ những nguyên tắc cơ bản về mái ngói, về độ cao công trình. Những nếp nhà mới mọc lên, nhưng không “công phá” rêu phong xưa cũ.
Xã Đường Lâm có xấp xỉ 1.000 ngôi nhà truyền thống, trong đó có gần 100 ngôi nhà cổ, tập trung nhiều nhất ở làng Mông Phụ. Nơi đây tự hào là “đất hai vua” – nơi chôn rau cắt rốn của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng và Ngô Quyền. Năm 2005, làng cổ ở Đường Lâm được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Tròn 10 năm trước (năm 2013), Đường Lâm từng “nóng” lên bởi một số hộ dân viết đơn gửi chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị “trả” lại danh hiệu Di tích văn hóa quốc gia, trong đó có hộ gia đình bị buộc phải tháo dỡ một phần công trình khi xây cất ngôi nhà mái bằng cao tầng.
Dù chỉ một số hộ gia đình ký tên vào đơn, nhưng sự kiện ấy phản ánh một câu chuyện có thật: Làng cổ Đường Lâm đang bị giằng xé giữa chuyện bảo tồn di tích văn hóa, kiến trúc, nếp nhà truyền thống và chuyện phát triển trong thời buổi đổi mới tiến lên hiện đại của đất nước. Dưới những nếp nhà rêu phong, các gia đình cứ sinh sôi; con cái đến tuổi phải tách hộ, cần có chỗ ở riêng. Trong khi đó, không phải gia đình nào cũng được hưởng lợi từ du lịch. Việc gìn giữ làng cổ chưa bao giờ gặp nhiều thử thách như thế.
Những “nút thắt” dần dần được tháo gỡ. Ngay trong năm 2013, Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây công bố hàng chục mẫu nhà, làm cơ sở để người dân có thể xây mới hoặc cải tạo theo.
Song, đó mới là một nửa của vấn đề. Để người dân không miễn cưỡng làm theo mới là chuyện khó. Phó Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm cho biết thêm: “Nếu không khai thác được giá trị của làng cổ thì việc bảo tồn không còn ý nghĩa. Chính quyền thị xã Sơn Tây cải tạo hạ tầng, đầu tư tu bổ di tích, hỗ trợ tu bổ những nhà cổ trọng điểm, qua đó, gìn giữ, bảo tồn cảnh quan làng cổ; đồng thời, tăng cường công tác quảng bá.
Khách du lịch đến Đường Lâm đông dần theo từng năm. Người dân dần dần hiểu được rằng nếu phá vỡ không gian làng cổ thì mình sẽ mất khách, dẫn đến mất kế sinh nhai, cho nên lâu nay không có vi phạm về xây dựng. Người dân xây nhà mới hoặc cải tạo bây giờ đều có ý thức làm theo hướng dẫn của Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm”.
…Vẫn còn đó những khó khăn, nhất là khi làm thế nào để ngày càng nhiều người ở ngôi làng cổ được hưởng thụ lợi ích từ du lịch. Song, 10 năm kể từ ngày một số hộ dân đòi “trả lại” danh hiệu Di tích văn hóa quốc gia, nhiều đổi thay đã diễn ra. Nhờ thế, Đường Lâm đã và sẽ là nơi gói trọn những gì đẹp nhất, tinh túy nhất của văn hóa xứ Đoài mây trắng.