Châu Phú phát triển sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Châu Phú chọn sản phẩm đặc trưng của địa phương để khai thác, phát triển, nâng tầm giá trị, góp phần phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế của người dân.

Báo An GiangBáo An Giang06/02/2025

Thời gian qua, UBND huyện Châu Phú ban hành kế hoạch, chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn nông dân xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực, truyền thống theo hướng khai thác, phát huy thế mạnh của địa phương. Các ngành chuyên môn huyện thường xuyên tổ chức tập huấn Chương trình OCOP cho lãnh đạo, chuyên viên phụ trách về phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đồng thời, đẩy mạnh tư vấn cho chủ thể sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác những nội dung để hoàn chỉnh sản phẩm tham gia chương trình OCOP, như: Đăng ký kinh doanh, tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm... Song song đó, chú trọng hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện việc ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào quá trình sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP; quan tâm hoàn thiện sản phẩm tiềm năng đạt tiêu chuẩn, tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo bộ tiêu chí.

Hoạt động quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương được chú trọng thực hiện

Đến cuối năm 2024, huyện Châu Phú có 8 sản phẩm OCOP còn thời hạn, gồm: Nước mắm cá linh Bà Ba Vui, khô cá tra phồng cơ sở Phương Giàu, khô ếch một nắng của Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ - Chăn nuôi ếch Khánh Hòa, nhãn xuồng Khánh Hòa, mật ong Cẩm Tú, rượu đinh lăng Ngọc Hân, mít sấy, củ quả sấy của cơ sở Đại Phát. Trong đó, nhãn xuồng Khánh Hòa là một trong những sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao khá sớm trên địa bàn huyện. Từ cây nhãn xuồng trồng lâu năm trên địa bàn, các thành viên Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Khánh Hòa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, canh tác an toàn, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, được cấp mã truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sản phẩm OCOP. Thời gian qua, nhãn xuồng Khánh Hòa được hỗ trợ quảng bá, trưng bày tại hội chợ, triển lãm, giúp tiêu thụ ổn định, nâng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.

Đối với sản phẩm rượu đinh lăng Ngọc Hân, quá trình phát triển sản phẩm và được chứng sản phẩm OCOP cũng lắm công phu. Năm 2006, thấy phong trào ngâm rượu đinh lăng phát triển, được nhiều người ưa chuộng, sẵn có nguồn cung cấp củ đinh lăng, chị Hoàng cùng chồng (chủ hộ kinh doanh Ngọc Hân, xã Bình Long) thử ngâm rượu đinh lăng bán lẻ tại nhà, giao cho cửa hàng. Thấy nhu cầu thị trường lớn, vợ chồng chị quyết định chuyển 600m2 đất sang trồng đinh lăng để có nguồn nguyên liệu tại chỗ. Sau đó, cơ sở rượu đinh lăng Ngọc Hân ra đời, đăng ký nhãn hiệu. Hiện, sản phẩm được tăng cường cung ứng ra thị trường, xây dựng kênh bán hàng từ mạng xã hội và trang thương mại điện tử.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Văn Tính cho biết, đối với sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, các đơn vị chuyên môn sẽ tiếp tục hỗ trợ chủ thể sản xuất thực hiện thủ tục theo yêu cầu để duy trì; rà soát sản phẩm OCOP sắp hết hạn để hướng dẫn hồ sơ tái chứng nhận. Đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ sản phẩm và thủ tục liên quan đối với sản phẩm đạt tiềm năng 4 sao, đề xuất hội đồng đánh giá, phân hạng theo quy định. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, chủ thể sản xuất về vệ sinh môi trường trong sản xuất, kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Định kỳ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường đối với sản phẩm đã được chứng nhận OCOP.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình OCOP, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, UBND huyện Châu Phú sẽ phối hợp Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh tổ chức tập huấn cho các ngành liên quan, UBND cấp xã và chủ thể có sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng trên địa bàn huyện. Tuyên truyền, hỗ trợ chủ thể kinh tế đưa sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp huyện lên sàn thương mại điện tử, kết nối cung cầu gắn với chương trình hội chợ, chương trình khởi nghiệp của tỉnh tổ chức, tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP của huyện tiếp cận được thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ chủ thể có sản phẩm tiềm năng hoàn tất hồ sơ, thủ tục tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện.


Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available