3 bảo vật quốc gia tại Hoàng thành Thăng Long đều là những bảo vật vô giá, chứa đựng trong mình những câu chuyện, thông điệp thiêng liêng từ quá khứ. Trong số này có đầu phượng thời Lý nghìn tuổi.
Trong số 33 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận đợt 13, có 3 bảo vật được lưu giữ trong khu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội: Sưu tập đầu phượng Hoàng thành Thăng Long, thời Lý, thế kỷ XI – XII; Bình ngự dụng thời Lê sơ, thế kỷ XV; Sưu tập gốm Trường Lạc thời Lê sơ, thế kỷ XV – XVI.
Sưu tập đầu phượng Hoàng thành Thăng Long thời Lý
Sưu tập đầu phượng Hoàng thành Thăng Long thời Lý là những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc phát hiện trong lòng đất khu di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu thuộc khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý – Trần. Tất cả các hiện vật đều được phát hiện tại những vị trí có địa tầng ổn định, không bị xáo trộn bởi các thời kỳ sau.
Sưu tập thể hiện giá trị biểu trưng của lịch sử kiến trúc Đại Việt thời Lý. Phượng và rồng là những biểu tượng của hoàng gia, trong đó phượng thường được gắn với hoàng hậu. Hình ảnh của cặp đôi phượng – rồng biểu thị cho hạnh phúc viên mãn. Với những ý nghĩa biểu trưng như vậy, việc sử dụng hình tượng chim phượng trang trí trên kiến trúc thời Lý và thời Trần sau đó dường như cũng phản ánh sự tồn tại và hòa quyện của Phật giáo và Nho giáo, giữa thần quyền và thế quyền trong nghệ thuật, điêu khắc thời Lý – Trần.
Các đầu phượng thuộc bộ sưu tập này được tìm thấy cùng các di vật khác là một trong những minh chứng quan trọng giúp các nhà nghiên cứu nhận diện bộ mái kiến trúc thời Lý, Trần. Do vậy, sưu tập đầu phượng phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long không chỉ là hiện vật gốc mà còn là những tư liệu quan trọng có giá trị cho việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Lý thế kỷ XI – XII. Sưu tập thể hiện giá trị biểu trưng của lịch sử kiến trúc Đại Việt thời Lý.
Bình ngự dụng thời Lê sơ thế kỷ XV
Bình ngự dụng Hoàng thành Thăng Long có cấu trúc gồm đáy, thân, vai, miệng, vòi và quai. Với cấu trúc miệng đứng và kiểu dáng của bình, có lẽ nguyên bản bình có nắp, tiếc rằng hiện nay chúng ta chưa tìm thấy nắp của loại bình tương tự.
Hình dáng, cấu trúc và một số hoạ tiết trang trí của bình ngự dụng tạo hình ảnh như một con rồng ẩn mình trong bình, trong đó vòi bình là đầu của con rồng. Đầu rồng được thể hiện ở tư thế ngẩng cao với sừng và bờm được đắp nổi, tả thực. Bờm trên đầu được thể hiện ở tư thế bay về phía sau và toả rộng ra các phía.
Quai bình được thể hiện như một phần của thân rồng với vây giương cao. Bốn chân rồng được đắp ở hai bên vai bình, mỗi bên hai chân. Các chân diễn tả tư thế đang đạp mạnh về phía sau, các bắp cơ săn chắc, đẩy thân rồng về phía trước khiến cho thân rồng vừa uyển chuyển,vừa mạnh mẽ.
Trên vai bình, ở vị trí giữa hai chân rồng còn đắp nổi bông hoa với nhuỵ lớn, cánh nhỏ, giống như hạt cườm.
Bình ngự dụng Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ được phát hiện trong các hố khai quật tại khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội thuộc khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê.
Bình ngự dụng Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho trình độ phát triển cao của kỹ nghệ sản xuất gốm sứ thời Lê sơ.
Đây là hiện vật có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa. Bình cho thấy sự phong phú và đa dạng của đồ dùng, vật dụng được sử dụng trong sinh hoạt của Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ.
Bình ngự dụng Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ có thể là loại bình đựng rượu dùng trong các buổi yến tiệc lớn với nhiều người tham dự. Từ đây chúng ta có thể hình dung sự phong phú về đời sống văn hoá trong cung đình.
Sưu tập gốm Trường Lạc thời Lê sơ, thế kỷ XV – XVI
Sưu tập chén, bát, đĩa đồ gốm Trường Lạc, thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long gồm 36 hiện vật với nhiều kích thước khác nhau, bao gồm: 9 chiếc chén, 6 chiếc bát, 20 chiếc đĩa và 11 mảnh thân đĩa. Những hiện vật được tạo tác hoàn toàn thủ công do vậy, đó là sản phẩm đơn chiếc và độc bản, không có hiện vật nào hoàn toàn giống với hiện vật này.
Hoa văn trang trí bộ sưu tập gốm Trường Lạc có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa. Theo các nhà khoa học, đây là những đồ dụng của cung Trường Lạc, một cung điện quan trọng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ thế kỷ XV-XVI.
Với giá trị như vậy, các hiện vật này là những tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu và làm rõ công năng, quá trình tồn tại và thay đổi của các cung điện trong hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ nói riêng; cấu trúc và cách thức vận hành của các cung, điện… với tư cách là một tổ chức trong kinh thành Thăng Long thời Lê sơ nói chung.
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/3-bao-vat-quoc-gia-dac-biet-tai-hoang-thanh-thang-long-co-bao-vat-nghin-nam-a412834.html