Mức sinh giảm sẽ gây nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội cho tương lai
Đại diện Bộ Y tế cho rằng, nếu quy định để người dân có thể chủ động về thời gian sinh con, số lượng con… thì tình trạng mức sinh thay thế giảm có thể được khắc phục phần nào.
Tại Hội thảo Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương” nhiều nội dung quan trọng liên quan công tác dân số được phân tích và gợi mở.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Nói về thành tựu của công tác dân số thời gian qua, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, công tác dân số của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế thành công, Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì từ đó đến nay.
Mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96 con và tỷ lệ tăng dân số là 0,84% năm 2023), xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp, chênh lệch về mức sinh giữa các vùng, đối tượng chưa được khắc phục; mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao (tỷ số giới tính khi sinh là 111,8 bé trai/100 bé gái năm 2023);
Già hóa dân số tăng nhanh; chưa có các giải pháp đồng bộ để phát huy hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số; tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng (năm 2023 là 74,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chưa tương xứng; phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng (năm 2023 là 74,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chưa tương xứng, phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay, Bộ Y tế đang được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Dân số và đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các chính sách.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số hiện tại là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới.
Đồng thời có các biện pháp ứng phó với tốc độ già hóa dân số nhanh trong thời gian tới, tận dụng hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước; hướng đến năm 2045 Việt Nam là nước có dân số chất lượng tốt, lực lượng lao động đông đảo, thu nhập cao… nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại Hội thảo, theo một số chuyên gia, nếu trước đây Việt Nam chỉ tập trung thực hiện giảm sinh trên phạm vi toàn quốc thì hiện nay chúng ta đang phải thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa thực hiện nhiệm vụ giảm sinh ở nơi có mức sinh cao, vừa vận động, khuyến khích sinh đủ 2 con ở nơi có mức sinh thấp và duy trì kết quả ở những địa phương đã đạt mức sinh thay thế.
Do đó, chính sách đầu tiên trong dự án Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất là duy trì mức sinh thay thế. Mục tiêu đặt ra là xây dựng các biện pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.
Cùng với đó, quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; bảo đảm quyền con người trong thực hiện chính sách dân số; góp phần khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, các đối tượng.
Trong đó, đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định quyền quyết định của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, nếu quy định để người dân có thể chủ động về thời gian sinh con, số lượng con… thì tình trạng mức sinh thay thế giảm có thể được khắc phục phần nào.
Việt Nam có xu thế giảm mức sinh thay thế, mặc dù chưa ở mức báo động nhưng điều này chắc chắn sẽ trở thành vấn đề lớn nếu chúng ta không có giải pháp can thiệp từ bây giờ.
“Hiện Bộ Y tế đang xin ý kiến, góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu để có báo cáo chính thức trình Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cặp vợ chồng, đối tượng có mong muốn sinh con. Mục tiêu làm sao để có chất lượng dân số, giống nòi tốt nhất”, ông Dũng nêu.
PGS-TS.Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng rằng cần bỏ quy định cặp vợ chồng sinh từ 1-2 con.
Nếu đề xuất bỏ quy định sinh từ 1-2 con trong dự Luật Dân số của Bộ Y tế được phê duyệt, thì mọi người dân sẽ tuân thủ theo, những chính sách, chế tài liên quan cũng được điều chỉnh.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng nói rằng, hiện nay Pháp lệnh dân số vẫn còn hiệu lực, cơ sở pháp lý cao nhất vẫn là luật hiện hành và các quy định nới lỏng mới chỉ là đề xuất.
Đề cập đến giải pháp để phát triển dân số, đất nước bền vững, gia đình và người dân hạnh phúc, GS-TS.Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XV cho hay, để mỗi gia đình có thể sinh được 2 con, thì thu nhập của 1 gia đình 2 người đi làm phải nuôi được đàng hoàng 4 người (2 người lớn, 2 trẻ con).
Chính phủ, các doanh nghiệp và người lao động cần thống nhất nhận thức và giải pháp để gia đình có 2 người đi làm có đủ thu nhập để nuôi dạy, cho học hành đàng hoàng 2 người con. Cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống giờ cho gia đình 4 người.
Thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái gia đình và sở thích riêng tư;
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cần có thị trường nhà ở có tính cạnh tranh, sự hỗ trợ và giám sát của Nhà nước để người lao động có thể thuê hoặc mua được nhà với giá cả chấp nhận được, để việc không có nhà không trở thành một điều kiện không thể vượt qua khi kết hôn;
Bên cạnh đó, điều kiện làm việc, chế độ nghỉ khi có thai và sinh con, chế độ lương và thăng tiến ở doanh nghiệp phải khuyến khích việc lập gia đình và sinh con, không tạo ra xung đột giữa việc làm và gia đình, có con;
Đồng thời cần thực hiện phổ cập giáo dục mầm non (trẻ từ 3 tháng tuổi đến 5 tuổi) để cha mẹ có điều kiện làm việc và phát triển ngay cả khi sau sinh và con còn nhỏ. Phát triển hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập để phổ cập tiểu học, trung học cơ sở và phổ cập nghề;
Chia sẻ trách nhiệm giữa vợ và chồng trong việc làm việc nhà, nuôi dạy con, thực hiện bình đẳng giới thực sự; xây dựng môi trường xã hội thân thiện với trẻ em, người mẹ và gia đình, thể hiện sự trân trọng của xã hội với những người làm tròn trách nhiệm công dân để đất nước phát triển bền vững về lao động và dân số;
“Nhà nước có chương trình hỗ trợ thiết thực các cặp vợ chồng vô sinh sinh con; các gia đình tự quyết định số con và thời điểm sinh con. Phát triển hệ thống tư vấn chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ sinh sản”, ông Nhân nêu.
Nguồn: https://baodautu.vn/muc-sinh-giam-se-gay-nhieu-he-luy-ve-kinh-te-xa-hoi-cho-tuong-lai-d221794.html