木箱の中の香り

Việt NamViệt Nam08/02/2025


Trong ký ức tôi về buổi chiều cuối cùng của một năm, thường hiện lên chiếc rương gỗ cũ kỹ. Như một chiếc hộp bí mật được bật mở mỗi dịp Tết đến, khi lề khóa lách cách, nắp rương he hé, lập tức một mùi hương nồng nàn thoảng bay ra. Ngày Tết có bao nhiêu mùi hương kỳ lạ mà ngày thường ta không thể ngửi thấy.

Mùi hương trong rương gỗ

Xúng xính tà áo mới du xuân - Ảnh: H.C.D

1.Ngày trước ở quê tôi nhà nào cũng có một, hai cái rương gỗ. Rương cỡ một người bưng, nếu bỏ nhiều đồ thì cùng lắm hai người bưng. Nó nhẹ là bởi được làm từ một loại ván ép dày dặn của Mỹ.

Khi ấy hòa bình đã được hơn chục năm rồi, nhưng những tấm ván ép từ thời chiến thì vẫn còn. Thậm chí còn nguyên lành và rất tốt. Ván to có thể làm được mặt phản để ngồi, làm nắp sập đựng lúa. Những tấm nhỏ thì người ta lấy đem đến nhờ thợ mộc đóng cái rương. Loại ván ấy làm từ gỗ thông, dính nhiều lớp mỏng bằng keo nên rất tốt, không cong vênh, không hề bị mối mọt vì có chất dầu.

Rương dùng để đựng áo quần, tư trang, những thứ quý giá như vàng bạc cũng cho vào đấy. Tất nhiên áo quần thì phải đồ đẹp, đồ sang, lâu lâu mặc một lần mới cất vào rương. Có cụ già được bộ áo đẹp nhất, người Quảng Trị xưa gọi là bộ đồ “cố muồi”, cứ để trong rương năm này qua năm khác không dám đem ra mặc vì sợ bị cũ, sợ người ta quở mình... giàu. Thế là bảo con cháu lúc nào tao nhắm mắt thì đem bộ đồ “cố muồi” ra mà liệm. Đúng thật sống nhịn chết dành. Có khi để lâu quá, thằn lằn vấy bẩn hay kiến làm tổ, rồi gián gặm thủng hết áo quần.

Để bảo quản đồ đạc trong rương, mạ tôi đặt mấy viên long não vào. Những viên thuốc xanh, hồng, trắng trông như viên kẹo ngậm. Mỗi lần mở nắp rương, mùi long não nồng nặc, với trẻ con chúng tôi, mùi ấy có vẻ là lạ, thơm thơm. Thế mà mạ bảo độc hại, đừng có hít ngửi. Long não bỏ vào rương để xua đuổi bọn côn trùng, gián kiến. Một năm phải đặt vào rương mấy viên long não khác vì chúng tỏa hương, bay hơi dần, trạng thái mà vật lý gọi là thăng hoa khi chuyển từ rắn sang khí.

Rương gỗ có ổ khóa sắt. Đôi khi tò mò, anh em chúng tôi tìm được chìa khóa, mở rương ra xem. Hóa ra không chỉ áo quần mà rất nhiều những vật kỷ niệm của ba mạ. Một cái kẹp tóc cánh bướm, chiếc khăn tay thêu đôi bồ câu, tờ giấy thiệp mời đám cưới từ năm 1985 in hình hai ly rượu... Kẹp tóc phần kim loại đã lấm tấm rỉ sét, khăn ngả màu vàng ngà, giấy màu ửng hồng phấn, tất cả đều có vẻ cũ kỹ, chắc cho ai họ chẳng thèm, thế mà mạ vẫn bỏ vào rương khóa lại.

Một cái áo dài màu xanh da trời, thêu ren trắng, đấy là bộ áo cô dâu từ ngày mạ lấy ba. Ngoài ra còn có một bộ áo cánh mới hơn, tân thời hơn chút, chính là bộ đồ “cố muồi” của mạ. Cuối năm mạ mở rương, lấy bộ áo ấy ra để mặc Tết.

2.Tết năm nào mạ cũng mua sắm áo quần cho anh em chúng tôi. Mấy mạ ở quê nói may áo trẻ con đừng dùng vải tốt mà thay vào đó là nên may thường xuyên những bộ vải xấu. Trẻ con đâu biết tốt xấu, cứ có đồ mới thì chúng mừng, mau lớn. Tết thì nhất quyết phải có một bộ ngon lành. Ở quê, đứa trẻ nào thích mặc đồ đẹp đều bị quở là mần đị. Có lẽ chữ đị là nói nhại của chữ đĩ trong lối ăn mang, tức là diêm dúa, làm đỏm. Không biết từ đâu mà người ta bảo những ai mắt một mí thì thường ăn mặc điệu đà khéo léo, như câu vè: “Mắt một mí mần đị nhất làng”. Ngày Tết ra đường toàn gặp người mần đị!

Mạ không có đồ mới may, mà chỉ là cái bộ mặc năm này qua năm khác. Phải đến chiều ba mươi, người quê như mạ tôi mới rảnh tay lo chuyện mặc, bởi trước đó phải lo chạy chợ, lo làm bánh trái. Ăn mặc, ăn trước mặc sau.

Áo lấy trong rương ra hằn những nếp nhăn, nếp gấp rõ nét. Mạ đi quanh xóm tìm mượn cho được cái bàn ủi con gà để là ủi tấm áo phẳng phiu. Bàn ủi con gà bằng đồng chỉ những nhà khá giả mới sắm. Mỗi làng có chừng dăm ba cái, phải chuyền nhau mượn, thậm chí sắp giao thừa mới đem trả về nhà chủ. Cho than đỏ vào bàn ủi, để một lúc mặt dưới nóng lên thì dùng được. Chốc chốc lại phải bật nắp con gà quạt cho than đừng tắt ngúm. Có khi bất cẩn tàn lửa bung ra theo mấy lỗ thông hơi làm bộ áo cháy vài cái lỗ nhỏ.

Dù có là ủi thì mùi long não vẫn còn thoang thoảng trên áo. Có người chê mùi đó khó ngửi, chỉ dùng để đuổi loài gặm nhấm. Thế mà tôi lại thấy thơm, mỗi khi vô tình ngửi thấy ở đâu đó đều nhớ về cái rương gỗ ván ép trong căn nhà xưa. Nhớ ngày cuối năm khi mạ mở nắp rương, mùi hương long não sực ra, thoang thoảng. Đó phải chăng là mùi của tâm hồn đã lắng thành trầm tích, qua bao thời gian chẳng những không hề nhạt đi mà còn đậm hơn.

Hoàng Công Danh



Nguồn: https://baoquangtri.vn/mui-huong-trong-ruong-go-191570.htm

コメント (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available