VHO – Ở Quảng Ngãi hiện có nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến được các thế hệ người dân gìn giữ. Sắc phong là một loại hình văn bản hành chính đặc biệt, do vua ban tặng cho các vị nhân thần, thiên thần hoặc các nhân vật có công lao to lớn với đất nước.
Hiện có nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến được các thế hệ người dân gìn giữ qua hàng trăm năm. Sắc phong được lưu giữ tại nhiều nhà thờ tiền hiền, lăng vạn, đền thờ, chùa… trên địa bàn tỉnh. Điều đáng lo ngại là nhiều sắc phong đang có dấu hiệu bị hư hỏng do công tác bảo quản chưa khoa học. Việc bảo quản sắc phong được thực hiện mỗi nơi một kiểu.
Trong nhà thờ tiền hiền Trần Văn Đạt, ở thôn Phước Xã, xã Đức Hòa (Mộ Đức) hiện lưu giữ sắc phong đề ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) phong cho ông Trần Văn Đạt (người có công khai hoang lập ấp nên làng Vạn Phước vào thế kỷ XV) là “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù tôn thần”.
Sắc phong này được con cháu dòng họ Trần tiền hiền Sáu xã Vạn Phước bọc lại bằng giấy dó, bảo quản trong hộp gỗ. Hộp đựng sắc phong này được đặt trang nghiêm trên bàn thờ và thờ phụng, nhang khói quanh năm.
Tròn trăm năm, với bao thăng trầm, sắc phong này vẫn giữ được màu chữ. Tuy nhiên, màu đỏ của ấn triện đã phai và tại một số vị trí như góc bên trái, dọc theo các viền của sắc phong, đã có dấu hiệu bị mục, rách.
Còn ở thôn Tú Sơn, xã Đức Lân (Mộ Đức), sắc phong vua Khải Định ban cho bậc tiền hiền của làng là ông Nguyễn Mậu Phó (người có công chinh phục, khai phá vùng hoang địa Tú Sơn thành ruộng đồng màu mỡ, phì nhiêu vào thế kỷ XVII) được giao cho dòng họ Nguyễn Mậu lưu giữ.
Coi sắc phong như báu vật nên mỗi nhiệm kỳ năm năm, dòng họ tổ chức bầu ra một thủ sắc (người giữ sắc phong) đảm nhận nhiệm vụ cất giữ, thờ phụng sắc phong tại nhà riêng.
Rồi hằng năm, đến ngày 2 tháng 2 âm lịch, dòng họ tổ chức nghi lễ rước sắc từ nhà của vị thủ sắc này sang nhà thờ Nguyễn Mậu, để thực hiện nghi lễ cúng bái. Sau khi cúng xong, sắc phong tiếp tục được đưa về nhà của người thủ sắc bảo quản.
Để bảo quản sắc phong này, dòng họ Nguyễn Mậu đã ép nhựa sắc phong, rồi cho vào hộp gỗ, đặt lên bàn thờ. Với cách làm này, dù người dân đã thành công trong việc ngăn sắc phong không bị mục nát, nấm mốc; song hệ lụy của cách bảo quản này là, theo thời gian, khi miếng ép nhựa cũ dần và ố vàng, sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, màu sắc của sắc phong.
Cùng với đó, khi để lâu ngày, hơi nước sẽ tích tụ bên trong, đẩy nhanh quá trình mục nát và khi bóc tách lớp nhựa ra, sắc phong có nguy cơ bị hư hỏng rất cao. Tại đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán ở phường Quảng Phú (TP Quảng Ngãi), 23 sắc phong từ thời vua Cảnh Thịnh đến thời các vua triều Nguyễn cũng đang được dòng họ Bùi Quảng Phú lưu giữ trong đền thờ.
Ông Bùi Phụ Anh, cháu đời thứ 14 của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán chia sẻ, sắc phong là tài sản quý nên dù trải qua chiến tranh, con cháu dòng họ Bùi Quảng Phú vẫn luân phiên nhau giữ lấy sắc phong.
Kể cả khi bom rơi, đạn lạc, các thế hệ trước vẫn quyết giữ, bảo vệ sắc phong đến cùng. Trong số 23 sắc phong có đến 9 sắc phong vua ban cho Trấn Quốc công Bùi Tá Hán. Trong đó, sắc phong lâu đời nhất từ thời vua Cảnh Thịnh, cách đây hơn 200 năm.
“Các thế hệ trong dòng họ đã cùng gìn giữ, bảo quản sắc phong bằng phương pháp thủ công, đó là xếp sắc phong trong rương gỗ, sau đó thay bằng rương nhôm để chống mốc, ẩm, mối mọt.
Rương nhôm này được làm với kích thước rất lớn, đủ để trải thẳng thớm 23 sắc phong vào đấy, chứ không cuộn tròn. Vì nếu cuộn tròn, sắc phong sẽ dễ gấp, gãy, rách.
Sau cả trăm năm lưu giữ, bảo quản sắc phong bằng phương pháp thủ công, thì cách đây khoảng 20 năm, họ tộc đã ép nhựa toàn bộ 23 sắc phong này”, ông Anh cho biết thêm.
TS Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nội dung các sắc phong chứa đựng các thông tin về phẩm hàm, thần hiệu, mỹ hiệu… của từng vị được ban tặng sắc phong và phê chuẩn cho dân chúng các địa phương được thờ phụng.
Qua nhiều đợt khảo sát trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ hơn 100 sắc phong. Song, có một số sắc phong đã bị rách. Sắc phong từ triều đại phong kiến còn giữ được đến ngày nay phần lớn đều được lưu giữ tại các di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Trong khi đó, hầu hết những người đang có trách nhiệm giữ sắc phong đều chưa được hướng dẫn chi tiết, chuyên sâu về cách bảo quản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sắc phong đang dần hư hỏng, mục nát, không còn rõ chữ.
“Trước thực tế đó, ngành văn hóa cần sớm tập huấn, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức có liên quan cách thức bảo quản sắc phong một cách khoa học nhằm hạn chế hư hỏng theo thời gian.
Cùng với đó, cần thống kê cụ thể các sắc phong đã hư hỏng; các sắc phong đang có dấu hiệu bị hư, nấm mốc để sớm có giải pháp bảo tồn, phục chế.
Mặt khác, ngành văn hóa cần tính đến việc thống kê, nghiên cứu, dịch toàn bộ nội dung các sắc phong và tiến hành sao chụp, số hóa các sắc phong này.
Việc số hóa là cần thiết và cấp bách để bảo tồn, bảo lưu các giá trị của sắc phong cho con cháu mai sau”, ông Vũ nhấn mạnh.
Trong sách chuyên khảo “Di sản Hán Nôm ở Quảng Ngãi – Các loại hình và giá trị đặc trưng”, do TS Nguyễn Đăng Vũ chủ biên (Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội xuất bản, năm 2020) ghi rõ, các sắc phong được tìm thấy tại Quảng Ngãi được làm bằng loại giấy long đằng, sắc vàng, dẻo dai, do các nghệ nhân làng Lại Nghè (phủ Hoài Đức, nay thuộc Hà Nội) làm nên.
Các sắc phong có chiều dài trung bình từ 1,2 – 1,3m, bề rộng trung bình khoảng 0,5m. Trên các sắc phong thường trang trí các hoa văn hình tứ linh, hoặc long vân, hoặc chữ “vạn”, chữ “thọ”.
Có các sắc phong được phủ lớp nhũ vàng như một số sắc phong thời Minh Mệnh, hoặc nhũ bạc như các sắc phong thời Tự Đức được tìm thấy tại chùa Hoa Sơn, xã Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi) và đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán, ở phường Quảng Phú (TP Quảng Ngãi).
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/gin-giu-sac-phong-nhu-bao-vat-103456.html