Hằng năm, Quảng Bình và Khăm Muộn đều gặp gỡ để có các thỏa thuận nhằm góp phần bảo tồn di sản liên biên giới của hai bên
“Mối lương duyên” xuyên biên giới
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nậm Nô được các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế đánh giá cao về giá trị bảo tồn, có ý nghĩa toàn cầu về mặt khoa học, giáo dục và phát triển. Kể từ tháng 6.1998, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Hin Nậm Nô (nay là Vườn quốc gia Hin Nậm Nô, Khăm Muồn) đã đặt quan hệ hợp tác chính thức bằng Bản tuyên bố chung về bảo tồn đa dạng sinh học liên biên giới. Từ đó đến nay, cùng với sự phát triển, gắn bó giữa hai đất nước, hai tỉnh, hoạt động hợp tác giữa Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nậm Nô tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu mới, hướng tới mục tiêu di sản liên biên giới.
Một dấu mốc quan trọng trong hành trình hợp tác giữa hai Vườn quốc gia, đó là năm 2016, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) thông qua Dự án khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, hai bên đã hoàn thành bản đồ chung của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô; thành lập tổ công tác hỗ trợ hợp tác liên biên giới, bắt tay thực hiện hoạt động đối thoại, trao đổi thông tin kỹ thuật một cách thường xuyên.
Tiếp đó, vào năm 2020, Bộ VHTTDL đã cử đoàn chuyên gia gồm các thành viên ở Cục Di sản văn hóa, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Cục Hợp tác quốc tế... sang hỗ trợ Lào hoàn thiện hồ sơ đối với Vườn quốc gia Hin Nậm Nô để trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO).
Việc đề xuất công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô là Di sản liên biên giới không chỉ khẳng định giá trị toàn cầu của khu vực mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và phát triển bền vững. Khi được công nhận, khu vực này sẽ trở thành mô hình mẫu về hợp tác xuyên biên giới trong bảo vệ di sản thiên nhiên, chung tay phát triển du lịch”.
(Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chua Me Đất -Oxalis)
Tại hội thảo kỷ niệm 20 năm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới (năm 2023) do tỉnh Quảng Bình tổ chức, ông Khamkeo Latthayod - Giám đốc Vườn quốc gia Hin Nậm Nô cho biết: Nếu đề cử Vườn quốc gia Hin Nậm Nô là Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO chấp nhận, đồng thời là thành phần mở rộng xuyên biên giới của khu Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thì đây sẽ là khu di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên của Lào.
Gần đây nhất, vào ngày 29.6.2024, hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muồn đã ký kết hợp tác phát triển toàn diện về du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị, cũng như tiếp tục hoàn thiện hồ sơ chung về khu vực di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới đầu tiên của Đông Nam Á Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nậm Nô.
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết: “Phía tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ tất cả mọi vấn đề cho bạn Lào, nhằm sớm có hồ sơ trình lên các cấp thẩm quyền. Hai bên tích cực với các hoạt động hợp tác về bảo tồn, phát huy giá trị chung về đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo. Hằng năm, Quảng Bình và Khăm Muộn đều gặp gỡ để có các thỏa thuận nhằm góp phần bảo tồn các giá trị và cảnh quan liên biên giới của hai bên”.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng kết nối liền mạch về địa chất, địa mạo với Vườn quốc gia Hin Nậm Nô (Lào)
Những “viên kim cương” xanh lấp lánh
Được ví như những viên kim cương xanh lấp lánh, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô là báu vật thiên nhiên kỳ vĩ ở nơi biên giới Việt Nam - Lào.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng rộng hơn 125.700 ha, trải dài ở 2 huyện Bố Trạch và Minh Hóa (Quảng Bình). Với đặc trưng các kiến tạo đá vôi dày đặc, Phong Nha - Kẻ Bàng được ví là “Vương quốc hang động” với hơn 400 hang động lớn nhỏ, trong đó hang Sơn Đoòng được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đánh giá là hang động lớn nhất thế giới. Nơi đây còn sở hữu hệ thống sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm, nhiều loài trong số đó nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Với những giá trị quý giá, mang tính toàn cầu về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hai lần được UNESCO ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới.
Phía bên kia biên giới, Vườn quốc gia Hin Nậm Nô thuộc huyện Bualapha (tỉnh Khăm Muộn, Lào) có tổng diện tích hơn 82.000 ha. Với hệ sinh thái phong phú nằm trên núi đá vôi liên hoàn, đây là nơi cư trú đa dạng của 40 loài động vật có vú, hơn 200 loài chim, 25 loài dơi, 46 loài lưỡng cư và bò sát, hơn 100 loài cá, hơn 520 loài thực vật... Có nhiều loài quý hiếm như chà vá chân đỏ, voọc đen má trắng, mang Vũ Quang, dơi quạ, dơi đốm hoa, dơi io, hồng hoàng, khướu đá mun...
Điểm đặc biệt của Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô là sự liền mạch về địa chất. Cả hai đều thuộc khối karst cổ hình thành qua hàng triệu năm, tạo nên hàng trăm hang động với cấu trúc độc đáo. Theo ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cả hai vườn quốc gia đều được xem là một trong những khu vực sinh thái có tầm quan trọng tại Đông Nam Á với khu vực karst rộng lớn có giá trị toàn cầu về đa dạng sinh học. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học của khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô đều có liên quan đến nhau.
Du khách tham quan động Phong Nha. Ảnh: P.V.T
Chung tay phát triển du lịch
Không chỉ có giá trị về tự nhiên, hai khu vực này còn gắn kết chặt chẽ về văn hóa và du lịch. Các cộng đồng sống quanh Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô, như người Bru - Vân Kiều hay người Lào bản địa, đều có những nét văn hóa độc đáo, phản ánh mối liên hệ lịch sử giữa hai dân tộc. Hành trình qua lại giữa hai bờ biên giới không chỉ là sự giao thương vật chất, mà còn là sự gắn bó về văn hóa. Rồi những điệu hát, lễ hội của người Bru và người Lào có sự giao thoa rõ nét, từ cách cúng thần rừng đến các lễ hội mùa màng.
Đặc biệt, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô có tiềm năng lớn về du lịch hang
Sau hành trình dài với sự thống nhất, hỗ trợ của hai quốc gia Việt Nam - Lào, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các Bộ, ngành hai tỉnh Quảng Bình - Khăm Muồn, đặc biệt là vai trò quan trọng của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tháng 2.2024, Hồ sơ đề cử di sản đối với Vườn quốc gia Hin Nậm Nô đã được trình lên UNESCO.
động, mạo hiểm, sinh thái, cộng đồng dân cư bản địa. Một khi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô kết hợp thành liên vườn quốc gia, di sản liên biên giới sẽ tạo thành một trong những vùng núi đá vôi rộng nhất thế giới.
Về du lịch, vườn quốc gia chung này cũng sẽ trở thành những điểm đến lớn có sức thu hút với du khách nước ngoài trong khám phá hang động, nghiên cứu địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học… cũng như lập các tour du lịch xuyên biên giới. Một trong những sáng kiến nổi bật là chương trình “Du lịch xanh xuyên biên giới”, kết nối các điểm đến tại Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô.
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chua Me Đất (Oxalis), đơn vị khai thác du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, giữa Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô có sự tương đồng về định hướng và cách phát triển du lịch, sẽ trở thành đối tác của nhau. Theo ông Á, việc đề xuất công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô là Di sản liên biên giới không chỉ khẳng định giá trị toàn cầu của khu vực mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và phát triển bền vững. Khi được công nhận, khu vực này sẽ trở thành mô hình mẫu về hợp tác xuyên biên giới trong bảo vệ di sản thiên nhiên, chung tay phát triển du lịch.
Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô không chỉ là những báu vật của thiên nhiên mà còn là biểu tượng cho tình đoàn kết và hợp tác giữa Việt Nam và Lào. Việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản liên biên giới này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, xã hội mà còn góp phần quan trọng vào việc giữ gìn các di sản quý giá của nhân loại.
Hy vọng lớn nhất của cả người dân và cán bộ bảo tồn là khu vực này sẽ sớm được công nhận là Di sản liên biên giới đầu tiên tại Đông Nam Á. Khi đó, những giá trị thiên nhiên và văn hóa, du lịch của Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô sẽ được bảo vệ tốt hơn, đồng thời mang lại nhiều cơ hội phát triển bền vững cho cộng đồng.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/du-lich/di-san-lien-bien-gioi-chung-tay-phat-trien-du-lich-119747.html
Bình luận (0)