Pho tượng Thái úy, danh nhân Tô Hiến Thành với tư thế uy nghi tại Đền Văn Hiến
Hội thảo nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; tiếp tục bổ sung, làm sáng tỏ hơn vị trí, quy mô, vai trò của Thành cổ Ô Diên trong quá trình tồn tại ở thế kỷ thứ VI; thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp của danh nhân Tô Hiến Thành; công tác bảo tồn hệ thống di sản văn hoá liên quan đến Thành cổ Ô Diên và danh nhân Tô Hiến Thành.
Hội thảo cũng tạo cơ sở khoa học để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ tôn tạo, quy hoạch và phát huy giá trị cụm di tích gắn với phát triển du lịch của huyện, để nơi đây thực sự trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của TP.
Đồng thời, kết nối, khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng của Thủ đô; là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đền Văn Hiến - nơi thờ Tô Hiến Thành tọa lạc trên vị trí đắc địa của vùng đất cố đô, bên hữu ngạn sông Nhuệ xưa
Từ nhiều góc nhìn và những phân tích, luận giải, Hội thảo sẽ bổ sung, làm rõ về vùng cửa sông Nhuệ cổ; phân tích, đánh giá vị trí, quy mô, vai trò của Thành cổ Ô Diên trong quá trình tồn tại ở thế kỷ thứ VI.
Đồng thời phân tích, làm rõ công tác bảo tồn hệ thống di tích lịch sử, văn hóa thờ các nhân vật triều đại Tiền Lý và danh nhân Tô Hiến Thành; xác định vị trí, vai trò của hệ thống di sản văn hóa liên quan đến vùng cửa sông Nhuệ cổ - Thành Ô Diên và danh nhân Tô Hiến Thành trong bối cảnh phát triển chung của Đan Phượng và TP. Hà Nội.
Tại Đền Văn Hiến
Hội thảo cũng hướng tới đề xuất giải pháp phát huy giá trị di sản văn hoá liên quan đến Thành cổ Ô Diên, Nhà nước Vạn Xuân, danh nhân Tô Hiến Thành ở vùng đất Đan Phượng nói riêng, đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Cùng với đó là công tác tu bổ, tôn tạo di tích; định hướng trong tu bổ, tôn tạo di tích; lập và quy hoạch cụm di tích.
Ngoài ra, phát huy giá trị cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, miếu Hàm Rồng, đền Chính Khí, chùa Hải Giác gắn với phát triển du lịch tham quan, trải nghiệm trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô và huyện; huy động mọi nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ, phát huy điểm đến, tạo nền tảng, nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đan Phượng.
Pho tượng Thái úy Tô Hiến Thành với tư thế uy nghi, tay phải cầm sách, tay trái giữ thanh kiếm thể hiện sự văn võ song toàn đã trở thành biểu tượng cho truyền thống hiếu học và khí phách của vùng đất cố đô này
Đan Phượng là địa phương giàu truyền thống lịch sử và văn hoá. Trên địa bàn có xã Hạ Mỗ là vùng đất có lịch sử hàng nghìn năm, hiện còn lưu giữ được các dấu tích của sông Nhuệ cổ, thành cổ Ô Diên, là kinh đô của nước Vạn Xuân dưới triều Hậu vua Lý Nam Đế.
Đây cũng là quê hương của Thái phó Tô Hiến Thành (1102 - 1179)- người có đầy đủ đức độ và tài năng, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc củng cố và phát triển vương triều Lý.
Ô Diên là cố đô được xác định nằm ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng (Hà Nội) ngày nay. Thành có vị trí chiến lược đặc biệt, theo các cứ liệu lịch sử, thành Ô Diên có khả năng được xây dựng tại khu vực tứ giác nước giữa sông Hồng, sông Đáy, sông Hát, sông Nhuệ.
Chùa Hải Giác trong cụm di tích xã Hạ Mỗ
Về vai trò lịch sử, Thành Ô Diên đóng vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc với tư cách là trung tâm chính trị - quân sự của nhà nước Vạn Xuân thời kỳ Tiền Thăng Long; một trong những cứ điểm phòng thủ quan trọng bảo vệ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng; nơi kết nối chiến lược với các trung tâm quyền lực khác như thành Cổ Loa, thành Long Biên.
Tô Hiến Thành sinh ra tại xóm Lẻ, hương Ô Diên (nay là Hạ Mỗ) - vùng đất từng là kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân thời Lý Nam Đế. Điều này tạo nên một mạch nguồn lịch sử liên tục, khi cùng một vùng đất đã sản sinh và nuôi dưỡng nên những nhân vật kiệt xuất trong các thời kỳ khác nhau của lịch sử dân tộc.
Đền Văn Hiến - nơi thờ Tô Hiến Thành tọa lạc trên vị trí đắc địa của vùng đất cố đô, bên hữu ngạn sông Nhuệ xưa.
Tô Hiến Thành không chỉ được thờ tự trang nghiêm tại đền Văn Hiến mà còn được nhân dân tôn vinh qua hệ thống văn bia, tượng thờ. Đặc biệt, pho tượng Thái úy với tư thế uy nghi, tay phải cầm sách, tay trái giữ thanh kiếm thể hiện sự văn võ song toàn đã trở thành biểu tượng cho truyền thống hiếu học và khí phách của vùng đất cố đô này.
Tại Chùa Hải Giác
Để làm sáng tỏ cuộc đời và sự nghiệp của Thái úy Phụ chính Tô Hiến Thành, Sở VHTT tỉnh Hà Tây (cũ) phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, UBND huyện Đan Phượng tổ chức hội thảo khoa học “Danh nhân Tô Hiến Thành - cuộc đời và sự nghiệp” tại Đan Phượng vào năm 1997. Hội thảo đã tập trung nghiên cứu về quê hương, cuộc đời và những đóng góp của danh nhân Tô Hiến Thành với hai triều vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông (thế kỷ XII).
Năm 2011, Sở VHTTDL TP. Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Đan Phượng tổ chức Hội thảo khoa học về Thành cổ Ô Diên; tập trung xác định vị trí địa lý, quy mô, ý nghĩa cũng như vai trò lịch sử của thành Ô Diên với tư cách là kinh đô của nhà nước Vạn Xuân nửa cuối thế kỷ thứ VI.
Hai hội thảo đã cung cấp thêm các tư liệu lịch sử quan trọng về vùng đất cổ xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng gắn với Thành cổ Ô Diên và quê hương của Thái phó Tô Hiến Thành.
Chùa Hải Giác thuộc cụm di tích xã Hạ Mỗ là một trong những điểm đến được phát huy giá trị, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn
Đặt trong bối cảnh phát triển hiện nay, các di sản văn hoá có liên quan đến sông Nhuệ cổ, Thành Ô Diên và Danh nhân Tô Hiến Thành có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hoá, là nguồn lực quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của Đan Phượng nói riêng, TP. Hà Nội nói chung.
Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa quê hương Đan Phượng và danh nhân Tô Hiến Thành” nhằm tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ hơn các dấu tích về dòng sông Nhuệ cổ, Thành Ô Diên, về hành trạng Thái phó Tô Hiến Thành gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích liên quan đến danh nhân Tô Hiến Thành ở vùng đất Hạ Mỗ.
Đan Phượng là địa phương giàu truyền thống lịch sử và văn hoá
Đồng thời, thảo luận, lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu, từ đó tạo cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, xây dựng Công viên lịch sử - văn hóa Tô Hiến Thành tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng.
Dự kiến, hội thảo có sự tham gia của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL); lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội; lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP. Hà Nội.
Hội thảo cũng có sự tham gia của đại diện Viện Bảo tồn di tích, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian ứng dụng…; đại diện Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Sử học Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội…
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/phat-huy-gia-tri-di-san-thanh-co-o-dien-va-danh-nhan-to-hien-thanh-121421.html
Bình luận (0)