Đánh đu (hay còn gọi là chơi đu)- trò chơi dân gian có từ lâu đời, gắn liền với cuộc sống sinh hoạt và lao động của đồng bào Mường, Dao, Cao Lan. Trò chơi này thường được tổ chức vào dịp đón năm mới hoặc trong các lễ hội hằng năm; là “món ăn tinh thần” để đồng bào vui chơi, giao lưu, kết bạn giao duyên với sự tham gia của đông đảo các nam thanh, nữ tú.
Đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Đoan Hùng tổ chức chơi đánh đu mỗi dịp lễ hội, Tết đến Xuân về.
Đánh đu thường được tổ chức tại bãi đất bằng phẳng, rộng rãi. Giữa bãi đất, một cây đu bằng tre với cấu tạo 3 phần chính: Phần đỉnh (hay còn gọi là thượng đu, có nhiệm vụ nối hai phần trụ đu với nhau); phần trụ (gồm 4 cây tre lớn, chắc chắn được chôn sâu xuống đất theo thế chân kiềng, chụm lại ở đỉnh đu); phần thân (có hình chữ nhật đứng, phía dưới có bàn đu để người chơi đặt chân khi chơi đu)... cứng cáp và chắc chắn sẽ được dựng lên. Tại các vùng quê, các công đoạn làm cây đu thường được giao cho những người đàn ông trung niên có kinh nghiệm thực hiện. Đu khi hoàn thiện phải trải qua nhiều lần kiểm tra khắt khe, đảm bảo sự chắc chắn, chịu được sức nặng của người đu và lực đẩy trong quá trình đu.
Đánh đu có cách chơi và luật chơi khá đơn giản. Khi khởi động, người chơi sẽ đứng lên dây đu, thò một chân xuống đất để đẩy lấy đà hoặc nhờ người đứng ngoài đẩy đu tạo đà trong nhịp đầu tiên. Khi đu đã bay cao, người chơi chỉ cần điều chỉnh tư thế, hai tay nắm cần đu và nhún nhẹ trong mỗi nhịp bay để đánh đu lên cao. Ai đánh đu ở vị trí cao nhất (độ cao ngang với phần thượng đu) hoặc có nhiều lần đu cao nhất sẽ dành phần thắng. Có hai hình thức chơi đu là đu đơn (1 người) và đu đôi (nam - nữ).
Chơi đu ngoài tính thể thao, đây còn là trò chơi thử thách sự gan dạ của người chơi khi đánh đu lên cao và rèn luyện sự dẻo dai, khéo léo để đánh đu nhịp nhàng. Ngoài ra, đánh đu còn được gọi là trò chơi “giao duyên”, kết đôi của nhiều nam thanh, nữ tú, bởi trong quá trình tham gia, những người chơi cần phải sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng thì mới đánh đu bay cao. Chính vì vậy trò chơi không chỉ hấp dẫn với người tham gia mà còn lôi cuốn khán giả theo dõi, cổ vũ.
Anh Đinh Văn Chiến (xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa) cho biết: Đối với đồng bào Mường, đánh đu không chỉ là trò chơi dân gian mang tính giải trí mà còn là cách để người dân tỏ bày ước vọng năm mới ấm no, hạnh phúc, vạn vật sinh sôi, mùa màng bội thu với đất trời. Đu bay lên rồi hạ xuống, rồi lại vút bay lên không trung tượng trưng cho sự giao thoa, vận hành của âm dương, đất trời. Với giá trị nhân văn sâu sắc, đánh đu là nét đẹp văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người dân quê tôi, mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho mọi người. Nếu như không được chơi đánh đu, ngày lễ, Tết sẽ không thực sự trọn vẹn.
Đồng Niên
Nguồn: https://baophutho.vn/danh-du-ngay-xuan-227574.htm
Kommentar (0)