New colors of the border

Việt NamViệt Nam03/02/2025


Cập nhật ngày: 03/02/2025 05:14:45

ĐTO - Từ thực hiện Kết luận số 245-KL/TU ngày 23/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 - 2025 (viết tắt là Kết luận số 245-KL/TU), diện mạo đô thị, nông thôn, đời sống của người dân TP Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và huyện Tân Hồng có nhiều đổi mới, đi lên. Đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân nhân vùng biên tiếp tục phát huy thành quả, thể hiện khát vọng vươn lên...


Trung tâm TP Hồng Ngự

Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương

Qua thực hiện Kết luận số 245-KL/TU, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới được nâng lên, tạo sự thống nhất, đồng lòng trong cả hệ thống chính trị và Nhân dân, khẳng định tính đúng đắn, phù hợp và cần thiết của chủ trương, chiến lược mà Đảng bộ tỉnh đề ra. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội khu vực biên giới được khôi phục (sau đại dịch Covid-19) và phát triển theo tình hình chung của cả tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh trật tự và an toàn xã hội, nhất là an ninh biên giới tiếp tục ổn định...

Ông Phạm Tấn Đạt - Chủ tịch UBND TP Hồng Ngự, cho biết: “TP Hồng Ngự được UBND tỉnh xác định là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, là vùng kinh tế biên giới trọng điểm phía Bắc của tỉnh Đồng Tháp. Kết luận số 245-KL/TU đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để địa phương triển khai thực hiện, hướng đến phát triển kinh tế khu vực biên giới theo hướng bền vững, ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương”.

Từ năm 2021 đến tháng 6/2024, TP Hồng Ngự được tỉnh bổ sung và bố trí trên 843 tỷ đồng, với 29 dự án (DA) đầu tư cho hạ tầng giao thông. Ngoài ra, địa phương cũng tập trung nguồn lực trên 937 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng với hàng loạt các DA trọng điểm góp phần tăng tính kết nối giữa địa phương với các vùng lân cận, nâng cao sức chịu đựng trước biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và diện mạo mới cho đô thị trẻ, trọng tâm phía Bắc của tỉnh.

Thực hiện Kết luận số 245-KL/TU, đã có 6/10 chỉ tiêu có tiến độ thực hiện tốt, cơ bản đạt và vượt mục tiêu hằng năm, cụ thể: thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2024 ước tăng bình quân 13,19%/năm, vượt mục tiêu 5 năm (kế hoạch 10 - 12%); giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa biên mậu giai đoạn 2021 - 2024 ước tăng bình quân 28,5%/năm, vượt mục tiêu 5 năm (kế hoạch tăng 8%/năm); thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2021 - 2024 ước tăng từ 9,11 - 11,87%/năm (kế hoạch tăng 9 - 11%/năm); dự kiến đến cuối năm 2024: có 94,32% dân cư khu vực biên giới tham gia bảo hiểm y tế (kế hoạch là 95%), 93,2% hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá (kế hoạch là 92,3%), 94% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch (kế hoạch là 98%), hộ nghèo giảm còn 1,85% (kế hoạch là dưới 3,0%), có 19/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100% kế hoạch), có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 100% kế hoạch)...; các chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo đạt mức bình quân của tỉnh; hằng năm, hỗ trợ việc làm cho khoảng 8.708/6.150 lao động, trong đó, có khoảng 336/285 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Sản xuất nông nghiệp khu vực biên giới tiếp tục phát triển theo đúng định hướng chuyên canh, nâng cao chất lượng, gia tăng liên kết sản xuất và tiêu thụ. Ngành hàng lúa phát triển ổn định theo chuỗi giá trị, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu. Ngành thủy sản phát triển khá tốt, đảm bảo cung ứng nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Tốc độ phát triển ngành thủy sản khá đồng đều tại 3 địa phương, riêng huyện Tân Hồng tiếp tục duy trì mức đóng góp vượt trội với tỷ trọng 53%.

Công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị đạt được những kết quả quan trọng như: hoàn thành và triển khai Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự; công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V đối với khu Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (huyện Tân Hồng) và khu Cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự) trong năm 2022, nâng tổng số lên 5 đô thị tại khu vực biên giới, gồm: 1 đô thị loại III (TP Hồng Ngự) và 4 đô thị loại V (thị trấn Sa Rài, thị trấn Thường Thới Tiền, khu Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, khu Cửa khẩu quốc tế Thường Phước); tỷ lệ đô thị hóa khu vực biên giới tính đến nay đạt 36,96%, trong đó, TP Hồng Ngự đạt 78%, huyện Tân Hồng đạt 12%, huyện Hồng Ngự đạt 12,4%.

Đến tháng 6/2024, khu vực biên giới hiện có 97 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang hoạt động ổn định với 4.310 lao động, chủ yếu thuộc nhóm ngành hàng may mặc và chế biến lương thực; đã thành lập Cụm công nghiệp (CCN) An Hòa (43ha) tại TP Hồng Ngự, bổ sung vào quy hoạch 2 CCN tại TP Hồng Ngự (CCN Bình Hưng với 69ha và CCN khởi nghiệp với 29ha); CCN Thường Phước với 75ha tại huyện Hồng Ngự; 2 CCN tại huyện Tân Hồng (CCN Tân Phước với 75ha, CCN Tân Thành B với 50ha). Đồng thời, hệ thống thương mại đến nay có 2 siêu thị (Coopmart Hồng Ngự và Mini Go Hồng Ngự), 31 chợ trong quy hoạch, được phân hạng và 6 cửa hàng tiện lợi; trong giai đoạn 2021 - 2024 đã đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo 11 chợ với kinh phí thực hiện 38,2 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý và phân bổ hỗ trợ cho các địa phương khu vực biên giới khoảng 7.925 tỷ đồng, chiếm 26,29% tổng vốn đầu tư công toàn tỉnh. Trong đó, nổi bật là hàng chục công trình giao thông quan trọng, cùng nhiều DA kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được triển khai đã tạo diện mạo mới, sức sống mới cho vùng biên. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư từ bộ, ngành Trung ương hỗ trợ cho khu vực biên giới thực hiện một số DA khoảng 1.770 tỷ đồng, gồm: DA kè An Lạc (820 tỷ đồng), DA nâng cấp, cải tạo kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng (950 tỷ đồng)...


Các địa phương vùng biên giới đã đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự phấn khởi chia sẻ: “Qua thực hiện Kết luận số 245-KL/TU, huyện được tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến ĐT841 kết nối trung tâm TP Hồng Ngự với Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Thường Phước; mở rộng, nâng cấp Bến phà Hồng Ngự - Tân Châu; kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn thành theo hình thức BOT các DA cầu Cái Vừng, Bến phà Mương Lớn, Bến phà Long Khánh B qua phường An Thạnh và Bến phà Mương Miễu qua Tân Châu (tỉnh An Giang). Huyện tập trung huy động các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình giao thông trọng điểm như: nâng cấp, xây mới các tuyến đường đô thị Thường Thới Tiền, cải tạo hạ tầng khu vực chợ Thường Thới, Cụm dân cư Nam Hang (giai đoạn 2), hoàn thành đưa vào sử dụng Quảng trường Nguyễn Tất Thành, các thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao và đền thờ liệt sĩ huyện, các tuyến đường liên xã cù lao như: ĐH. Phú Thuận A-B, ĐH. Long Khánh A-B, nâng cấp bến khách ngang sông Thường Thới Tiền - Long Khánh A, Thường Thới Tiền - Long Thuận, DA Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện... Các công trình đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo niềm tin, sự phấn khởi trong Nhân dân”.

Ông Đặng Kim Y (69 tuổi), ở Ấp 3, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự cho biết, từ trước đến giờ gia đình ông đều ở Thường Phước. Ông đã trải qua nhiều nghề như làm ruộng, thợ mộc, thợ hồ... để cùng vợ nuôi 4 người con trưởng thành. Nhìn lại quá trình phấn đấu vượt qua khó khăn của gia đình, cùng sự đổi mới, đi lên của quê hương, ông cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc. “Con đường trước nhà tôi giờ được mở rộng, láng nhựa rất thuận tiện cho bà con vùng biên giới đi lại, vận chuyển hàng hóa. Có đường lớn, khách đi lại nhiều, việc mua bán tạp hóa của con tôi, quán ăn chay của vợ chồng tôi luôn ổn định. Bản thân tôi rất vui khi thấy khu vực biên giới những năm gần đây được đầu tư phát triển rất nhanh, từ đường sá, chợ nông thôn đến các trung tâm huyện, thành phố đều có sự khởi sắc vượt bậc. Trước đây, có những nơi khu vực biên giới, bà con ước ao có những con đường được rải đá để khỏi lầy lội trong mùa mưa... nhưng giờ đây có đường đan, đường nhựa, xe ô tô đến được nhiều nhà... ”- ông Y bộc bạch.

Từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024, khu vực biên giới đã thu hút 17 DA đầu tư, trong đó, có 10 DA được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư với tổng vốn hơn 2.369 tỷ đồng (có 1 DA FDI với tổng vốn 41,15 tỷ đồng) và 7 DA được UBND tỉnh chấp thuận giao cho UBND cấp huyện tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, đã có 4 DA hoàn thành đi vào hoạt động; thu hút được sự quan tâm, tìm hiểu của nhiều nhà đầu tư như: Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Novagroup... Cũng trong giai đoạn này, các địa phương phát triển mới được 439 doanh nghiệp, với tổng nguồn vốn đăng ký hơn 3.559 tỷ đồng...

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu Kết luận số 245-KL/TU trong năm 2025, các cấp, các ngành, địa phương khu vực biên giới đang tập trung thực hiện các giải pháp phát huy và duy trì chất lượng thực hiện các chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2023 đạt tốt như: thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, lao động được tạo việc làm hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, xây dựng xã nông thôn mới; cải thiện tình hình thực hiện, khắc phục hạn chế để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu còn lại: thu nhập bình quân đầu người, xuất nhập khẩu biên mậu, tỷ lệ dân cư tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, xây dựng huyện nông thôn mới...

Thành Nam



Nguồn: https://baodongthap.vn/kinh-te/sac-moi-vung-bien-128985.aspx

Comment (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available