Phần mềm chuyển đổi số được nhiều doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực lựa chọn áp dụng |
Nâng tầm dịch vụ
Công ty TNHH MTV DV VSCN Không Gian Sạch là một trong những DN nhỏ tiên phong tại TP. Huế áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ. Với ứng dụng dọn dẹp EClean được phát triển riêng, công ty đã thay đổi cách quản lý và cung cấp dịch vụ dọn dẹp nhà cửa. Người dùng chỉ cần tải ứng dụng về máy điện thoại thông minh, tự đăng ký lịch làm vệ sinh nhà cửa khi cần mà không qua trung gian hay mất phí môi giới.
Theo ông Hoàng Trọng Chuẩn, Giám đốc Công ty TNHH MTV DV VSCN Không Gian Sạch, ứng dụng này giúp khách hàng dễ dàng đặt lịch hẹn, lựa chọn gói dịch vụ phù hợp, theo dõi quá trình thực hiện và đánh giá chất lượng sau khi hoàn thành. Đồng thời, hệ thống còn hỗ trợ quản lý lịch làm việc, phân công nhân viên và tính toán chi phí tự động, giúp giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian. “Chỉ với một chiếc điện thoại, khách hàng và công ty đều có thể quản lý công việc của từng nhân viên và tiếp nhận phản hồi. Nhờ đó, hiệu suất làm việc tăng nhiều so với trước và tỷ lệ phản hồi tích cực đạt trên 95%”, ông Chuẩn chia sẻ.
Đối với ngành dịch vụ ăn uống, công nghệ số cũng mang lại nhiều cải tiến vượt bậc. Nhà hàng Yên Yakiniku Nhật Bản tại một quận của TP. Huế là một ví dụ điển hình với việc triển khai phần mềm hiển thị nhà bếp KDS. Phần mềm KDS giúp kết nối trực tiếp giữa khu vực tiếp nhận đơn hàng và nhà bếp. Khi khách hàng gọi món, đơn hàng được hiển thị ngay trên màn hình trong bếp, đảm bảo đội ngũ đầu bếp nắm rõ thông tin, giảm thiểu sai sót và rút ngắn thời gian chờ đợi. Ngoài ra, hệ thống còn hỗ trợ theo dõi tình trạng hoàn thành món ăn theo thời gian thực, giúp quản lý nhà hàng giám sát hiệu quả hơn.
“Trước đây, việc trao đổi thông tin về thực đơn khách hàng giữa nhân viên phục vụ và nhà bếp thường xảy ra lỗi, nhưng từ khi sử dụng KDS, tất cả đều rõ ràng và nhanh chóng hơn. Khách hàng không phải chờ lâu và chúng tôi cũng tiết kiệm được chi phí vận hành đáng kể”, ông Trương Viết Hướng, quản lý Nhà hàng Yên Yakiniku - buffet nướng Nhật Bản cho biết.
Quán cà phê Gardenia Coffee Bakery, một điểm đến quen thuộc tại Huế áp dụng phần mềm quản lý nhân sự và xếp lịch chấm công để cải thiện quy trình vận hành. Đây là giải pháp thiết thực giúp tối ưu hóa việc sắp xếp ca làm việc, theo dõi giờ làm của nhân viên và đảm bảo tính minh bạch trong tính lương.
Trước khi áp dụng phần mềm, việc quản lý nhân sự tại Gardenia Coffee Bakery thường mất nhiều thời gian và dễ xảy ra nhầm lẫn. Nay nhờ công nghệ hỗ trợ, mọi thông tin về ca làm việc, nghỉ phép và lương thưởng đều được tự động hóa, giảm thiểu tối đa công việc giấy tờ thủ công.
“Nhân viên chỉ cần đăng nhập để biết lịch làm việc của mình. Phần mềm còn hỗ trợ tính lương chính xác dựa trên số giờ làm thực tế nên cả nhân viên và quản lý đều hài lòng”, ông Võ Phan Thế Anh, người sáng lập, kiêm Giám đốc Gardenia Coffee Bakery cho hay.
Từ những bước nhỏ
CĐS đang trở thành xu hướng phát triển trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế số. Với các DN nhỏ và siêu nhỏ, việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp tối ưu hóa hoạt động mà còn là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, DN nhỏ và siêu nhỏ thường đối mặt với nhiều khó khăn khi bắt tay vào CĐS. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố, Tổng Giám đốc khu vực miền Trung của Tập đoàn Scavi cho biết, phần lớn DN nhỏ và siêu nhỏ có quy mô nhỏ, doanh thu và lợi nhuận chưa cao. Việc đầu tư vào các giải pháp công nghệ, dù ở mức tối thiểu cũng là một gánh nặng tài chính đối với họ. Chưa kể, nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ không có đội ngũ nhân viên chuyên trách về công nghệ thông tin. Việc tuyển dụng hay đào tạo nhân sự để vận hành các giải pháp công nghệ thường vượt quá khả năng của DN. Mặc dù chính quyền và các tổ chức liên quan đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, nhưng không phải DN nào cũng tiếp cận được những nguồn lực này.
Theo ông Trần Văn Mỹ, để CĐS hiệu quả, các DN nhỏ và siêu nhỏ nên bắt đầu từ những giải pháp đơn giản, chủ DN cần hiểu rõ giá trị của CĐS và cách ứng dụng phù hợp với mô hình kinh doanh của mình. Tham gia các khóa đào tạo, hội thảo và tư vấn từ các chuyên gia sẽ giúp họ có cái nhìn rõ ràng hơn. Hiện chính quyền TP. Huế đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ CĐS, từ tư vấn đến cung cấp công cụ và ưu đãi tài chính. DN nên chủ động tìm hiểu và tận dụng các nguồn lực này.
CĐS là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và sẵn sàng thay đổi. DN nhỏ và siêu nhỏ cần linh hoạt điều chỉnh chiến lược dựa trên tình hình thực tế và phản hồi từ thị trường. “Thời gian tới, Hiệp hội DN thành phố sẽ chủ động triển khai nhiều chương trình thiết thực, cụ thể hơn để đồng hành cùng DN nhỏ và siêu nhỏ trong CĐS. Với sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan cùng với sự nỗ lực từ chính các DN, cộng đồng DN Huế sẽ có những bước tiến đột phá từ CĐS”, ông Trần Văn Mỹ tin tưởng.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/buoc-tien-cua-doanh-nghiep-tu-chuyen-doi-so-150535.html
Comment (0)