Vượt qua một năm gian nan
Vừa mất việc, gia đình 7 người của bà Lê Thị Nga (50 tuổi) quyết định năm nay không về quê ăn Tết.
Bế đứa cháu nội đang phát sốt, bà Nga ra vào ngóng con. Nhiều tháng qua, bà và các con phải chạy xe ôm, đi xin làm phụ hồ, bốc vác, nhận đồ về nhà gia công. Vì không biết lái xe, tuổi đã cao, bà Nga chỉ có thể làm việc ở gần nhà và xin những công việc thời vụ đơn giản.
Thu nhập của cả gia đình sụt giảm, mỗi lần đi chợ, bà Nga phải tính toán lắm, mua cầm chứng 5kg gạo một lần để còn dành tiền thức ăn. Số gạo được gói ghém, chia chi ly vài ngày để chờ gom tiền chợ, có mới mua tiếp.
Qua một giai đoạn thực sự khó khăn, gia đình công nhân này vẫn cố bám trụ ở thành phố, chờ đợi, không có ý định quay về quê nhà Vĩnh Long.
“Đón Tết xa nhà để tiết kiệm chứ không nhà tôi sợ không còn tiền cho tụi nhỏ ăn học. Tết năm nay, tôi nhờ các em ở quê thắp nhang cúng tổ tiên, ông bà giúp, như vậy cũng thấy đỡ áy náy phần nào. Giờ tôi mới nhận ra, không có tiền ăn hằng ngày mới đáng lo, còn về quê thì có thể chọn thời điểm thích hợp hơn”, bà Nga chia sẻ.
Năm vừa qua, chị Hoàng Thị Đào, công nhân nhà máy cao su ở Bình Dương, cũng gặp không ít khó khăn. Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, chị cũng ít việc do công ty thiếu đơn hàng.
Đúng lúc mấy năm trở lại đây, căn bệnh khớp đeo đẳng, thêm chi phí phải lo. Đến nay, chị đã có 7 năm lăn lộn làm việc tại Bình Dương, sau chuyến đi ô tô mấy ngày từ quê hương Hoa Lư (Ninh Bình) mang theo ước nguyện thay đổi cuộc sống.’
Là mẹ đơn thân, chị càng phải nỗ lực gấp nhiều lần mọi người. Bệnh tật, công ty bố trí cho chị làm tại những vị trí việc nhẹ nhàng, phù hợp với tình hình sức khỏe nhưng đồng nghĩa thu nhập eo hẹp hơn. Cáng đáng việc học hành của con quá sức, chị đành để con tạm dừng ước mơ vào đại học để đi làm, kiếm thêm phụ giúp mẹ.
“Vì không có tiền, con tôi đã bỏ lỡ đại học. Đầu năm con đi làm cho công ty sơn, nay lại là công ty bảo vệ. Nhìn con bươn chải cuộc sống, tôi cũng không cam lòng. Năm tới, tôi cố gắng động viên con quay lại giảng đường”, chị Đào nói.
Hoàn cảnh khó khăn, chị Đào đã hoãn niềm vui sum họp ngày Tết cùng gia đình, lần lữa đã 7 năm trôi qua. Số tiền mua vé, di chuyển về quê, chị Đào tính toán, có thể giúp mẹ con chị trả 2 tháng thuê trọ.
“Chính vì khó khăn, nên từ khi vào Bình Dương làm việc, tôi chưa có dịp trở ra Bắc đón Tết cùng gia đình”, chị Đào trùng giọng.
Ước nguyện đầu năm mới
Hơn 1 tháng trước, lòng chị Đào vui như mở cờ trong bụng khi nhận được chiếc vé máy bay miễn phí của công đoàn.
Sau bao năm xa cách, chị lại có dịp được sum vầy cùng gia đình, hưởng trọn vẹn Tết cổ truyền của dân tộc.
Mọi năm, chị đón Tết ở phòng trọ chật hẹp, mọi thứ không khác ngày thường là bao. Tết 2024, cuộc sống của chị có sự đổi thay từ chuyến đi về quê hương, nơi tiếp thêm cho chị động lực tiếp tục, nỗ lực làm việc miệt mài hơn nữa.
Ở tuổi 50, chị Đào mong có sức khỏe bền bỉ để tiếp tục làm việc, có đồng lương đủ nuôi bản thân và nuôi con ăn học. Chị mong công ty nhiều đơn hàng hơn nữa, để người lao động có thể tăng ca, thu nhập không dậm chân ở mức lương cơ bản. Từ đó, con của chị có thể tiếp tục đến giảng đường, yên tâm học tập, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Nhìn dòng người xuôi ngược ngày Tết, nhìn cảnh các gia đình quây quần, đoàn viên, nữ công nhân Lê Thị Nga cũng chợt thấy chạnh lòng. Nhưng khi ngó sang mấy đứa cháu nội, bà Nga chợt mỉm cười, như vừa được tiếp thêm động lực.
Gia đình bà Nga ước cuộc sống năm nay ổn định hơn, để các cháu của bà năm sau được về quê, đỡ “khát” mùi Tết quê như năm nay.
“Năm mới, tôi hi vọng có thể tìm được một công việc phù hợp với tuổi tác và sức khỏe của mình. Trước đây, chúng tôi mơ có được một căn nhà để có chỗ đi lại ấm êm, nhưng giờ đây chỉ cần gia đình có sức khỏe, công việc ổn định là hạnh phúc rồi.
Chỉ là thời gian này kinh tế khó khăn, ai cũng chật vật, không riêng gia đình mình. Vậy nên chúng tôi vẫn hi vọng sang năm sẽ có thể xin vào làm ở một nhà máy khác, đồng thời kiếm thêm một công việc tay trái để tăng thêm thu nhập”, bà Nga bộc bạch.