Hàng năm, ở tỉnh ta, vào mùa khô thường xảy ra các thiên tai như nắng nóng, hạn hán, thiếu nước ngọt và nguồn nước mặt bị nhiễm mặn.
Bên cạnh triển khai các giải pháp công trình để phòng, chống (như xây cống, nạo vét kênh, mương, đắp đập…), nhiều nơi trong tỉnh, nhất là vùng Nam Mang Thít, người dân và các tổ chức sản xuất nông nghiệp rất quan tâm đến việc trữ nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trong mùa này. Một số giải pháp sau đây có thể nghiên cứu áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Nhờ khai thác các công trình cống lớn, kênh, rạch sau cống để trữ nước ngọt, nên thiệt hại do hạn mặn mùa khô 2023-2024 là không lớn. Trong ảnh: Cống Vũng Liêm phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt. |
Khai thác triệt để các hình thức trữ nước truyền thống
Theo các chuyên gia về thủy lợi, do diện tích tự nhiên của tỉnh Vĩnh Long không lớn và không thường xuyên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước gay gắt, nghiêm trọng như các tỉnh ven biển ở vùng ĐBSCL (trừ một số năm cực đoan như mùa khô năm 2015-2016, 2019-2020), nên nhu cầu về xây dựng hồ chứa nước thủy lợi loại vừa, lớn (dung tích từ 1 triệu đến 1 tỷ m³) là chưa cần thiết.
Ngoài ra, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng không có danh mục đầu tư hồ chứa thủy lợi, hiện tỉnh ta chỉ có hồ chứa nước loại nhỏ dùng cho mục đích sinh hoạt (dung tích dưới 500.000m³). Vì vậy, giải pháp khả thi và tiết kiệm nhất hiện nay là sử dụng những hình thức trữ nước tự nhiên như trữ trong các sông ngòi, kênh, rạch, ao, hồ… hay trữ trong các dụng cụ, thiết bị chứa nước truyền thống dân gian.
Thực tế những năm qua cho thấy, hộ dân và các tổ chức sản xuất nông nghiệp (tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) trong tỉnh đã sử dụng rất phổ biến, hiệu quả hình thức trữ nước trong ao, hồ, mương, vũng, đập tạm, lu, bồn, thùng hoặc khai thác nước ngầm để tưới, sinh hoạt thay cho nguồn nước mặt bị nhiễm mặn... trong mùa khô.
Theo tổng hợp của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có các phương tiện, trang thiết bị có thể huy động vào việc trữ, cấp nước ngọt phục vụ phòng, chống thiếu nước, hạn mặn, gồm: hồ chứa có 72 hồ chứa cỡ nhỏ (dung tích chứa từ vài chục đến vài trăm khối nước) và 1 hồ chứa có dung tích 30.000m3 ở TT Vũng Liêm (huyện Vũng Liêm), các hồ chứa này chủ yếu dùng để trữ nước ngọt phục vụ cấp nước sinh hoạt.
Bên cạnh còn có gần 5.000 bồn, thùng, túi chứa nước (cỡ từ 500 lít đến 10m3 nước) do các tổ chức hỗ trợ và hộ dân tự trang bị. Hiện hơn 120 nhà máy cấp nước sinh hoạt khu vực đô thị, nông thôn đều có kế hoạch trữ nước ngọt.
Những năm gần đây, ở các xã bị nhiễm mặn cao thuộc huyện Vũng Liêm, Long Hồ, Mang Thít, Trà Ôn, người dân và các tổ chức sản xuất đã sử dụng giải pháp trữ nước ngọt bằng vật liệu mới rất hiệu quả; đó là túi, bồn nhựa và bạt chống thấm HDPE (bạt nhựa cao cấp) để làm bể trữ nước ngọt.
Bể trữ nước chứa từ vài chục m3 đến hàng ngàn m3, được dùng trữ nước ngọt để tưới cho cây trồng và cấp nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình trong thời gian bị thiếu nước do hạn, mặn. Những dụng cụ, vật liệu trữ nước này có kinh phí đầu tư không lớn, lại dễ sử dụng, dễ di chuyển và được người dân linh hoạt chuyển đổi mục đích sử dụng.
Sông, kênh, rạch trữ nước thay cho hồ chứa nước
Một giải pháp khả thi, hiệu quả đã và đang được sử dụng phổ biến trong tỉnh thời gian gần đây là trữ nước trong các kênh, rạch sau các cống, đập. Giải pháp này không cần xây dựng những hồ chứa thủy lợi nhân tạo theo đúng tiêu chuẩn mà vẫn chứa được lượng nước rất lớn.
Trước đây, hệ thống thủy lợi trong tỉnh được quy hoạch, xây dựng theo hình thức bao nhỏ, xung quanh ô bao là đê bao, bờ bao, cống, đập khép kín; mỗi ô bao có diện tích từ 50-500ha.
Trong ô bao là những kênh, rạch nội đồng có kích thước nhỏ nên lượng nước trữ trong mùa khô không lớn, gây khó khăn cho nhiều nơi trong việc trữ và khai thác nước ngọt để tưới, sinh hoạt. Tình trạng này đã xảy ra vào mùa khô năm 2015-2016, từ đó dẫn đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng.
Sau này, từ năm 2018 khi Dự án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng thủy lợi tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt, vùng ô bao được đầu tư mở rộng lớn hơn, có diện tích hàng ngàn đến hàng chục ngàn hecta, bằng việc đầu tư đê bao lớn ven các sông lớn và xây dựng các cống lớn tại các cửa sông, nhằm giúp chủ động ngăn triều, ngăn mặn trên vùng rộng lớn. Từ đó, nhiều sông, kênh, rạch lớn (kênh cấp 1, cấp 2) ngoài đê bao trước đây được xây cống 2 đầu, được nhiều nơi tận dụng, chuyển công năng làm công trình chứa, trữ nước ngọt trong mùa khô.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 5.000 tuyến sông, kênh, rạch dài gần 5.600km, trong đó có gần 2.000 kênh cấp 3, kênh nội đồng và khoảng 1.000 kênh, rạch lớn (kênh cấp 1, cấp 2) nằm sau các cống, đập đang được khai thác để trữ nước ngọt. Bên cạnh, còn có trên 6.000 cống các loại, trong đó có trên 40 cống lớn (cửa cống rộng từ 5m trở lên) được xây dựng ở các vàm sông, rạch lớn như cống Vũng Liêm, cống Tân Dinh, cống Nàng Âm, cống Cái Tôm, cống Thanh Bình… cũng được sử dụng trữ, chứa nước ngọt.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, nhờ hệ thống thủy lợi đã khép kín gần 94,4% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nhờ khai thác các công trình cống lớn, kênh, rạch sau cống để trữ nước ngọt, nên trong mùa khô năm 2023-2024 vừa qua, mặc dù hạn hán xảy ra gay gắt, nhưng nhìn chung, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp- thủy sản do hạn hán, xâm nhập mặn của mùa khô này là không lớn.
Cống và kênh, rạch sau cống là công trình trữ nước rất lớn, cung cấp nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô. Trong ảnh: Cống Cái Tôm ở huyện Vũng Liêm. |
Theo đánh giá của các chuyên gia thủy lợi, để khai thác tốt lợi thế từ hệ thống kênh, rạch và công trình thủy lợi hiện có trong việc trữ nước ngọt trong mùa khô thì cần tăng cường đầu tư khép kín thủy lợi (tập trung đầu tư xây các cống lớn, cống cửa sông); đồng thời thực hiện tốt công tác duy tu, sửa chữa công trình (đặc biệt là kênh, mương nội đồng) và tổ chức vận hành khai thác tốt công trình thủy lợi hiện có.
Trong đó, việc nạo vét kênh, mương nội đồng, duy tu, sửa chữa các cống, đập cần thực hiện thường xuyên nhằm tăng lượng nước trữ. Còn công tác vận hành công trình thì vừa tuân thủ theo quy trình, vừa chủ động, linh hoạt ngăn mặn, trữ nước ngọt, đảm bảo cung cấp nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của các cơ sở sản xuất và người sử dụng nước.
Bên cạnh, công tác tuyên truyền, vận động người dân và các tổ chức sản xuất về khai thác nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả từ các công trình thủy lợi và chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, về xả thải nguồn nước vào kênh, rạch trong thời gian đóng cống, trữ nước nhằm bảo vệ nguồn nước trong cống không bị ô nhiễm, sử dụng an toàn trong suốt mùa khô cũng cần được tăng cường thực hiện.
Bài, ảnh: THÀNH THẶNG
Nguồn: https://baovinhlong.vn/tin-moi/202502/tru-nuoc-ngot-phong-han-man-mua-kho-11c093b/
تعليق (0)