Tiến sĩ Trần Ngọc Quang hiện công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, Đại học Quốc gia TPHCM. Anh là một trong 10 nhà khoa học nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2024.
Hun đúc ý chí từ vị mặn mòi của biển
Sinh ra và lớn lên ở một làng chài nhỏ ven biển huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, anh đã quá quen với tiếng động cơ ghe máy rền vang mỗi lần tàu cá vươn khơi. Biển không chỉ là một phần ký ức, mà còn là nhịp sống của cả gia đình anh.
Cha anh đã gắn bó cả đời với những chuyến ra khơi. Hai anh trai và em trai nối nghiệp cha, ngày ngày bươn chải giữa trùng khơi, xem biển như người bạn tri kỷ. Mẹ anh buôn bán cá ngoài chợ, đôi tay đếm từng đồng lẻ. Vị mặn mòi của biển, mùi tanh của cá, hòa vào tiếng rao lanh lảnh mỗi sáng sớm, trở thành một phần trong những ngày thơ bé của anh.
Và mang theo vị mặn mòi của biển cả, ánh mắt hy vọng của cha, đôi tay chai sạn của mẹ, rồi cả tiếng sóng đêm khuya suốt thời thơ ấu… anh quyết tâm đến với chân trời của tri thức, của khoa học. “Có lẽ chính sự giản dị ấy đã trở thành động lực để tôi bước đi trên con đường nghiên cứu”, tiến sĩ trẻ nói.
TS. Trần Ngọc Quang là một trong 10 nhà khoa học nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2024. Ảnh: Dương TriềuSự hiếu kỳ và thích khám phá về các kiến thức mới bắt đầu khi anh theo học chuyên ngành Khoa học vật liệu tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG TPHCM. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học và Kỹ thuật vật liệu tiên tiến tại ĐH Sungkyunkwan (Hàn Quốc), anh tiếp tục nhận học bổng vào chương trình nghiên cứu sinh tại ngành Hóa học và ngành Khoa học năng lượng.
“Tôi nhận thấy, ngành Khoa học năng lượng là một ngành học mới, kết hợp kiến thức từ các lĩnh vực khoa học cơ bản như Hóa học, Vật lý, vật liệu và Toán học. Nhưng với đam mê khám phá những điều mới, vượt qua các giới hạn của bản thân, tôi đã đã quyết định chọn ngành học này với định hướng nghiên cứu và ứng dụng các vật liệu nano thấp trong công nghệ năng lượng xanh, năng lượng tái tạo”, anh Quang nói.
Vượt qua sự hoài nghi về chính mình
Thời điểm năm cuối trong chương trình nghiên cứu sinh, anh Quang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần.
“Tôi bị sốt, suy nhược, mất ngủ lâu, rối loạn lo âu do thức khuya quá nhiều. Đó là khoảng thời gian tôi làm việc nhiều, nghiên cứu quá sức và luôn hoài nghi về chính mình. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 đã khiến tôi đưa ra quyết định về nước”, anh Quang nói.
Có lẽ, quyết định về nước làm việc là dấu ấn lớn nhất trên hành trình sự nghiệp của tiến sĩ trẻ. “Đây là quyết định không hề dễ dàng vì tại thời điểm đó tôi đã xin được vị trí nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đại học Chicago, Mỹ”, anh tâm sự.
Về nước, nhận công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và Phân tử, ĐHQG TPHCM, TS. Quang được giao nhiệm vụ xây dựng một nhóm nghiên cứu chuyên sâu và có trường phái riêng.
Theo anh Quang, đây thật sự là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội cho bản thân. Với công việc hiện tại là một trưởng nhóm nghiên cứu, anh đã khám phá ra nhiều kỹ năng mà bản thân mình chưa được trải nghiệm và cũng vượt qua sự hoài nghi về năng lực của bản thân mình.
TS. Quang được giao nhiệm vụ xây dựng một nhóm nghiên cứu chuyên sâu và có trường phái riêng.
Hiện tại, hướng nghiên cứu chính của anh tập trung vào việc kết hợp các nguồn tài nguyên có sẵn như nước biển tự nhiên, nước tiểu con người chứa urê, và ánh sáng mặt trời để sản xuất nhiên liệu hydro xanh thông qua công nghệ điện phân nước.
Theo TS. Quang, gần đây, các phương tiện chạy bằng hydro đang nổi lên do tính thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, khí hydro không tồn tại trong tự nhiên, vì vậy cần có các chiến lược để tổng hợp và lưu trữ nó.
Hiện, khoảng 95% sản lượng hydro được sản xuất bằng phương pháp khí hóa khí thiên nhiên (natural gas reforming), sử dụng các nhiên liệu hóa thạch và thải ra môi trường một lượng lớn khí thải nhà kính CO2.
Với chàng tiến sĩ trẻ, nghiên cứu không chỉ là cho đi, cống hiến tri thức mới, mà còn là sự trau dồi và học hỏi rất nhiều tri thức cho chính bản thân mình.
“Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đòi hỏi các nhà nghiên cứu không ngừng vận động, tự học tập và học hỏi từ các đồng nghiệp, học trò để bắt kịp xu hướng nghiên cứu, làm chủ các công cụ nghiên cứu mới, tiệm cận với các nghiên cứu trên thế giới. Trong nghiên cứu, chúng ta sẽ thụt lùi nếu tự mãn và giới hạn bản thân”, TS. Quang nói.
TS Quang rất vui khi chứng kiến sự trưởng thành của học trò, là thế hệ trẻ kế cận và nòng cốt trong tương lai. Hiện nhiều nhà nghiên cứu tại Việt Nam đang rất cố gắng để cạnh tranh với các cơ sở giáo dục nước ngoài trong việc giữ chân các thế hệ trẻ học tập và theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu tại Việt Nam.
Thành tích nổi bật của TS . Trần Ngọc Quang :
- Học bổng sau tiến sĩ trong nước của Quỹ VINIF năm 2023 - 2024, 2024 -2025;
- Giải thưởng nghiên cứu xuất sắc của Giám đốc Trung tâm CINAP-IBS, Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc năm 2018;
- Giải thưởng công bố khoa học xuất sắc của khoa Khoa học Năng lượng, Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc năm 2018;
- 41 công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1 (17 bài là tác giả chính), 5 công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q2 (1 bài là tác giả chính)
تعليق (0)