جاذبية الفعاليات الثقافية والسياحية في أوائل الربيع

Việt NamViệt Nam07/02/2025


Nói đến trải nghiệm du lịch đầu xuân xứ Thanh không thể không nhắc đến các lễ hội truyền thống và chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch hấp dẫn. Phát huy giá trị, nỗ lực sáng tạo và khẳng định bản sắc từ các sự kiện văn hóa, du lịch đã giúp Thanh Hóa thu hút lượng lớn khách du lịch từ những ngày đầu xuân.

Sức hút từ các sự kiện văn hóa, du lịch đầu xuânMột góc chợ quê tại sự kiện “Tết xưa làng cổ” (TP Thanh Hóa) thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ.

Bên cạnh ý nghĩa về bảo tồn di sản, quảng bá văn hóa, các sự kiện văn hóa, du lịch đang dần trở thành sản phẩm du lịch ấn tượng, thu hút du khách khi đến với xứ Thanh. Kỳ vọng tăng sức hút từ các sự kiện văn hóa, du lịch, năm nay tại khắp các địa phương, điểm đến trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức khoảng 150 sự kiện. Trong đó, mùa xuân gắn với các lễ hội truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Lễ hội đền Bà Triệu (Hậu Lộc), lễ hội đền Cửa Đạt (Thường Xuân), lễ hội Chùa Mèo (Lang Chánh), lễ hội đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn), lễ hội Mường Xia (Quan Sơn), lễ hội Phủ Na (Như Thanh)... Bên cạnh đó là các hoạt động Tết xưa, với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống, các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc phục vụ du khách khi đến xứ Thanh dịp đầu xuân.

Nằm ở hữu ngạn sông Chu, Khu Di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh Cửa Đạt (Thường Xuân) là một trong những địa danh thu hút lượng lớn du khách dịp đầu xuân của tỉnh. Di tích bao gồm đền thờ Cầm Bá Thước - vị thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương của đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Thanh, đền thờ Bà chúa Thượng Ngàn - vị Mẫu thần cai quản miền rừng núi trong tín ngưỡng tâm linh thờ Mẫu của người Việt. Năm nay, cùng với các hoạt động dâng hương, vãn cảnh, từ ngày 29/1 (tức mùng 1 tết) đến 29/3 lễ hội đền Cửa Đạt sẽ diễn ra một số hoạt động văn hóa như: Lễ rước quan Cầm Bá Thước; tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian (múa sạp, ném còn, chơi đu...); quảng bá đặc sản địa phương... Cũng trong dịp đầu xuân, trên địa bàn huyện Thường Xuân còn diễn ra lễ hội Nàng Han Trịnh Vạn. Lễ hội bắt đầu bằng việc rước lễ vật từ thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân vào trong hang Mường để tế Nàng Han và các thần linh cai quản bản Mường, cầu mong ấm no, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi... Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc như: cồng chiêng, khua luống, nhảy sạp, kéo co, đẩy gậy, tò lẹ, tung còn... mang đến không gian văn hóa đa thanh, đa sắc hấp dẫn du khách.

Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Thường Xuân, Lê Hữu Giáp cho biết: "Dịp đầu xuân, cùng với lễ hội đền Cửa Đạt, trên địa bàn huyện còn diễn ra một số sự kiện văn hóa, du lịch hấp dẫn khác, khuyến khích du khách đến tham dự, trải nghiệm. Với số lượng khách lớn, lên tới hàng chục nghìn người, có thời điểm lượng khách quá tải trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trước đó, huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh lễ hội; kế hoạch phân luồng giao thông; đảm bảo an ninh trật tự... trong những ngày cao điểm. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác giám sát, quản lý tại các điểm di tích, tuyên truyền đến người dân và du khách thực hiện nghiêm nội quy, quy định của điểm đến, để lễ hội thực sự an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tiết kiệm, hiệu quả”.

Còn tại trung tâm TP Thanh Hóa, những ngày đầu xuân nhịp sống dường như chậm lại, với đa dạng hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn như: chuỗi hoạt động Tết xưa làng cổ (làng cổ Đông Sơn), trình diễn thư pháp (Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh), “Không gian xưa” (Bảo tàng tỉnh)... Không quá ồn ào, tấp nập như một số điểm di tích lịch sử khác của tỉnh, song những sự kiện này luôn có sức hút với du khách. Chỉ riêng chuỗi hoạt động Tết xưa làng cổ tại phường Hàm Rồng, từ ngày 18/1 đến ngày 2/2 (tức ngày 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ) đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, check-in.

Chị Nguyễn Thị Huyên (TP Thanh Hóa), cho biết: "Nhờ có các sự kiện văn hóa, du lịch đầu xuân của thành phố mà gia đình tôi có thêm những trải nghiệm, không gian giáo dục văn hóa truyền thống cho các con vô cùng ý nghĩa. Giữa nhịp sống hối hả, những ngày đầu xuân được thong thả đi chợ quê làng cổ Đông Sơn, vãn cảnh chùa Phạm Thông hay đến Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xem trình diễn thư pháp, xin chữ đầu năm... các thành viên trong gia đình tôi thực sự cảm thấy thoải mái, như được tiếp thêm năng lượng cho một năm mới. Người dân TP Thanh Hóa nói riêng, du khách nói chung rất cần có thêm những sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn như vậy để được tham gia, trải nghiệm".

Một trong những định hướng phát triển của du lịch Thanh Hóa trong những năm gần đây là phát triển sản phẩm dựa trên lợi thế nổi trội về thiên nhiên và văn hóa từng địa phương, nhằm làm mới sản phẩm du lịch chủ lực, trong đó có sản phẩm du lịch văn hóa. Theo các chuyên gia du lịch, việc tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch dịp đầu xuân không chỉ góp phần quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa mà còn đóng góp hiệu quả trong quá trình phát triển và nâng tầm sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Trong khi đó, Thanh Hóa đang có rất nhiều lợi thế để tạo nên những không gian trải nghiệm văn hóa, du lịch sáng tạo, hấp dẫn.

Theo lịch sự kiện, từ ngày 28/1 (tức 29 tháng Chạp) đến mùng 10 tháng Giêng có gần 30 sự kiện lễ hội văn hóa, du lịch diễn ra ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Sự thành công của các sự kiện được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên bức tranh du lịch đầy màu sắc, hấp dẫn, hứa hẹn mang đến một năm mới bội thu của “ngành công nghiệp không khói” xứ Thanh.

Bài và ảnh: Hoài Anh



Nguồn: https://baothanhhoa.vn/suc-hut-tu-cac-su-kien-van-hoa-du-lich-dau-xuan-238922.htm

تعليق (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available