Sau hơn một năm nghiên cứu, cơ quan chức năng xác định 145 triệu m3 cát biển ở Sóc Trăng có thể dùng ngay làm vật liệu đắp nền cao tốc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố thông tin nêu trên tại Hội nghị tổng kết ngành, sáng 31/12. Một năm qua, Cục Địa chất Việt Nam nghiên cứu đề án Đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Khu vực đánh giá rộng 250 km2 tại vùng biển thuộc tỉnh Sóc Trăng, cách bờ 16-18 km. Cơ quan nghiên cứu đã xác định được một thân khoáng cát biển trên diện tích 160 km2 với trữ lượng cát biển đáp ứng tiêu chuẩn san lấp hạ tầng đô thị, san lấp nền đường ôtô. Cấu tạo thân khoáng là các thành tạo cát hạt mịn, bở rời, lẫn ít bột. Tính đồng nhất về thành phần, độ hạt khá cao. Chiều dày thân cát trung bình 4,3 m; hàm lượng tổng cát trung bình 82,8%.
“Cát biển tại khu vực đánh giá là cát hạt mịn, thành phần chủ yếu là thạch anh, độ chặt trung bình 6,39%”, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh này đã nhận bàn giao khu vực khai thác 145 triệu m3 cát biển từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải. Do đây là hoạt động chưa có tiền lệ nên các ban ngành của Sóc Trăng đang tích cực phối hợp cùng hai bộ để hoàn thiện hồ sơ, sớm khai thác đáp ứng nhu cầu thi công cao tốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nhu cầu sử dụng vật liệu đắp nền của các công trình hạ tầng giao thông năm qua rất lớn. Đầu năm tới, dự báo nhu cầu tiếp tục tăng do nhiều dự án giao thông trọng điểm tiếp tục được khởi công. “Để sẵn sàng vật liệu cho thi công, ngành Tài nguyên và Môi trường cần tích cực phối hợp với các địa phương nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu san lấp, đặc biệt là cát biển”, lãnh đạo Chính phủ nói.
Khai thác cát sông ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn do nguy cơ sạt lở cũng như lượng lượng cát đổ về từ thượng nguồn Mekong vào Việt Nam qua sông Tiền (Tân Châu, An Giang và Hồng Ngự, Đồng Tháp) và sông Hậu (Châu Đốc, An Giang) thấp hơn nhiều so với ước tính trước đây.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát làm vật liệu san lấp hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, nguồn cung tại chỗ hạn chế khiến nhiều tuyến cao tốc trọng điểm nguy cơ chậm tiến độ. Đơn cử, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 110 km cần 18,1 triệu m3 cát nhưng mới được cung ứng gần 1,5 triệu m3 (8%) khiến công trình chậm tiến độ 3 tháng.