Xuất khẩu lao động bứt phá nhưng vẫn còn điểm yếu về ngoại ngữ, kỷ luật

Báo Dân SinhBáo Dân Sinh22/01/2025

(LĐXH) - Với hơn 158.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, 2024 được coi là năm thành công với công tác xuất khẩu lao động. Nhưng điểm yếu của lao động Việt Nam vẫn là ngoại ngữ và ý thức kỷ luật.


Mở rộng thêm nhiều thị trường thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt

Theo số liệu thống kê từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2024 là 158.588 người đạt 126,9% kế hoạch năm;

Trong đó, thị trường Nhật Bản 71.518 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) 62.282 lao động, Hàn Quốc 13.649 lao động, Trung Quốc 2.335 lao động, Hungary 759 lao động, Singapore 1.544 lao động, Rumani 1.023 lao động, Ba Lan 331 lao động, Hồng Kông 582 lao động, Algeria 397 lao động, Ả rập Xê út 660 lao động, Liên bang Nga 591 lao động, Macao 346 lao động và các thị trường khác.

Xuất khẩu lao động bứt phá nhưng vẫn còn điểm yếu về ngoại ngữ, kỷ luật - 1

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình, ngành nghề, công việc như: Sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...), xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản), dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc gia đình).

Điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.

Về thu nhập của lao động khá cao và ổn định, dao động từ 1.200 - 1.600 USD/tháng tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc; từ 800 - 1.200 USD/tháng tại Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu; từ 700 - 1.000 USD/tháng đối với lao động có tay nghề và từ 500 - 600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở thị trường Trung Đông, châu Phi...

Theo ông Phạm Viết Hương, những năm gần đây Nhật Bản liên tiếp là thị trường dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc trong nhiều lĩnh vực. Số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm tới 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm.

Từ năm 2023, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nhóm lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản với 518.364 người, tăng 63,6% trong 5 năm. Nhiều chương trình, dự án như: Chương trình thực tập sinh kỹ năng; chương trình lao động kỹ năng đặc định;

Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA)... đã được Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản triển khai và đạt được nhiều kết quả. 

Việt Nam và Nhật Bản đang triển khai dự án thông tin thị trường lao động cho lao động di cư thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhằm tăng cường minh bạch trong quá trình tuyển dụng, ngăn chặn việc đơn vị dịch vụ trung gian thu phí trái quy định. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Tại thị trường Hàn Quốc, Chương trình EPS đưa lao động đi Hàn Quốc năm nay cũng thu hút đông lao động Việt Nam đăng ký dự thi. Năm 2024, số người đăng ký là gần 46.000, là năm ghi nhận số lượng lao động tham gia dự thi cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Đánh giá kết quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi nhanh chóng. Lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng dần về số lượng và nâng cao về chất lượng, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước. 

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có hơn 700.000 lao động đang làm việc tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm chuyển về nước khoảng 4 tỷ USD.

Bên cạnh các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục được duy trì ổn định thì một số thị trường mới đang có nhu cầu đối với lao động Việt Nam như các nước thuộc Đông Âu: Romania, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Serbia... 

Năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động như Australia và khu vực châu Âu. Hiện số lượng lao động đi làm việc tại thị trường này chưa nhiều nhưng điều kiện làm việc và thu nhập tương đối tốt. 

“Thời gian qua, nhiều nước như: Đức, Hy Lạp, Hungary, Romania, Ba Lan, Nga, CH Czech, Phần Lan... đẩy mạnh hợp tác về lao động với Việt Nam bằng những buổi tiếp xúc, làm việc và đàm phán giữa các cơ quan chính phủ.

Ngoài các thị trường trên, nhiều doanh ngiệp dịch vụ cũng đang tiếp cận thị trường như Tây Ban Nha, Litva... để đưa lao động sang làm việc. Khu vực châu Âu luôn được đánh giá là những thị trường trọng điểm, có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam sang làm việc.

Lao động Việt Nam đã bước đầu tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường lao động quốc tế”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết. 

Xây dựng thương hiệu cho lao động Việt

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu lao động cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện nhiều thị trường trọng điểm xuất khẩu lao động của Việt Nam có chính sách thay đổi theo hướng yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn về chuyên môn, tay nghề và ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng có những thay đổi trong chính sách thu hút lao động nước ngoài.

Trong các ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao như kỹ thuật, công nghệ thông tin, cơ khí, số lượng lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu này còn rất ít. Điều này khiến cho lao động bị giới hạn trong các công việc phổ thông, mức thu nhập thấp và ít cơ hội thăng tiến. Vì vậy, công tác đưa người lao động ra nước ngoài làm việc sẽ phải theo xu thế mới của quốc tế.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng sẽ không có công việc giản đơn, lương cao và đào tạo ngắn hạn. Do vậy, việc cải thiện trình độ ngoại ngữ, kỹ năng là yếu tố quan trọng để lao động có thể tiếp cận thị trường có điều kiện làm việc tốt, thu nhập cao.

Việc nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ mang lại lợi ích cá nhân mà còn có tác động tích cực đối với nền kinh tế quốc gia, cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực.

Lao động có kỹ năng cao đi làm việc ở nước ngoài sẽ góp phần nâng cao hình ảnh của quốc gia, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ hợp tác và giao lưu văn hóa giữa các quốc gia.

Là đơn vị chuyên đào tạo và đưa lao động ra nước ngoài làm việc, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó tổng giám đốc Esuhai Group cho biết, ngay từ khi thành lập, công ty đã thành lập trường đào tạo năng lực ngoại ngữ cho người lao động để thông qua đó nhanh chóng thích nghi, làm tốt công việc, tiếp nhận kỹ năng, phương pháp quản lý mới.

Không dừng lại ở việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Esuhai Group còn xây dựng hệ sinh thái tiếp nhận họ trở về, tạo việc làm cho người lao động sau thời gian học tập, làm việc tại nước ngoài.

Ông Nguyễn Nhật Anh, đồng sáng lập Công ty Đào tạo và Phát triển nhân lực Viettalents GmbH (Đức) cho rằng, việc thiếu hụt nhân lực ngành y tế tại các nước châu Âu đang mở ra cơ hội học tập, làm việc cho nguồn lao động Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều nước ở châu Âu đang cần nguồn nhân lực nên chính sách thu hút lao động nhập cư có nhiều thay đổi. Đức và các quốc gia châu Âu có những chính sách ưu tiên cho các lĩnh vực cần nhân lực trình độ cao.

Các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các trường, cơ sở giáo dục để xây dựng chương trình đào tạo nhân lực cho ngành y tế, trong đó có đào tạo ngoại ngữ để nâng cao chất lượng lao động trước sự cạnh tranh của nguồn nhân lực từ các quốc gia khác.

Đề cập đến chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ông Nguyễn Gia Liêm, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, nhiều năm qua, chúng ta mới tập trung nhiều vào việc hỗ trợ cho người lao động nghèo, yếu thế, người lao động ở vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo…

“Điểm yếu đầu tiên của lao động Việt Nam hiện nay chính là ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật. Đây là vấn đề đã được nêu ra nhiều trong thời gian qua, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giỏi tiếng bản địa thì lao động có vị trí công việc tốt, thu nhập cao hơn.

Không những vậy, việc lao động có kiến thức, trình độ cũng là yếu tố giúp họ có vị trí vững vàng hơn trong công việc khi xảy ra khủng hoảng. Ví dụ như đại dịch Covid-19, người lao động trình độ phổ thông sẽ bị cắt giảm, người có năng lực vẫn được giữ lại”.

Giải pháp hiện nay theo ông Liêm là cần có chính sách nâng cao chất lượng nguồn lao động, bố trí nguồn lực về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ cho người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề, ngoại ngữ.

Sẽ tùy theo từng thị trường để định hướng học tập ngành nghề gì hay học ngoại ngữ ở mức độ, trình độ ra sao. 

 “Chúng ta đang đặt mục tiêu không chỉ nâng cao số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng lao động. Do đó, việc nâng cao chất lượng lao động được đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập mà còn tạo uy tín thương hiệu cho lao động Việt Nam”, ông Liêm nhấn mạnh.

Thái An

Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ



Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/xuat-khau-lao-dong-but-pha-nhung-van-con-diem-yeu-ve-ngoai-ngu-ky-luat-20250121100201245.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

Nhân vật

Tết Trong Mơ: Những nụ cười giữa 'xóm ve chai'
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao
Hình ảnh tuyệt đẹp trên cánh đồng hoa cúc chi vào vụ thu hoạch
Giới trẻ xếp hàng từ 6h30, chờ 7 tiếng để chụp ảnh ở quán cà phê cổ trang

No videos available