Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Trịnh Hải Sơn – Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: Dự án ESFP có nhiều hứa hẹn vì nó khám phá việc sử dụng than và các sản phẩm liên quan làm nguồn cung cấp các nguyên tố đất hiếm và các nguyên tố quan trọng khác. Sáng kiến này có thể mở ra những con đường hợp tác mới, đóng góp đáng kể vào mục tiêu và kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ. Nó không chỉ phù hợp với cam kết chung của chúng ta về phát triển bền vững mà còn mang đến cơ hội khai thác nguồn nguyên tố đất hiếm mới từ vật liệu phế thải được tạo ra từ than đá, có thể có tác động biến đổi đối với các ngành công nghiệp khác nhau.
Viện trưởng Trịnh Hải Sơn nhấn mạnh, mặc dù dự án này đánh dấu nỗ lực hợp tác đầu tiên giữa ba quốc gia trong nghiên cứu khoa học nhưng chắc chắn đây là nền tảng hướng tới nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai. Ông hy vọng rằng ba tháng khảo sát và thu thập mẫu tiếp theo nhằm đánh giá tiềm năng của các nguyên tố đất hiếm trong than và các sản phẩm có nguồn gốc từ than sẽ là một nỗ lực hiệu quả. Ông cũng tin tưởng sáng kiến này sẽ mở đường cho nhiều dự án hợp tác khác trong những năm tới.
Phát biểu chúc mừng sự kiện, ông Park Jong Kyung – Tổng Lãnh sự Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: Chương trình ESFP là chương trình hợp tác khoa học giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ, trong đó thực hiện phái cử các chuyên gia của Hoa Kỳ và Hàn sang cùng nghiên cứu tại nước thứ ba. Có nhiều nước nằm trong danh sách các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam.
Gần đây, quan hệ giữa Hàn Quốc với Việt Nam và Hoa Kỳ đã được nâng tầm lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Việc ba nước này hợp tác với nhau càng có ý nghĩa hơn. Trong lần hợp tác này, Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ chia sẻ bí quyết nghiên cứu và công nghệ với Việt Nam. Việt Nam sẽ cung cấp mẫu tro than cần thiết cho hoạt động nghiên cứu này, từ đó hình thành nên mối quan hệ hợp tác đa phương có lợi cho cả ba bên.
Dự án ESFP sẽ góp phần đạt được mục tiêu trung hòa carbon của ba nước. Đây sẽ là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp xanh.
Theo ông Park Jong Kyung, trên toàn thế giới, có khoảng 800 triệu tấn tro than, trong đó Mỹ chiếm 70 triệu tấn, Hàn Quốc và Việt Nam sản xuất hơn 10 triệu tấn mỗi năm. Tro than chủ yếu được chôn lấp hoặc bỏ hoang, gây ô nhiễm môi trường.
Trong bối cảnh mỗi quốc gia đều đang phát triển công nghệ tái chế tro than, sự hợp tác giữa ba bên sẽ giúp phát triển công nghệ thu hồi nguyên tố đất hiếm từ tro than. Bằng cách tái chế tro than, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất điện đốt than, chúng ta sẽ giúp bảo vệ môi trường và giảm phát thải carbon. Đặc biệt, nếu việc chuyển giao công nghệ liên quan cho khu vực tư nhân dẫn đến thương mại hóa sẽ đặt nền móng cho công nghiệp xanh.
Ông Park Jong Kyung cho biết thêm, đất hiếm là khoáng sản cốt lõi, chiến lược, được sử dụng trong nhiều sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh và xe điện. Trong trường hợp tỷ trọng sản xuất của một quốc gia cụ thể cao, đất hiếm có vai trò quan trọng rất lớn về mặt an ninh kinh tế. Việc phát triển công nghệ thu hồi và tái chế đất hiếm sẽ góp phần đa dạng hóa chuỗi cung ứng đất hiếm. Trên cơ sở đó, kế hoạch hợp tác chuỗi cung ứng trung và dài hạn sẽ được xây dựng.
Tại buổi lễ, ông Barrett Bryson, chuyên viên Năng lượng tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết: Việc nâng tầm Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chưa từng có gần đây được xây dựng dựa trên mối quan hệ thương mại và đầu tư bền chặt của hai bên. Nó tạo dựng một tương lai được đánh dấu bằng sự tăng trưởng bền vững và tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ, giáo dục và nâng cao kỹ năng.
Dự án ESFP không chỉ thể hiện tham vọng của đối tác chiến lược toàn diện mà còn tăng cường hợp tác Hoa Kỳ – Hàn Quốc – Việt Nam và thúc đẩy các quan hệ đối tác ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Đây là sự hợp tác khoa học và kỹ thuật chính thức đầu tiên giữa ba quốc gia, và mặc dù đối với phía Hoa Kỳ, dự án đặc biệt này sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2023, nhưng dự án sẽ tạo tiền đề cho những nỗ lực hợp tác trong tương lai.
Theo ông Barrett Bryson, trong vài ngày qua, ông cùng các đồng nghiệp đã khảo sát thực địa, thu thập mẫu vật từ nhiều địa điểm khác nhau ở Thái Nguyên và Quảng Ninh, thăm bốn nhà máy điện than và bốn mỏ than, kết quả đã thu được hơn 60 mẫu than từ các địa điểm này. Những mẫu này sẽ hỗ trợ xác định sự hiện diện của các nguyên tố đất hiếm có giá trị thương mại trong tro than và khám phá các công nghệ tiên tiến để cô lập carbon thông qua quá trình khoáng hóa.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã cắt băng khánh thành Trung Tâm Triển Khai Chương Trình Nghiên Cứu Khoa Học Đại sứ Quán Hàn Quốc – Đại sứ Quán Hoa Kỳ. Trung tâm được đặt tại trụ sở Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.
Chương trình nghiên cứu khoa học của Đại sứ quán Hàn Quốc – Đại sứ quán Hoa Kỳ tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi về các công nghệ liên quan đến nghiên cứu và đặc điểm của nguồn gốc và quá trình hình thành các mỏ than và mỏ đất hiếm tại Việt Nam, bao gồm: nghiên cứu các giải pháp tích lũy các nguyên tố đất hiếm trong các mỏ than tại Việt Nam và việc đánh giá giá trị tiềm năng của các nguyên tố đất hiếm và các nguyên tố trọng yếu khác từ mỏ than và các sản phẩm liên quan đến than tại Việt Nam thông qua đặc điểm hóa cách mà các nguyên tố đất hiếm và các nguyên tố trọng yếu tồn tại và nồng độ của chúng trong mỏ than và các sản phẩm đi kèm từ than.