Tổng thống Ukraine Zelensky nói rất khó để Ukraine "sống sót" nếu không có sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ. Tuy nhiên, Kyiv từ chối giao mỏ khoáng sản cho chính quyền ông Trump. Ukraine có tài nguyên giàu có, giá trị ra sao?
Theo Washington Post, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa từ chối đề xuất của Mỹ về việc nắm giữ khoảng 50% quyền khai thác khoáng sản đất hiếm của nước này và đang cố gắng đàm phán một thỏa thuận tốt hơn.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent hôm 12/2 đã đề xuất thỏa thuận này với ông Zelensky trong chuyến thăm Kyiv sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố muốn 500 tỷ USD khoáng sản đất hiếm từ Ukraine để đổi lại sự hỗ trợ của Washington dành cho Kyiv.
Ông Bessent cho biết thỏa thuận về khoáng sản với Washington sẽ giúp Ukraine có được "lá chắn an ninh" hậu chiến.
Trong cuộc điện đàm với ông Putin hôm 12/2, ông Trump khiến châu Âu hoang mang trước khả năng ông sẽ đàm phán hòa bình cho chiến sự Ukraine với Nga mà không có sự tham gia của Kyiv.
Ukraine cũng đứng trước lo ngại đánh mất sự ủng hộ của Mỹ, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho rằng mục tiêu Kiev giành lại toàn bộ lãnh thổ, hoặc trở thành một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) là không thực tế.
Ông Zelensky cho biết đang đề xuất quan hệ đối tác hai bên cùng có lợi để cùng khai thác tài nguyên, chứ không phải "cho không".
Ukraine đã đề xuất một dự thảo thỏa thuận mới, mở cửa cho đầu tư của Mỹ vào các khoáng sản quan trọng như đất hiếm, titanium, uranium và lithium. Dù vậy, vẫn còn nhiều chi tiết cần được thống nhất, đặc biệt là về các đảm bảo an ninh mà Ukraine yêu cầu để bảo vệ trước Nga.
Vậy quy mô các mỏ khoáng sản, trong đó có đất hiếm của Ukraine ra sao và giá trị như nào và tại sao chính quyền ông Zelensky từ chối thỏa thuận giao ngay quyền khai thác với Mỹ?
Ukraine - Kho báu khoáng sản của châu Âu
Ukraine là một trong những quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản bậc nhất thế giới và hàng đầu tại châu Âu. Theo ước tính của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF), Ukraine sở hữu khoảng 5% tổng trữ lượng khoáng sản toàn cầu. Đáng chú ý, Ukraine có trữ lượng lớn titan, lithium, uranium, than đá, sắt, niken và đặc biệt là các loại đất hiếm - nguyên liệu quan trọng trong công nghệ bán dẫn, pin lithium-ion, thiết bị quân sự…
Ukraine sở hữu một trong những mỏ lithium lớn nhất châu Âu, yếu tố thiết yếu cho sản xuất pin xe điện và thiết bị lưu trữ năng lượng. Trong khi titanium là kim loại chiến lược trong sản xuất hàng không vũ trụ và quốc phòng. Ukraine cũng có các mỏ berili, mangan, gali, urani, zirconi, than chì, apatit, fluorit và niken đáng kể.
Theo Independent, ước tính tài nguyên khoáng sản của Ukraine lên hơn 12.000 tỷ USD.
Trong đó, theo Forbes, có khoảng 7.000 tỷ USD trong tổng tài sản khoáng sản của Ukraine nằm ở Donetsk và Lugansk.
Đây là 2 vùng đất đã gia nhập Nga vào năm 2022.
Sự giàu có về tài nguyên đã khiến Ukraine trở thành một khu vực có giá trị địa chính trị đặc biệt, thu hút sự quan tâm của các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Có thể thấy, một trong những yếu tố quan trọng định hình tương lai của Ukraine chính là trữ lượng khoáng sản khổng lồ mà nước này sở hữu.
Thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine: Cơ hội lớn hiếm có với Mỹ?
Thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine được xem là một giải pháp quan trọng nhằm giảm sự phụ thuộc Mỹ vào chuỗi cung ứng các loại khoáng sản quan trọng như đất hiếm, titan.. từ Trung Quốc và Nga.
Mỹ muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng khai thác, chế biến khoáng sản tại Ukraine, đồng thời đảm bảo một phần lớn sản lượng khoáng sản chiến lược sẽ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Một thỏa thuận thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine có thể giúp Ukraine phục hồi kinh tế, tái thiết ngành khai khoáng, tạo ra hàng nghìn việc làm và nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia, hội nhập vào nền kinh tế phương Tây.
Với Mỹ, nếu đạt được thỏa thuận khoáng sản với Ukraine, lợi ích cho Washington là rất lớn, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang bắt đầu cuộc chiến thương mại trên phạm vi toàn cầu. Thỏa thuận sẽ giúp gây áp lực lên Nga - vốn kiểm soát phần lớn nguồn cung titanium và đất hiếm của châu Âu.
Nếu Ukraine trở thành nhà cung ứng thay thế, điều này có thể làm giảm vị thế địa kinh tế của Moscow. Thỏa thuận cũng sẽ đạt Nga vào thế đã rồi và Nga và Mỹ sau đó sẽ buộc phải đàm phán về vấn đề này. Lý do là bởi, khoảng 50% trữ lượng đất hiếm của Ukraine hiện thuộc các vùng Nga tuyên bố sáp nhập và đang quản lý.
Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt quan trọng, là nguyên liệu không thể thiếu của nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật mũi nhọn, hay sản xuất tàu ngầm, tên lửa… Đây được xem là “vũ khí chiến lược” và con bài trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc là nước có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, ước tính có khoảng 44 triệu tấn, chiếm 40% trữ lượng đất hiếm toàn cầu. Theo Statista, Mỹ nhập khoảng 70% đất hiếm từ Trung Quốc.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/zelensky-tu-choi-thoa-thuan-voi-ong-trump-kho-bau-cua-ukraine-lon-ra-sao-2371723.html
Bình luận (0)